Gần kề hội nhập: Tín hiệu đột phá nào từ công ty ngành đường?

20/11/2017
20/11/2017

Kết thúc quý 1 niên độ 2017-2018 ngành đường, các Công ty đã chính thức công bố kết quả kinh doanh (KQKD) sau 3 tháng bước vào niên vụ mới. Những con số này phần nào phản ánh diễn biến thị trường đường nội địa trong bối cảnh áp lực cạnh tranh hội nhập ngày càng gia tăng, song cũng cho thấy nỗ lực ổn định sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đường TTC trên kệ siêu thị

Trong năm vừa qua, CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) đặc biệt gây chú ý với thương vụ sáp nhập cùng CTCP Đường Biên Hòa (BHS), nâng tổng vốn điều lệ từ 2.532 tỉ đồng lên 5.570 tỉ đồng, trở thành Công ty đường có quy mô dẫn đầu cả nước. Thị trường không chỉ chờ các thông tin công bố về kết quả kinh doanh sau sáp nhập của Công ty đường quy mô nhất này mà còn nội dung kỳ Đại hội ngày 20/11/2017 tới đây. Kết quả kinh doanh hợp nhất Quý 1 của Công ty sau sáp nhập được công bố là 113 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 2/2017-2018 của SBT là 220 tỷ đồng, đồng thời mục tiêu kế hoạch doanh thu hậu sáp nhập được duy trì trên 9.900 tỷ đồng, tăng nhẹ so với kế hoạch dự kiến ban đầu 9.790 tỷ đồng, mục tiêu LNTT tối thiểu đạt 680 tỷ đồng trong niên độ này. Như vậy, với các chỉ tiêu thể hiện đến thời điểm hiện nay, mục tiêu này được đánh giá hoàn toàn khả thi dựa trên những lợi thế của SBT và BHS - cả trong câu chuyện M&A (SBT) lẫn sự chủ động cho lộ trình hội nhập.

Về năng lực sản xuất đường luyện - câu chuyện đang nóng khi tiến gần thời điểm thực thi Atiga, SBT đang sở hữu 3 nhà máy đường luyện tại Tây Ninh, Biên Hòa và Ninh Hòa với tổng công suất 2000 tấn đường RE/ngày. Vừa qua, đơn vị đường trúng thầu tổng số 44.000 tấn đường thô nhập khẩu trong hạn ngạch 2017. Lượng đường thô này dự kiến đem lại mức giá thành sản xuất tốt cho Công ty với giá nhập khẩu chỉ khoảng 370 USD/tấn. Bên cạnh đó, Công ty có khả năng phát triển hình thức tạm nhập tái xuất, vừa cung cấp đa dạng loại hình sản xuất cho khách hàng, vừa tận dụng công suất luyện…. Đây là lợi thế mà SBT đang nắm và có thể khai thác mạnh. Ngày 01/11/2017 vừa qua, SBT chính thức công bố thông tin về việc triển khai đầu tư nâng công suất tại các nhà máy trong giai đoạn 2018 - 2019 với tổng giá trị trên 368 tỉ đồng. Cụ thể, SBT đầu tư nâng công suất luyện đường thô tại 2 nhà máy: nhà máy TTCS từ 200.000 tấn/ năm lên mức tối thiểu 300.000 tấn/năm và nhà máy BHS Ninh Hòa từ 100.000 tấn/năm lên tối thiểu 180.000 tấn/năm. Các hạng mục đầu tư bao gồm hệ thống sấy bã mía, đầu tư mới lò hơi đốt than công suất lần lượt đạt 60 tấn/giờ và 50 tấn/giờ. Như vậy, tổng sản lượng đường luyện từ đường thô của SBT sẽ gấp đôi hiện tại trong niên vụ 2018 - 2019 tới.

Ngoài các phụ phẩm thông thường như mật rỉ, phân vi sinh…, SBT hiện có tổng công suất thiết kế nhiệt điện từ bã mía toàn hệ thống hiện nay là 152 MW, bình quân sản lượng điện đạt 364.000 MWh/năm, đem lại doanh thu trên 20 triệu usd/năm. Đây được xem là cơ sở để hạ giá thành sản phẩm đường của Công ty.

Lợi nhuận TTCS

Một lợi thế khác của SBT đến từ chuỗi sản phẩm đa dạng, từ đường thô, RS đến RE phù hợp với nhu cầu của các kênh bán hàng trong nước và xuất khẩu, từ kênh thương mại, công nghiệp đến kênh tiêu dùng. Riêng hệ thống bán lẻ hiện nay khoảng gần 100 nhà phân phối trên 53 tỉnh thành và 20 Brandshop, 400.000 "điểm bán hàng" gắn liền với thương hiệu đường Biên Hòa lâu năm. Nắm bắt xu hướng tiêu dùng hiện nay, SBT đang triển khai xây dựng nhà máy sản xuất đường Organic công suất 100 tấn/vụ và phát triển sản phẩm nước Miaqua với công suất 2,5 triệu lít/năm.

Các điểm nhấn quan trọng của SBT được thị trường quan sát trong thời gian qua có thể kể đến là tập trung vào giải pháp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin hóa hoạt động quản lý nông nghiệp bằng phần mềm FRM, cơ giới hóa đồng bộ hoạt động canh tác, điều chỉnh nâng room tỉ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài và triển khai niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore, đặc biệt là xem xét thanh hoán và tái cấu trúc danh mục các khoản đầu tư ngoài ngành mang lại nguồn lực cho Công ty trong giai đoạn hiện nay.

Phân tích về danh mục khoản đầu tư ngoài ngành, nổi bật có thể thấy Công ty đang sở hữu 18,5 triệu cổ phiếu TTC IZ. Dựa trên mức giá bán đã thực hiện, ước lợi nhuận tài chính sẽ ghi nhận khoảng gần 300 tỷ đồng nữa nếu thanh hoán toàn bộ lượng cổ phiếu còn lại. “Của để dành” của Công ty còn được ghi nhận ở việc sở hữu các tích sản là đất Khu công nghiệp Tân Kim và các dự án Năng lượng mặt trời với công suất 124 MW hiện đã xin được quy hoạch và đang trong giai đoạn bắt đầu triển khai.

Tài liệu Đại hội Công ty lớn nhất ngành đường đang cho thấy nhiều nội dung nổi bật, với tên gọi Công ty sau M&A là Thành Thành Công Biên Hòa (TTC Biên Hòa), Công ty đệ trình Đại hội một loạt nội dung quan trọng như áp dụng mô hình quản trị mới, đảm bảo tỉ lệ thành viên HĐQT độc lập là 30% với sự tham gia của hai thành viên nước ngoài, mua cổ phiếu quỹ 15%, và đặc biệt là trình thông qua tỉ lệ nhận chuyển nhượng Đầu tư TTC và bà Đặng Huỳnh Ức My. Cụ thể, theo đề xuất, CTCP Đầu tư Thành Thành Công và bà Đặng Huỳnh Ức My được nhận chuyển nhượng lần lượt hơn 103 triệu và 56 triệu cổ phiếu, nâng tổng số lượng cổ phiếu đang sở hữu lên hơn 200 triệu đơn vị (tương ứng tỷ lệ sở hữu 36%) và hơn 83,5 triệu đơn vị (tương ứng 15% tổng số cổ phiếu đang lưu hành).

Nói về mô hình quản trị mới, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng mở hướng đi mới cho các doanh nghiệp áp dụng mô hình quản trị mới tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Các doanh nghiệp có thể lựa chọn mô hình có Ban Kiểm soát hoặc mô hình Ban Kiểm toán trực thuộc HĐQT. Tuy nhiên, sau 03 năm có hiệu lực, có thể nói, tỉ lệ các doanh nghiệp áp dụng mô hình này còn rất hạn chế. Đến nay, đã có Vinamilk tiên phong áp dụng mô hình này - HĐQT có Ủy ban Kiểm toán trực thuộc. Mô hình quản trị doanh nghiệp với HĐQT có 1/3 là thành viên HĐQT độc lập và có Uỷ ban kiểm toán/Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT. HĐQT sẽ có sự tham gia của các thành viên độc lập, có uy tín và năng lực chuyên môn, đặc biệt là về kiểm soát và kiểm toán, nhằm tăng hiệu quả giám sát và cộng hưởng trách nhiệm HĐQT trong việc đảm bảo hiệu quả hệ thống kiểm soát nội bộ, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Thành viên HĐQT độc lập là người không có “lợi ích riêng tư” trong công ty, nên sẽ đưa ra những ý kiến khách quan nhằm bảo vệ lợi ích tổng thể của tổ chức, từ đó giúp HĐQT tránh được những quyết định mang tính chủ quan, “thiên vị”, có thể gây xung đột lợi ích cổ đông. Được biết, đối tác đang tư vấn cho Công ty là IFC và tiến độ triển khai hệ thống quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế sẽ hoàn thành trong quý đầu năm 2018.

Hội nhập là đề tài không mới, riêng với ngành đường được đang được nhận định đây là thời khắc đối diện nhiều thách thức. Tuy nhiên, quan sát hướng đi các thương hiệu lớn, như TTC Biên Hòa, có thể thấy nhiều điểm sáng với tâm thế đầy chủ động, sẵn sàng.

Theo cafebiz.vn