Bộ trưởng Bộ Công thương hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ là người có thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu...
Bộ trưởng Bộ Công thương hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ là người có thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân và chuyển giao sang EVN với công trình điện có nguồn gốc ngoài ngân sách nhà nước.
Kể từ 1/3/2024, việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ được thực hiện theo Nghị định số 02/2024/NĐ-CP.
Tuy vậy, không chỉ có công trình điện là tài sản công được hướng dẫn mà các công trình điện thuộc nhiều nguồn gốc đầu tư khác cũng nằm trong Nghị định này.
Các công trình điện của tư nhân muốn tự nguyện chuyển giao cho EVN mà chi phí của công trình đã tính vào giá bán điện của Bên giao cho đơn vị điện lực (trừ trường hợp các dự án/công trình điện áp dụng giá bán điện cố định - FIT) thì chi phí của công trình điện chuyển giao tính cho thời gian còn lại theo dự án phải được giảm trừ vào giá bán điện tại Hợp đồng mua bán điện giữa Bên giao và đơn vị điện lực.
Cụ thể, công trình điện là tài sản công được chuyển giao theo quy định tại Nghị định này gồm công trình điện là tài sản công tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội (sau đây gọi là tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị);
Công trình điện là tài sản công giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sau đây gọi là tài sản công tại doanh nghiệp); công trình điện thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bằng vốn nhà nước do Ban Quản lý dự án, cơ quan, tổ chức, đơn vị làm chủ đầu tư (sau đây gọi là công trình điện thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bằng vốn nhà nước); công trình điện thuộc hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong các dự án khu đô thị, khu dân cư và dự án khác do chủ đầu tư phải bàn giao lại cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Cũng nằm trong diện này còn có công trình điện được xác lập quyền sở hữu toàn dân có nguồn gốc ngoài ngân sách nhà nước (bao gồm cả phần giá trị công trình điện tăng thêm do tổ chức, cá nhân đầu tư, cải tạo, nâng cấp trên công trình điện hiện hữu của đơn vị điện lực) do các tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo hình thức không hoàn trả vốn và đơn vị điện lực thống nhất tiếp nhận (gọi là công trình điện có nguồn gốc ngoài ngân sách nhà nước).
Công trình điện được xác lập quyền sở hữu toàn dân có nguồn gốc hình thành từ dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và được các bên thỏa thuận chuyển giao cho đơn vị điện lực theo hợp đồng dự án theo quy định của pháp luật hoặc được cấp có thẩm quyền quyết định giao cho đơn vị điện lực thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận (sau đây gọi là công trình điện được đầu tư theo phương thức đối tác công tư).
Các trường hợp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này là các công trình điện là tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân chưa được giao, điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc xử lý theo hình thức khác; các công trình điện thuộc chương trình, dự án cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020; các công trình hạ áp nông thôn đã có Quyết định phê duyệt đầu tư của cấp có thẩm quyền trước ngày 12/02/2009; dự án Năng lượng nông thôn II.
Ngoài ra các công trình điện là tài sản công được Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý đã tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, công trình điện là tài sản của doanh nghiệp có vốn nhà nước và các công trình điện chuyển giao cho EVN nhưng có yêu cầu hoàn trả vốn cũng không thuộc phạm vi áp dụng của Nghị địnhh 02/2024/NĐ-CP.
Công trình điện tư nhân thuộc diện áp dụng giá bán điện cố định (FIT) muốn chuyển giao cho EVN phải được Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bộ trưởng bộ Công thương xác lập quyền sở hữu toàn dân sau đó giao lại cho EVN vận hành
Việc chuyển giao công trình điện có nguồn gốc ngoài ngân sách Nhà nước sẽ được thực hiện với việc xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân và chuyển giao sang EVN sẽ là Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan, người có thẩm quyền theo phân cấp của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định đối với công trình điện trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.
Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ là người quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định đối với công trình điện trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
Để được chuyển giao, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu công trình điện có nguồn gốc ngoài ngân sách nhà nước lập hồ sơ đề nghị chuyển giao quyền sở hữu về tài sản cho EVN, gửi (trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc điện tử trong trường hợp đã có chữ ký số) tới Bên nhận theo công bố của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Bên giao gửi, Bên nhận có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bên giao thực hiện kiểm tra thực trạng công trình điện, đánh giá về việc đáp ứng các điều kiện chuyển giao theo quy định tại Điều 4 Nghị định này và lập Biên bản theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc kiểm kê, xác định giá trị, Bên nhận có trách nhiệm lập hồ sơ để báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quy định xem xét, quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân và chuyển giao sang EVN.
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan, người có thẩm quyền ban hành Quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân và chuyển giao sang EVN theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị không phù hợp. Bên giao, Bên nhận chịu trách nhiệm về thông tin, giá trị công trình điện, hồ sơ làm căn cứ để cơ quan, người có thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân và chuyển giao sang EVN.
Theo Báo đầu tư