Công ty CP Điện Gia Lai (GEC, HOSE: GEG) là đơn vị chủ lực của ngành Năng lượng TTC. Gia nhập Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM từ tháng 9/2019, cổ phiếu GEG thuộc Rổ Chỉ số VN100 vào kỳ cơ cấu tháng 7/2020 và là công ty duy nhất trong Rổ sở hữu đa dạng danh mục năng lượng tái tạo, tự hào là đơn vị đóng điện thương mại 2 nhà máy điện mặt trời đầu tiên ở Việt Nam là Phong Điền (Thừa Thiên Huế) và Krông Pa (Gia Lai).
Sở hữu 23 nhà máy thủy điện, điện mặt trời và điện gió với tổng công suất vận hành gần 800 Mwp, cung cấp 8 tỷ kWh sản lượng điện cho lưới điện quốc gia, giảm phát thải gần 5,6 triệu tấn CO2 và cung ứng điện cho 4,4 triệu hộ gia đình.
Những năm gần đây, hướng đến chiến lược Tài chính Xanh, GEC luôn là điểm đến của dòng vốn Xanh từ các định chế tài chính và đích đến của các nhà đầu tư như: JERA, DEG, SYMBIOTICS… Đồng thời, đặt mục tiêu phấn đấu tăng danh mục dự án với công suất phát triển lên hơn 1.700 MW giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Hơn 3 thập kỷ kinh nghiệm xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện, GEC hiện đang sở hữu 12 nhà máy thủy điện, tập trung tại 3 khu vực Gia Lai, Lâm Đồng, Huế với tổng công suất 81 MW. GEC cũng là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực điện mặt trời tại Việt Nam, hiện đang vận hành và triển khai 6 nhà máy điện mặt trời mặt đất và hệ thống áp mái với tổng công suất 342 MWp. Bên cạnh đó, GEC đã triển khai xây dựng và đưa vào vận hành thành công 4 nhà máy điện gió với tổng công suất lên tới 230 MW tại Tiền Giang, Bến Tre và Gia Lai. GEC cũng đã cung cấp ra thị trường các dịch vụ: Vận hành và bảo trì bảo dưỡng (O&M) cho các nhà máy Điện mặt trời, Robot vệ sinh tấm pin năng lượng mặt trời (GEC Robotic Solar Panel Cleaning); Dịch vụ thí nghiệm, kiểm định trong lĩnh vực điện - điện tử phục vụ cho mục đích kiểm tra chất lượng và đảm bảo an toàn cho các thiết bị, dụng cụ điện.
Sự tăng trưởng của nền kinh tế của quốc gia phải luôn được đồng hành với sự phát triển bền vững, an ninh của ngành năng lượng. Chính phủ Việt Nam đã dành nhiều sự quan tâm để định hướng phát triển ngành nhằm làm nền tảng thúc đẩy kinh tế phát triển. Vì vậy, trong dài hạn, ngành Năng lượng TTC có thể được coi là hấp dẫn với những triển vọng hứa hẹn cùng sự phát triển dài hạn của nền kinh tế Việt Nam.
- Hướng đến mục tiêu trở thành đơn vị tiên phong trong phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
- Sử dụng các nguồn lực hiệu quả, tối ưu hóa giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.
- Đóng góp tích cực cho địa phương, cộng đồng xã hội, phát triển theo định hướng bảo vệ môi trường.