Ứng dụng công nghệ cao để nâng sức cạnh tranh

16/09/2019
16/09/2019

Trong bối cảnh hội nhập rộng và sâu qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Việt Nam - châu Âu (EVFTA)…, các doanh nghiệp (DN) cần phải nắm rõ thuận lợi, thách thức những sản phẩm do DN mình làm ra để có thể khai thác lợi thế cạnh tranh, hạn chế mặt yếu kém.

0,6% diện tích, góp 6,1% giá trị

Bên cạnh những thuận lợi từ các FTA mang lại như nhiều dòng thuế quan sẽ giảm ngay hoặc giảm dần theo lộ trình thì thách thức từ các hiệp định này cũng không phải nhỏ. Đó sẽ là những yêu cầu mới về tiêu chuẩn của sản phẩm, được gọi là những hàng rào phi thuế quan hay rào cản kỹ thuật mới.

Việt Nam là đất nước đang phát triển phải cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp với những nước phát triển, vốn có nhiều lợi thế về quản lý, công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D), nguồn lực... Vì vậy, một trong những yếu tố giúp rút ngắn khoảng cách là ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào quá trình sản xuất.

Ứng dụng công nghệ cao để nâng sức cạnh tranh  ảnh 1
Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm nước lợ tại huyện Nhà Bè, TPHCM, mang lại nhiều hiệu quả. Ảnh: ĐĂNG LÃM


Theo ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, việc nắm rõ những ưu điểm, nhược điểm của DN mình từ những FTA đã được Việt Nam ký kết với khá nhiều nước sẽ giúp DN xác định vị trí ở đâu, cần khắc phục những hạn chế nào để có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng trên thương trường. Muốn sản phẩm có tính cạnh tranh, một trong những yêu cầu là biết ứng dụng CNC vào quá trình sản xuất, chế biến. Và việc được chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) sẽ nhận được nhiều ưu đãi từ chính sách của Luật Công nghệ cao.

Có thể nói, trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp bị suy giảm trên dưới 1.000ha/năm, nhưng nhờ biết chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp đô thị, biết ứng dụng CNC vào quá trình sản xuất nên giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp của TPHCM không ngừng tăng lên.

GS-TS Bùi Chí Bửu, chuyên gia nông nghiệp hàng đầu, nhận xét yếu tố ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần đáng kể vào sự phát triển nông nghiệp của TPHCM. Sở NN-PTNT TP cho biết, tỷ lệ ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp tăng nhanh trong giai đoạn 2015-2020.

Nếu như năm 2010, tỷ lệ này chiếm khoảng 10%, năm 2016 là 35,8% thì năm 2018 đạt 38,2%. Năm 2019, diện tích ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp là 407ha canh tác (tăng 4,8%), góp phần nâng cao giá trị sản xuất.

Năm 2018 con số này là 502 triệu đồng/ha/năm (tương đương 22.000 USD, tăng 11,5% so với năm 2018), xấp xỉ với lãnh thổ Đài Loan và gần bằng một nửa so với Hà Lan (40.000 USD/ha/năm). Nếu tính cả nước, TPHCM xếp hạng nhất so với các tỉnh, thành khác khi mới đạt bình quân 3.900 USD/ha/năm (số liệu do Bộ NN-PTNT công bố năm 2019).

Nhờ đó, duy trì được tốc độ phát triển của ngành nông nghiệp TPHCM cao hơn bình quân cả nước gần gấp đôi (6,2% so với 3,86% năm 2018). Vì vậy, dù diện tích đất của TPHCM chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước nhưng lại đóng góp 6,1% giá trị nhờ biết khai thác thế mạnh về ứng dụng CNC.

Hình thành cộng đồng DN NNCNC

Tại buổi gặp gỡ giữa DN NNCNC với lãnh đạo Sở NN-PTNT TPHCM vừa qua, Th.S Từ Minh Thiện, Phó ban Quản lý Khu NNCNC TPHCM, cho rằng có một thực tế đang diễn ra, DN làm nông nghiệp thường ít hiểu biết về những lợi ích mà công nghệ thông tin (IT) mang lại để có thể ứng dụng vào quá trình hoạt động. Ngược lại, DN chuyên về IT lại hiểu biết không nhiều hay mù mờ về sản xuất nông nghiệp.

Việc này có thể giải quyết thông qua các trường, viện với chương trình đào tạo cụ thể. Cần có hệ thống thông tin về thị trường nông sản để giúp người sản xuất nông nghiệp tham khảo, trước khi có quyết định trồng hay nuôi con nào đó.

Nhiều nước đã thiết lập hệ thống thông tin này từ lâu và nhờ làm tốt việc này mà nông dân sản xuất nông nghiệp ở lãnh thổ Đài Loan có thể điều tiết hay định hướng sản xuất để cân đối thị trường, giúp cho việc cung - cầu sản phẩm ra thị trường ở mức hợp lý, ổn định.

Ngoài ra, TPHCM cần lập hệ thống quản lý đất canh tác để qua đó, những DN khởi nghiệp, người có ý định đầu tư vào nông nghiệp có thể tham khảo trước.

Đối với những DN khởi nghiệp về NNCNC, vấn đề thế chấp để được vay vốn ngân hàng là một trong những khó khăn lớn mà họ thường gặp. Nếu một dự án cần vốn vay 5 tỷ đồng, họ buộc phải có số vốn đối ứng tương đương mới có thể thế chấp tại ngân hàng và không phải DN khởi nghiệp nào cũng có khả năng đáp ứng điều kiện này.

Ngoài ra, họ còn gặp khó về đất đai, công nghệ. Trong lúc chờ nhà nước giải quyết những khó khăn này, ông Từ Minh Thiện khuyến cáo các DN nên sớm hình thành cộng đồng doanh nghiệp NNCNC như câu lạc bộ chẳng hạn. Đây sẽ là nơi gặp gỡ, giao lưu và là diễn đàn trao đổi ý kiến, nắm bắt thông tin… để có thể cùng nhau giải quyết vấn đề cùng quan tâm nào đó. Đây cũng sẽ là đầu mối đại diện việc giao lưu, trao đổi với các tổ chức, đối tác nước ngoài trong cùng lĩnh vực hay vấn đề quan tâm. 


Việc ứng dụng CNC vào sản xuất của DN nông nghiệp là xu thế khi môi trường hoạt động sản xuất bị cạnh tranh ngày càng gay gắt. Tiến thêm một bước, để có thể khai thác những ưu đãi như khi có được chứng nhận DN NNCNC, các hạng mục đầu tư theo danh mục ưu tiên sẽ được hỗ trợ 100% lãi vay.

Ông Nguyễn Văn Trực cho rằng, DN nông nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về việc chứng nhận DN NNCNC có thể liên hệ với Trung tâm Tư vấn hỗ trợ nông nghiệp, Chi cục Phát triển nông thôn hay Phòng Khoa học Công nghệ (thuộc Sở NN-PTNT TPHCM) để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục.

Theo Luật Công nghệ cao, để trở thành DN NNCNC, DN cần phải đạt 4 tiêu chí. Đó là: Doanh thu từ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC của DN phải đạt ít nhất 60% tổng doanh thu thuần hàng năm. Có hoạt động nghiên cứu đạt ít nhất 0,5% tổng doanh thu. Số lao động có trình độ trực tiếp tham gia nghiên cứu và phát triển chiếm 2,5% lao động của DN. Ứng dụng công nghệ thuộc danh mục CNC được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định (Điều 5 của Luật Công nghệ cao) để sản xuất. Áp dụng biện pháp sản xuất thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý.

 

Theo Sài Gòn Giải Phóng