Giãn ATIGA: Cú hích thay đổi cục diện ngành mía đường?

20/06/2018
20/06/2018

Giãn thời gian áp dụng Hiệp định ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN) thêm 2 năm là cơ hội này cho ngành mía đường Việt Nam nói chung.

Mới đây, chủ trương đồng ý cho ngành mía đường giãn thời gian áp dụng Hiệp định ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - ASEAN Trade in Goods Agreement) thêm 2 năm đến năm 2020 đã được chấp thuận. Cơ hội này được nhận định mang lại nhiều tích cực và thuận lợi cho ngành mía đường Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp mía đường cũng như với hơn 11 vạn hộ nông dân trồng mía, 38 vạn người lao động trong nước thích ứng chuẩn bị cho hội nhập.

Trước thực trạng cung đường tăng cao, lượng đường ồ ạt nhập lậu tác động tiêu cực đến sản lượng tiêu thụ ngành đường, cùng với đó là sinh kế của người hàng vạn hộ nông dân và người lao động, chính sách hỗ trợ ngành đường và người trồng mía đã được quan tâm qua việc lùi thời gian áp dụng ATIGA đến năm 2020. Như vậy, ngành đường đã có thêm thời gian chuẩn bị để nâng cao sức cạnh tranh cho việc hội nhập quốc tế trong thời gian tới.

Song song với việc giãn ATIGA, Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã tính đến việc giải thể các nhà máy sản xuất kém hiệu quả cũng như thúc đẩy sản xuất các phẩm sau đường như cồn Ethanol, sản xuất điện… Các hoạt động này cũng sẽ cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh của các nhà máy đường.

Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến của Việt Nam đang tăng trưởng rất tốt nhờ dân số tiềm năng và thu nhập người dân tăng, điều này được xem là một trong những động lực tăng trưởng chính cho các doanh nghiệp mía đường. Theo báo cáo, giá đường thế giới được kỳ vọng đã chạm đáy và có dấu hiệu phục hồi trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu cho niên độ tới sẽ giảm khoảng 2% (khoảng 5,4 triệu tấn) do sản lượng đường Braxin, nước sản xuất đường lớn nhất, giảm 12%. Điều này góp phần giảm áp lực cho giá đường. Những yếu tố này, theo giới chuyên môn, sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của ngành đường Việt Nam nói chung trong niên độ tài chính tới.

Hiện nay, nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines cũng đang muốn tạm dừng ATIGA đối với mặt hàng đường, nên hành động này của nước ta sẽ không nằm ngoài xu thế chung. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong ngành vẫn xác định, để tồn tại và phát triển bền vững, không còn con đường nào khác là tái cơ cấu triệt để từ khâu giống, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ…

Đến nay, ngành mía đường Việt Nam cũng đang thể hiện các động thái bám sát Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó sẽ rà soát, xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng phát huy lợi thế vùng; nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu, rà soát những nhà máy, vùng không có khả năng đáp ứng nguyên liệu để có thể di chuyển nhà máy đến vùng có lợi thế hơn. Đảm bảo sản xuất mía ổn định 300.000 ha và không xây dựng thêm nhà máy sản xuất đường mới, chỉ mở rộng công suất các nhà máy hiện có ở vùng còn khả năng phát triển vùng nguyên liệu.

Về phía các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là 1 số doanh nghiệp lớn, đã có sự chuẩn bị chủ động, kỹ lưỡng cho quá trình hội nhập từ cách đây nhiều năm trên mọi phương diện. Cụ thể, hoạt động nông nghiệp tập trung các giải pháp như áp dụng quy trình canh tác hiệu quả, thâm canh tăng năng suất, tăng cường đầu tư cơ giới hóa, góp phần giảm chi phí, áp dụng kỹ thuật bón phân đúng cách và đúng thời điểm giúp giảm lượng phân bón sử dụng. Vấn đề phát triển quỹ đất nông trường, vùng nguyên liệu cũng được chú trọng thực hiện. Nhà máy tự tổ chức sản xuất hoặc liên kết sản xuất với các đơn vị có quỹ đất lớn để thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp.

Về sản xuất, việc cải tiến các thiết bị nhằm tăng hiệu suất thu hồi, nâng cao tối đa chất lượng đường tinh luyện, giám sát thực hiện các thông số kỹ thuật, kiểm soát chi phí theo các định mức, gia tăng năng suất.

Các giải pháp kinh doanh được tập trung vào đẩy mạnh phát triển khách hàng và hệ thống kênh phân phối, đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tham gia các hội chợ, hội thảo, hội nghị quốc tế về mía đường trong khu vực nhằm quảng bá hình ảnh, sản phẩm đến các khách hàng xuất khẩu. Tại thời điểm này, việc khai thác được thị trường mới là điều vô cũng tích cực cho ngành đường trong nước. Những nỗ lực chủ động này từ các doanh nghiệp ngành đường cộng với cú hích từ động thái giãn ATIGA, chắc chắn sẽ mang lại “sinh khí mới” để ngành mía đường có thể “lội ngược dòng” trong lộ trình hội nhập.

Thời gian 6 tháng trở lại đây, với các thách thức chung của ngành đường và sự quan tâm chờ đợi thông tin liệu ATIGA có được gia hạn hay không, thị giá cổ phiếu các doanh nghiệp ngành đường bình quân đã giảm khoảng 25%. Tuy nhiên, ROE trung bình ngành vẫn duy trì được ở mức tương đối cao trên 20%. Thị giá cổ phiếu giảm kéo theo P/E trung bình ngành mía đường cũng giảm theo, duy trì ở mức thấp chỉ từ 10 tới 11. Hy vọng với các chuyển biến tích cực nêu trên, đặc biệt về tiềm năng hoạt động, bức tranh ngành sẽ có nhiều khởi sắc hơn ngay trong tương lai gần, và các tín hiệu này sẽ phản ánh trực diện nhất vào thị giá cổ phiếu.

 

 

 

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư