Ngân hàng chạy đua giành “thị phần” bảo lãnh dự án

Mặc dù chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể về việc bảo lãnh trong bán - cho thuê nhà được hình thành trong tương...

Mặc dù chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể về việc bảo lãnh trong bán - cho thuê nhà được hình thành trong tương lai theo Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS), tuy nhiên nhiều ngân hàng (NH) đã nhanh chân trong việc ký kết hợp tác bảo lãnh với những nhà phát triển dự án BĐS trước thời điểm ngày 1.7.

“Săn” đối tác

Ngày 28.6 vừa qua, Cty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền, một trong những đơn vị tiên phong trong việc phát triển các dự án tại khu vực phía đông TPHCM như quận 2, quận 9… đã chính thức ký kết với NHTMCP Xuất - Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) về việc hợp tác bảo lãnh, cam kết thực hiện bảo lãnh cho người mua nhà.

Đại diện Khang Điền - ông Nguyễn Đình Bảo - Phó TGĐ Cty - cho biết, Cty luôn chú trọng trong thủ tục pháp lý khi toàn bộ dự án của Khang Điền đều có sổ đỏ trước khi chào bán. Việc ký kết hợp tác bảo lãnh với NH càng khẳng định nỗ lực của Khang Điền trong việc đảm bảo quyền lợi của khách hàng đồng thời cùng Eximbank đưa ra những giải pháp về tài chính tối ưu cho người mua nhà. Và điều quan trọng là phía NH cũng không tính phí bảo lãnh vì Cty vốn là đối tác lâu năm và có nhiều uy tín đối với NH Eximbank do đó khách hàng không phải lo ngại việc tăng giá bán BĐS.

Một nhà phát triển dự án BĐS khác là Cty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) mới đây cũng đã tiến hành ký kết hợp tác với các ngân hàng OCB, ACB, HDB để thực hiện bảo lãnh đối với kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai theo luật định. Theo đó, các NH cam kết sẽ bảo lãnh cho tất cả các sản phẩm do Sacomreal đầu tư. Cụ thể, OCB sẽ bảo lãnh cho dự án Jamona City (quận 7), ACB sẽ bảo lãnh dự án Jamona Riverside (quận 7), HDB sẽ bảo lãnh cho dự án Carillon 3 (quận Tân Bình). Trước đó không lâu, Tập đoàn Novaland đã bắt tay với VPBank ký hết hợp đồng hợp tác bảo lãnh, cam kết thực hiện bảo lãnh cho người mua nhà đối với các dự án BĐS do Novaland làm chủ đầu tư.

Phó TGĐ VPBank Phan Ngọc Hòa cho biết, sau khi ký hợp đồng bảo lãnh với chủ đầu tư, nếu xảy ra trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà theo tiến độ cam kết và bên mua có yêu cầu bồi thường thì VPBank có trách nhiệm hoàn lại số tiền khách hàng đã thanh toán và các khoản tiền khác theo quy định trong hợp đồng đã ký kết.

Còn theo bà Đinh Thị Thu Thảo - Phó TGĐ NH Eximbank TPHCM, với thị trường BĐS hiện nay, Eximbank rất quan tâm tới việc lựa chọn đối tác, bởi lẽ ngay sau khi ký kết hợp đồng bảo lãnh với chủ đầu tư, Eximbank sẽ thay mặt chủ đầu tư để đảm bảo quyền lợi của toàn bộ khách hàng. Việc đó sẽ làm tăng thanh khoản cho dự án, cũng như tạo niềm tin cho người mua và nhà đầu tư, giúp thị trường BĐS phát triển minh bạch, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế.

Phí bảo lãnh liệu có đáng ngại?

Từ ngày 1.7.2015, Luật Kinh doanh BĐS sẽ chính thức có hiệu lực thi hành, trong đó đáng chú ý là quy định chủ đầu tư dự án phải được tổ chức tài chính, NH bảo lãnh việc bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai. Trường hợp dự án không triển khai tiếp được, NH sẽ thay mặt chủ đầu tư hoàn trả lại tiền cho người mua nhà.

Tuy nhiên cho đến hôm nay (29.6), NHNN vẫn đang xây dựng và hoàn thiện lần cuối dự thảo thông tư thay thế Thông tư 28 liên quan đến việc bảo lãnh bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Chính vì vậy, câu chuyện phí bảo lãnh sẽ như thế nào và liệu có làm tăng giá bán của BĐS trong thời gian tới hay không cũng đang được bàn cãi rất nhiều. Theo các quy định hiện hành thì ngân hàng thương mại và chủ đầu tư dự án BĐS sẽ tự thỏa thuận về mức phí bảo lãnh, dựa theo các nguyên tắc của thị trường và tùy thuộc vào mức độ rủi ro, cũng như tính khả thi của dự án, đồng thời phụ thuộc vào uy tín và xếp hạng tín nhiệm của chính chủ đầu tư. Đương nhiên, chủ đầu tư có xếp hạng tín nhiệm cao thì phí bảo lãnh dự án sẽ thấp và ngược lại. Không thể có chuyện các dự án BĐS khác nhau về mức độ rủi ro lại được cào bằng về mức phí bảo lãnh.

Chính vì vậy theo các DN BĐS, vấn đề là phí bảo lãnh cần được tính toán sao cho phù hợp với năng lực tài chính và điều kiện của DN. Nên chăng, các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét xây dựng khung biểu phí, hoặc mức trần phí bảo lãnh để DN chủ động xây dựng phương án kinh doanh và cân đối tài chính cho dự án trước khi đưa ra thị trường.

Tuy nhiên, theo quan điểm của phía NH thì phí bảo lãnh cần để cho thị trường quyết định. Sẽ có nhiều NHTM tham gia bảo lãnh, nên để cạnh tranh và thu hút sự lựa chọn của các chủ đầu tư dự án BĐS, mức phí bảo lãnh sẽ không lo chuyện cao hay thấp, không lo vượt ngoài khả năng tài chính của DN. Và thực tế hiện nay cho thấy, theo thông tin được các NH công bố tại các buổi lễ ký kết trên thì hầu như các NH không áp dụng tính phí bảo lãnh - điều này đồng nghĩa người mua nhà được bảo đảm nhưng không lo sợ việc dự án bị tăng giá bán.

Lao động