"Cú hích" cho chuyển đổi năng lượng

Các đối tác cam kết đầu tư ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách cho c...

Các đối tác cam kết đầu tư ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại COP28. Ảnh: VGP


Tại COP28, Việt Nam công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Sáng kiến này được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách, chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, nâng cấp hạ tầng lưới điện... nhằm đạt được các mục tiêu đầy tham vọng về giảm phát thải.

Khó khăn về nguồn vốn xanh

Theo Deloitte, để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tổng vốn đầu tư trên toàn cầu vào lĩnh vực năng lượng cần đạt mức 5-7 nghìn tỷ USD/năm. Tuy nhiên, hiện nay thế giới chỉ đầu tư chưa đến 2 nghìn tỷ USD/năm cho quá trình chuyển đổi năng lượng.

Khi lạm phát cao, tăng trưởng kinh tế chững lại trên toàn cầu, cũng như diễn biến khó lường từ các cuộc xung đột trên thế giới, nguồn ngân sách dành cho phát triển xanh ít nhiều bị ảnh hưởng. Điển hình, các khoản đầu tư xanh hiện được thực hiện ở các nền kinh tế đang phát triển chiếm chưa đến 50%, nguyên nhân bởi đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi ngân sách công phải chia sẻ cho nhiều mục tiêu thiết yếu khác.

Deloitte cho rằng, nếu không thu hẹp được khoảng cách tài chính, có thể khiến nền kinh tế thế giới chịu một cái giá đắt và giảm hiệu suất của quá trình chuyển đổi tiến tới phát thải ròng bằng 0.

Cũng bởi vậy, các chuyên gia quốc tế chỉ ra để đạt mức phát thải ròng bằng 0, thế giới phải đầu tư một cách sáng suốt và xác định các lĩnh vực cắt giảm chi phí. Ví dụ, 70% các khoản đầu tư xanh toàn cầu nên được rót vào các nền kinh tế đang phát triển từ nay đến năm 2030.

Ông Hans-Juergen Walter, Lãnh đạo phụ trách Phát triển bền vững & Quản trị Biến đổi Khí hậu cho ngành Ngành Dịch vụ Tài chính, Deloitte Toàn cầu cho biết: “Để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các nền kinh tế đang phát triển, chính phủ các nước, các tổ chức tài chính và các tổ chức quốc tế cần có những hỗ trợ tài chính ưu đãi - như một khoản vay với các điều kiện ưu đãi tốt hơn so với những khoản vay thông thường trên thị trường”.

Việt Nam vẫn là điểm sáng

Tại COP28, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục khẳng định Việt Nam sẽ khẩn trương xây dựng thể chế, gồm xây dựng Luật Dầu khí, hoàn thiện Luật Đất đai, Luật Điện lực theo hướng hỗ trợ kiến tạo phát triển năng lượng tái tạo; xây dựng, hoàn thiện Nghị định mua bán điện trực tiếp; hay xử lý các vấn đề tồn đọng, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Những hành động thực tiễn và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đã thu hút sự chú ý của các đối tác quốc tế. Theo đó, các doanh nghiệp hàng đầu thế giới đã bày tỏ lạc quan về lĩnh vực năng lượng tái tạo của nước ta, đặc biệt là điện gió nhờ lợi thế đường bờ biển dài, kéo theo nhu cầu đầu tư đầy hứa hẹn trong tương lai.

Ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành của Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu (GWEC) cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh cam kết của Việt Nam trong việc ưu tiên năng lượng điện gió cho tăng trưởng kinh tế bền vững và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn”.

Quy hoạch điện VIII của Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất 150 GW và 573 GW tổng công suất từ tất cả các nguồn năng lượng vào các năm 2030 và 2050. Theo đó, lượng vốn đầu tư ước tính lần lượt lên tới 119,8 tỷ USD (2030) và 511 tỷ USD vào năm 2050. Đặc biệt, báo cáo mới nhất của HSBC cũng chỉ ra Việt Nam có tiềm năng điện gió lên tới hơn 800.000 MW.

Ông Thomas Lingard, Giám đốc toàn cầu về phát triển bền vững của Tập đoàn Unilever, cho rằng cam kết thúc đẩy năng lượng tái tạo trong sản xuất của Việt Nam sẽ là một yếu tố giúp thu hút đầu tư quốc tế nhiều hơn. “Chúng tôi ủng hộ Chính phủ Việt Nam đã triển khai xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA). Đây là cơ chế quan trọng giúp thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh, cũng như giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, ông Thomas Lingard cho biết.

Để đạt được mục tiêu trên, ông Jannicke Nilsson, Phó Chủ tịch Điều hành, An toàn, An ninh & Bền vững của Equinor, đề xuất Việt Nam nên ưu tiên thiết lập một khuôn khổ rõ ràng hơn, bao gồm việc hoàn thiện Quy hoạch Không gian biển quốc gia, sửa đổi Nghị định 11/2021/NĐ-CP để phân bổ các khu vực biển cụ thể cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên biển. Ngoài ra, Việt Nam có thể xem xét thành lập một Tổ công tác liên ngành nhằm đơn giản hóa các thủ tục cho việc phát triển điện gió ngoài khơi, thúc đẩy sự phối hợp giữa các cơ quan của chính phủ, cũng như có các dự án điện gió ngoài khơi thí điểm.

Với những cam kết mạnh mẽ và triển vọng năng lượng tái tạo mà Việt Nam đưa ra tại COP28, các nhà đầu tư quốc tế, tổ chức đa phương và các thể chế tài chính đều tin tưởng rằng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo hàng đầu khu vực, vừa đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng của nền sản xuất, vừa hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh tổng thể của đất nước.

 

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp