Tuyên bố của Chiến lược Phát triển du lịch ASEAN 2016 – 2025 khẳng định, năm 2025, ASEAN sẽ là một điểm đến du...

Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới(UNWTO), tổng lượng khách quốc tế đến ASEAN năm 2017 là 120 triệu lượt, trong đó thị trường Việt Nam chiếm khoảng 8,6%, ATF 2019 là cơ hội để Việt Nam tăng lượt khách du lịch truyền thống và đồng thời kích cầu du lịch của khách hàng tiềm năng cho điểm đến lên hai con số và kéo dài kỳ nghỉ cho những năm tiếp theo. Ngoài ra, nhân dịp này, nhà đầu tư du lịch có dịp để triển khai các khảo sát tiền khả thi của các dự án phát triển du lịch tại Việt Nam, đặt nền tảng cho các nghiên cứu sâu về yếu tố thị trường của điểm đến, các chỉ số về phát triển xã hội trong tăng trưởng kinh tế gắn kết với môi trường đầu tư bền vững. Bên cạnh đó, diễn đàn còn là cơ hội để các start up du lịch nắm bắt thông tin thị trường, tạo lập thêm mối quan hệ, kịp thời cập nhật thị hiếu du khách và xu hướng du lịch để điều chỉnh kế hoạch phát triển sản phẩm phù hợp.
Theo dự kiến của UNWTO, khách du lịch quốc tế đến khu vực ASEAN sẽ tăng lên 123 triệu vào năm 2020, 152 triệu vào năm 2025 và 187 triệu vào năm 2030. Thị phần khách du lịch toàn cầu trong năm 2018 nghiêng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương gần 50% lượt khách toàn cầu do tính bình ổn chính trị của các nước trong khu vực. Báo cáo 2018 của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), cho thấy đóng góp của Du lịch và Lữ hành vào GDP các nước ASEAN là 329.5 tỷ USD năm 2017 (12,0% GDP), năm 2018 ước đạt 348.7 tỷ USD (12,1% GDP), tăng 5,8%. Dự báo sẽ tăng 5,5%/năm lên 598,3 tỷ USD vào năm 2028 chiếm (13,0% GDP). Du lịch Việt Nam cũng nằm trong vùng xoáy của tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ đó. Sức hút và sự hấp dẫn của điểm đến Việt Nam là tâm linh – tín ngưỡng – sinh thái, tạo nét rất riêng về văn hóa bản địa ở mỗi vùng miền thể hiện trong giá trị đạo đức và cách sống của mỗi người dân địa phương, tạo được ấn tượng với du khách khi trải nghiệm tìm kiếm sự độc đáo, khác lạ so với các giá trị điểm đến khác trong ASEAN. Du lịch Việt Nam đang dần có sự chủ động hơn trong việc thực hiện 10 nhiệm vụ của khung chính sách phát triển du lịch các nước ASEAN như chiến lược marketing – truyền thông điểm đến, hạ tầng du lịch thuận tiện, phát triển sản phẩm du lịch chất lượng, thúc đẩy an toàn an ninh điểm đến, bồi dưỡng nguồn nhân lực, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, thúc đẩy đầu tư du lịch và thực hiện du lịch có trách nhiệm... Điều này đặt ra những vấn đề liên quan đến sự bền vững lâu dài của sự tăng trưởng, đặc biệt là việc quản lý tương đối tài nguyên du lịch, di sản, tăng phân phối thu nhập trực tiếp và gián tiếp và lợi ích việc làm cho dân số ít lợi thế hơn trong khu vực. Trên cơ sở đó làm nền tảng cho việc phát triển du lịch Việt Nam theo định hướng 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc giai đoạn 2016 – 2030.
Trong kỷ nguyên công nghệ, thị trường là bao la, khách hàng là toàn cầu thì chỉ cần “một cái nhấp chuột” là chúng ta đã có lượng khách hàng tiềm năng và phát triển khách hàng truyền thông bằng các công cụ truyền thông marketing điểm đến hiện đại. Hiện tại chúng ta đều biết rằng, cơ hội đã có sẳn; chính sách phát triển của quốc gia, của khu vực và liên khu vực như phát triển du lịch khối các nước Tiểu vùng sông Mekong hay Đông Nam Á, châu Á Thái Bình Dương, châu Á và thậm chí là toàn cầu đều đã có các chính sách thúc đẩy ngành du lịch tăng trưởng bền vững; công cụ quảng bá truyền thông điểm đến đang được chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng ngày càng được áp dụng hiệu quả. Tuy nhiên, các nhà hoạch định kinh doanh du lịch cũng như quản trị điểm đến cần quan tâm đến sức chứa của mỗi điểm đến để phục vụ tốt nhất có thể với du khách.
Xây dựng sức mạnh nội tại là nền tảng vững chắc cho việc phát triển thị trường. Sức chứa du lịch được hiểu là sức tải của môi trưởng cho một du khách được cân đối giữa dấu chân sinh thái (eco-footprint) và dấu chân vật chất (material-footprint) trong suốt hành trình du lịch từ các phương tiện vận chuyển đến nơi lưu trú. Sức chứa du lịch còn được quan tâm đến khả năng phục vụ của nhân viên ngành du lịch theo chính sách đảm bảo nhân sự bền vững theo tiêu chuẩn ISO 26000. Khi xây dựng được tổng hòa chính sách phát triển nội lực vững chắc từ nguồn nhân lực đến sản phẩm thì việc tăng trưởng thị trường cùng với lượt khách đến với Việt Nam là hoàn toàn khả thi theo các chỉ số tăng trưởng mà Chính phủ đã vạch ra.
Th.S Trần Bảo Trân
Giám đốc khu vực châu Á, diễn đàn Du lịch Thế giới
Theo Báo Du lịch