Du lịch Việt nắm bắt cơ hội để… tăng tốc

11/02/2019
11/02/2019

Đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham quan Hội An

Năm 2018, ngành du lịch Việt Nam đã được quốc tế vinh danh, trao tặng nhiều giải thưởng mang tính toàn cầu… Đây có thể coi là một trong những bước tiến mạnh mẽ tạo nền tảng, tạo động lực cho ngành công nghiệp không khói phát triển.

Những con số ấn tượng

Nhìn lại chặng đường 58 năm phát triển của ngành du lịch Việt Nam, có thể thấy, đến năm 2005, lượng du khách quốc tế mới đạt mốc hơn 3 triệu lượt và mất 5 năm nữa tức là năm 2010 để vượt mốc 5 triệu lượt.

Nhưng chỉ cần 8 năm, tức là từ 2010 đến nay, du lịch Việt đã có bước phát triển mạnh mẽ đưa lượng khách quốc tế tăng gấp 3 lần, từ 5 triệu lên con số hơn 15 triệu lượt... Đây là kết quả ngọt ngào từ những nỗ lực không ngừng của toàn ngành du lịch nhờ đáp ứng tốt nhu cầu của các thị trường khách quốc tế.

Du lịch đã đưa ra nhiều dòng sản phẩm chủ đạo như du lịch văn hóa, du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch thành phố, trong đó tiêu biểu là du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; du lịch trải nghiệm, thụ hưởng các sản phẩm văn hóa đặc sắc Việt Nam… đáp ứng nhu cầu của du khách.

Sự thay đổi này cũng giúp các điểm đến như Hạ Long, Phú Quốc, Đà Nẵng… đã và đang trở thành hình ảnh thương hiệu du lịch quốc gia, trở thành động lực cho sự phát triển của du lịch Việt Nam.

Theo phân tích của ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, yếu tố giúp tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ cho du lịch trong năm vừa qua còn nhờ chính sự nỗ lực không mệt mỏi của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và doanh nghiệp du lịch. Các cơ quan quản lý nhà nước dù rất khó khăn nhưng cũng cố gắng xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ, thúc đẩy du lịch phát triển. Trong khi đó, các doanh nghiệp du lịch đã thực sự trưởng thành.

Chúng ta đã có một đội ngũ doanh nghiệp mạnh mẽ, đó là những nhà đầu tư chiến lược, xây dựng các khu du lịch mang đẳng cấp quốc tế và các thương hiệu du lịch có thể sánh vai và đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu du lịch trong khu vực.

Chính sự nỗ lực này đã tạo ra sự tăng trưởng ổn định của lượng khách trong năm vừa qua. Cùng đó, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam liên tục được thực hiện với quy mô ngày càng chuyên nghiệp ở các thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng tới nhiều thị trường tiềm năng dù nguồn lực còn hạn hẹp.

Những giải thưởng mà Việt Nam nhận được trong năm 2018 tiếp tục góp phần quan trọng khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới, đồng thời đánh dấu bước trưởng thành của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Đây cũng chính là động lực để du lịch Việt Nam phấn đấu và phát huy mạnh mẽ hơn nữa những tiềm năng, lợi thế để duy trì và đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Cần nhiều nỗ lực để bứt phá

Đạt được nhiều kết quả tích cực, song lãnh đạo ngành du lịch cũng thừa nhận vẫn còn những tồn tại trong quản lý nhà nước để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, thẳng thắn nhìn nhận: “Để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng như lộ trình và định hướng phát triển ngành du lịch sẽ cần nỗ lực để vượt qua thách thức, khắc phục các tồn tại, hạn chế trước mắt ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng cũng như các yếu tố lâu dài tác động đến phát triển bền vững. Bên cạnh đó, một số điểm nghẽn còn hạn chế tới kết quả phát triển du lịch như chính sách thị thực, kết cấu hạ tầng, hợp tác liên kết, phát triển sản phẩm gắn với thị trường, quảng bá xúc tiến, đào tạo nhân lực… cần được quan tâm tháo gỡ. Về công tác quản lý, cần chú trọng 2 nội dung là công tác quản lý điểm đến và quản lý dịch vụ, trong đó việc quản lý lữ hành, xử lý tour giá rẻ là các vấn đề thời sự hiện đang đặt ra hiện nay cho ngành”.

Cụ thể, một số nhóm giải pháp được đưa ra như đẩy mạnh các hoạt động truyền thông để có nhận thức đúng về vai trò động lực, tác động tích cực của du lịch đến kinh tế - xã hội của đất nước, từ đó có kế hoạch, giải pháp tổ chức quản lý phù hợp. Tích cực chủ động đẩy mạnh công tác kiểm tra, tăng cường phối hợp với các địa phương, các ngành liên quan xử lý nghiêm minh các vi phạm, khắc phục hạn chế trong phát triển du lịch. Công khai minh bạch giá cả và chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch tương ứng…

Cùng đó là việc phối hợp chặt chẽ với các ngành Công thương, Tài chính, Ngân hàng, Công an… và các địa phương, đặc biệt là các địa bàn du lịch trọng điểm để kiên quyết xử lý tình trạng kinh doanh không phép, núp bóng, mang tính chất lừa đảo, vi phạm các quy định pháp luật về thanh toán, sử dụng ngoại hối...

Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, cạnh tranh bình đẳng. Người làm du lịch kỳ vọng với việc nhận định đúng và chung tay gỡ bỏ những điểm nghẽn trong quản lý, du lịch Việt sẽ có nhiều hơn cơ hội để cất cánh.

Theo Sài Gòn Giải Phóng