Chủ động hội nhập, doanh nghiệp đường Việt Nam cần chuẩn bị gì?

21/03/2019
21/03/2019

Thực trạng tại các doanh nghiệp ngành đường

Vài năm trở lại đây, ngành mía đường toàn cầu gặp không ít khó khăn bởi Cung vượt Cầu, gây thiệt hại không nhỏ đối với nông dân trồng mía và cả doanh nghiệp mía đường. Mặc dù vậy, nhà nước vẫn xác định cây mía là nền tảng phát triển nên thời gian qua đã kêu gọi các doanh nghiệp và bà con nông dân đưa ra nhiều giải pháp, như: dồn thửa tạo cánh đồng mẫu nhằm áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa; nghiên cứu tạo giống mía có khả năng kháng sâu bệnh, chịu hạn, cho chữ đường cao; các doanh nghiệp cử cán bộ kỹ thuật nông vụ xuống tận địa phương để hướng dẫn thâm canh, hỗ trợ cải tạo đất, sửa chữa đường giao thông đến vùng nguyên liệu, áp dụng các chính sách ứng vốn vào đầu vụ… Trong đó, việc áp dụng các giống mía mới và cơ giới hóa đồng bộ để tăng năng suất cây mía, giảm chi phí đầu tư là mục tiêu cốt lõi cho việc chuẩn bị hội nhập.

Thời gian qua, nhà nông đã nhận được nhiều chính sách hỗ trợ từ các doanh nghiệp mía đường, như: CTCP Mía đường Sơn La (Mã CK: SLS), CTCP Mía đường Sơn Dương, CTCP Mía đường Lam Sơn (Mã CK: LSS), CTCP Mía đường Cần Thơ (Mã CK: CASUCO), CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar, mã CK: SBT - thành viên Tập đoàn TTC), các đơn vị trực thuộc của ngành mía đường TTC…

Các doanh nghiệp mía đường đã cải tiến, thay đổi gì để hội nhập?

Khi Hiệp định Atiga có hiệu lực đồng nghĩa với việc hàng rào thuế quan của một số mặt hàng, trong đó có đường sẽ về mức 0%. Để trụ vững tại thị trường nội địa, áp lực đầu tiên và cũng quan trọng nhất chính là làm thế nào để giảm giá thành sản xuất thì mới có thể cạnh tranh được.

Hiện nay, trước tình hình mía nguyên liệu rớt giá thê thảm, nhiều bà con nông dân đã hủy bỏ ruộng mía để chuyển sang các loại cây trồng khác. Điều này vô hình chung làm phá vỡ nhiều vùng nguyên liệu lâu đời của ngành mía đường. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã song hành cùng nông dân với nhiều chính sách nhằm giữ vững vùng nguyên liệu và thu nhập cho nông dân.

Tại CTCP Mía đường Sông Con, bên cạnh việc thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho người trồng mía, Công ty cũng tích cực triển khai làm những tuyến đường nội đồng để thuận lợi cho việc vận chuyển mía ở những cánh đồng xa, giao thông bất tiện. Đối với giống mía, Công ty áp dụng những giống mía năng suất cao, có độ đường ổn định, khả năng lưu gốc tốt như LK 92-11, KK3… vừa giúp nâng cao chất lượng nguyên liệu, đồng thời cũng nâng cao thu nhập cho người trồng mía. Xác định thâm canh, nâng năng suất mía là giải pháp cạnh tranh hàng đầu trong bối cảnh khó khăn, hai năm gần đây Công ty tập trung đầu tư cơ giới hóa để trồng và chăm sóc mía, đồng thời triển khai giải pháp thuê đất của nông dân để tích tụ diện tích lớn nhằm sản xuất hiệu quả hơn…

Để phát triển vùng nguyên liệu mía phục vụ sản xuất, CTCP Mía đường Sơn Dương cũng đã triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển những giống mía có năng suất và chất lượng cao, ứng trước vật tư, tiền vốn cho các hộ trồng mía, hỗ trợ cải tạo đất… Công ty bước đầu nâng cao tỷ lệ tự động hóa, hoàn thành xây dựng Nhà máy điện sinh khối mía đường Tuyên Quang (công suất 25 MW) và nâng công suất Nhà máy đường Tuyên Quang tại xã Bình Xa, huyện Hàm Yên lên 4.000 tấn mía/ngày. Đơn vị này cũng đang từng bước nâng cao hiệu quả chế biến của 2 nhà máy đường.

Nhà máy đường An Khê (CTCP Đường Quảng Ngãi) đã đầu tư chiều sâu bằng cách đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Để ổn định vùng nguyên liệu đủ cung cấp cho nhà máy hoạt động với công suất 18.000 - 20.000 tấn mía cây/ngày vào năm 2020, doanh nghiệp này đã lựa chọn bộ giống mía có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với việc cơ giới hóa để giảm chi phí thu hoạch, vận chuyển, tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời nâng cao hiệu quả thu hồi trong chế biến. Trong 1 - 2 năm tới sẽ giảm diện tích trồng các giống mía không phù hợp, phải thu hoạch thủ công và thay vào đó sẽ tăng diện tích trồng mía cơ giới hóa lên trên 80%. Hiện nhà máy này đã áp dụng cơ giới hóa trên 70% diện tích vùng nguyên liệu.

Tại TTC Sugar và các đơn vị trực thuộc cũng đã thực hiện mô hình cánh đồng mẫu để có thể áp dụng cơ giới hóa đồng bộ nhằm tiết giảm tốt đa chi phí đầu tư, bên cạnh đó còn áp dụng các giống lúa mới chịu được hạn và cho năng suất, chữ đường cao. Bước vào niên vụ 2018 - 2019, nhà máy Thành Thành Công - Gia Lai (TTC Gia Lai - đơn vị trực thuộc TTC Sugar) đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân về giống, phân bón, sửa chữa đường chuyên chở, hỗ trợ chi phí khi nông dân hợp thửa và giá thu mua mía nguyên liệu hợp lý nhằm đảm bảo nông dân có lãi bình quân 20 triệu đồng/hecta.

Gần đây nhất, đầu năm 2019, TTC Sugar và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã ký kết hợp tác về việc OCB thay TTC Sugar tiếp tục cho các hộ nông dân có nhu cầu vay vốn với những chính sách ưu đãi. Lãi suất áp dụng cho các khoản vay trung - dài hạn và được OCB cố định trong suốt thời gian cho vay. Tính tới thời điểm ký kết với OCB, 13.000 hộ nông dân trồng mía đã được TTC Sugar cho vay với tổng dư nợ 1.000 tỷ đồng.


Lễ ký kết hợp tác giữa TTC Sugar và Ngân hàng OCB về sản phẩm vay dành cho nông dân trồng mía.


Là một doanh nghiệp với thị phần khá lớn trong nước, TTC Sugar sở hữu 09 nhà máy, tổng diện tích vùng nguyên liệu hơn 58.700 hecta, tổng công suất mía khoảng 48.000 tấn mía mỗi ngày và tổng sản lượng đường sản xuất niên độ 2017 - 2018 là 595.171 tấn. Ngành đường TTC hoạt động kinh doanh cả trong lĩnh vực kinh doanh công nghiệp (B2B) và kinh doanh tiêu dùng (B2C) với hơn 40 danh mục sản phẩm (chiếm khoảng 40% thị phần tiêu thụ trong cả nước) với trên 40.000 điểm bán sản phẩm.

Sản phẩm của doanh nghiệp này hiện có mặt tại 14 quốc gia trên thế giới, như: Hàn Quốc, Singapore, Bắc Mỹ, châu Âu… Định hướng tới năm 2021, TTC Sugar đặt mục tiêu sản lượng sản xuất lên 820.000 tấn và nâng thị phần nội địa lên 50%. Ngoài ra, TTC Sugar đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty ED&F Man Sugar (Anh Quốc) về việc tiêu thụ đường Organic. Công ty tiếp tục phát huy thế mạnh chuỗi giá trị cây mía, trong đó sản phẩm cạnh đường - sau đường đều có sự phát triển ổn định. Cụ thể, doanh thu điện thương phẩm tăng 233%, mật rỉ tăng 202%, phân bón tăng 111% và doanh thu khác tăng 50%.

Với nhiều sự chuẩn bị chủ động, kèm theo các tín hiệu phục hồi của thị trường mía đường thế giới, những doanh nghiệp thực sự có tiềm lực không chỉ giữ vững được thị phần, mà còn đạt được các kế hoạch phát triển đã đề ra đối với cả thị trường nội địa và quốc tế.

Theo CafeF