Thách thức lớn nhất của phát triển Năng lượng tái tạo?

(PetroTimes) - Gần đây trong xu thế chuyển dịch năng lượng đang diễn ra trên toàn thế giới, Việt Nam là một tr...

(PetroTimes) - Gần đây trong xu thế chuyển dịch năng lượng đang diễn ra trên toàn thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia đưa ra cam kết giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu năm 2050 sẽ trở thành đất nước có phát thải ròng bằng 0. Để hoàn thành mục tiêu trên thì bắt buộc phải phát triển nhanh, mạnh hệ thống năng lượng tái tạo.

Trước tiên, cần phải khẳng định rằng để thực hiện chuyển dịch năng lượng, cần một quá trình với thời gian dài, một khối lượng công việc khổng lồ cùng sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, doanh nghiệp cũng như người dân.

Pháp đã ban hành Luật thúc đẩy năng lượng tái tạo.


Trong Nghị quyết số 140/NQ-CP của Chính phủ: Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra yêu cầu: “nghiên cứu, xây dựng luật về năng lượng tái tạo”. Do đó, theo ông Phạm Minh Hùng – Phó Cục trưởng Cục Năng lượng tái tạo Bộ Công Thương thì "khi luật về NLTT được nghiên cứu và ban hành sẽ là khung pháp lý cao nhất để phát triển NLTT".

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho rằng, việc nghiên cứu xây dựng luật về NLTT sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và yêu cầu về thời hạn của Chính phủ trong năm 2021-2025. Nhiều chuyên gia cũng đồng tình và chỉ ra những vấn đề cần được quan tâm, nghiên cứu để NLTT không bị “lỡ nhịp”, phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, đóng góp tích cực vào đảm bảo an ninh năng lượng và giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Trong đó, thách thức đầu tiên là nguồn vốn đầu tư. Theo ước tính của Bộ Công Thương, giai đoạn 2021-2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện phát triển điện lực khoảng 104,7-142,2 tỷ USD và giai đoạn từ 2031-2050 là 324,6-483 tỷ USD. Vì thế, cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động đầu tư vào phát triển nguồn điện nói chung và NLTT nói riêng.

Tiếp đến, để phát triển NLTT cần phải tính toán sự cân bằng và hợp lý trong cơ cấu nguồn điện. Sự cân bằng này sẽ quyết định giá điện nên sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế nước ta, đặc biệt là ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống nhân dân. Ở đây, cần phải nhìn nhận thẳng thắn một số vấn đề trong quá khứ về cái được và cái mất khi quyết định đưa ra những chính sách phát triển NLTT.

Chính sách về giá điện là một nội dung quan trọng để phát triển NLTT


Trong những năm vừa qua, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời). Ấy thế nhưng sự phát triển quá nhanh của NLTT cũng như biến động lớn từ nguyên liệu đầu vào của các nguồn năng lượng hóa thạch như than, dầu mỏ đã phá vỡ sự cân bằng trong giá điện khiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam mất khả năng “xoay sở”, lâm vào thua lỗ.

Mục tiêu lớn nhất và xuyên suốt trong chính sách giá điện của Đảng và Nhà nước ta là để toàn bộ nhân dân phải được sử dụng điện, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống. Chính vì vậy, việc giao cho Tập đoàn điện lực Việt Nam thực hiện các dự án truyền tải điện đến tận miền núi, hải đảo, bù giá cho các hộ dân thuộc dạng chính sách, hộ dân nghèo khó khăn dù đã tính trước được việc thu hồi vốn, bù lỗ là rất lớn. Chính vì vậy, để đưa ra lộ trình phát triển NLTT (có suất đầu tư cao, vốn lớn) cần phải tính toán đưa ra lộ trình tăng, giảm giá điện trong những năm tới.

Đó là chưa kể việc chúng ta đã có phần “tiền hậu bất nhất” khi kêu gọi phát triển điện mặt trời đến từng hộ dân có thể bán lên lưới, tuy nhiên hiện nay chỉ khuyến khích "tự sản, tự tiêu". Và trước đó là phát triển nhiên liệu sinh học với những nhà máy sản xuất ethanol mọc lên trong thời gian ngắn trên cả nước nhưng không kịp đưa vào sử dụng đã “phá sản” bởi lộ trình phát triển NLSH bị trượt liên tục trong nhiều năm do thiếu thị trường. Phải nói thẳng rằng, không ít doanh nghiệp vẫn còn bị ám ảnh và vẫn phải loay hoay xử lý hậu quả của những lần “việt vị” bởi cơ chế chính sách.

Để phát triển NLTT cần xây dựng Luật, làm các Quy hoạch đất đai, mặt biển, thu hút nguồn vốn, khuyến khích doanh nghiệp mua công nghệ chế tạo turbine, chân đế, cánh quạt… xét cho cùng đều là các vấn đề có tính “kỹ thuật” và chúng ta có quyền tự tin sẽ làm được. Nhưng có lẽ các chuyên gia đã quên đi mục tiêu ban đầu của chuyển dịch năng lượng, phát triển NLTT là gì.

Thành phố xanh, sạch là nhu cầu chính đáng của người dân.


Thế giới này đang quá tải vì các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của loài người với hàng triệu tấn CO2, hàng tỉ tấn rác thải không kịp “tiêu hóa”. Việt Nam cũng không ngoại lệ mà còn có thể ngày càng trầm trọng hơn với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh của một nước đang phát triển. Không ít thành phố lớn tràn ngập rác thải, các con sông trong xanh trở thành cống rãnh, hôi thối, phố xá thì đầy bụi bặm, khói xe. Bởi vậy chuyển dịch năng lượng, phát triển NLTT chính là để giảm phát thải khí nhà kính, trả lại "không gian sống cho mỗi người" là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam. Nói nôm na là cần phải có bộ quy chuẩn hành động phù hợp trong sử dụng năng lượng, sinh hoạt… để trả lại cho chính chúng ta, con cháu chúng ta một bầu trời xanh, trong lành.

Do đó, trong khi chưa có luật về NLTT thì việc ban hành các cơ chế chính sách phát triển điện gió, điện mặt trời là rất cần thiết. Việc này càng quan trọng đối với điện gió ngoài khơi với tiềm năng và lợi thế lớn nhưng là lĩnh vực mới và có nhiều đặc thù so với điện gió trên bờ. Đặc biệt là cần lập tức triển khai các chương trình tuyên truyền, làm rõ lộ trình tăng - giảm giá điện để tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân, các doanh nghiệp. Bởi chung quy thách thức lớn nhất của bất cứ vấn đề gì hay với phát triển NLTT nói riêng vẫn là ở lòng người, trong đó nhu cầu sử dụng NLTT với giá thành phù hợp của người dân là hoàn toàn chính đáng.

 

Theo PetroTimes