
Trong bối cảnh hiện nay, với tiềm lực về cơ sở vật chất kỹ thuật và một đội ngũ doanh nghiệp du lịch trong nước đang ngày càng phát triển, việc hoàn thiện bộ máy tham mưu, quản lý nhà nước về du lịch từ trung ương đến địa phương là cần thiết hơn bao giờ hết. Điều này giúp thúc đẩy xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển du lịch, cũng như tổ chức quản lý hoạt động du lịch trong nước được đồng bộ, hiệu quả, bền vững; phù hợp thực tế, phát huy được tiềm năng thế mạnh của đất nước, thật sự đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực. Trong điều kiện các ngành kinh tế khác còn khó khăn và hạn chế trong cạnh tranh với các nước, du lịch hoàn toàn có thể đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế, tạo được thế mạnh trong cạnh tranh quốc gia. Việt Nam hiện là thành viên trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN và tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nếu biết tranh thủ lợi thế thì du lịch sẽ góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, thúc đẩy quá trình hội nhập và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh việc tập trung hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước, ngành du lịch nước ta cần ưu tiên đầu tư công tác xúc tiến, quảng bá, khẳng định thương hiệu và hình ảnh điểm đến Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường du lịch thế giới. Công tác xúc tiến thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, nhưng so với các nước chung quanh thì còn nhiều hạn chế. Nguồn lực cho lĩnh vực này đã ít lại bị phân tán, cho nên quy mô hoạt động xúc tiến,quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài còn quá nhỏ bé, chưa tạo được sức ảnh hưởng lớn đối với truyền thông và tác động đến thị trường khách mục tiêu. Do đó, cần tập trung ưu tiên nguồn lực đổi mới hoạt động xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp, xứng tầm, đúng định hướng thị trường và hiệu quả, trong đó cần đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam tại các thị trường tiềm năng. Đối với lĩnh vực du lịch, trình độ, kỹ năng, thái độ phục vụ của đội ngũ quản lý, nhân viên là một trong các yếu tố quyết định đối với sự phát triển của ngành, vì vậy cần thường xuyên đào tạo, nâng cao nghiệp vụ để trở thành một đội ngũ nhân lực thật sự chuyên nghiệp và có chuyên môn sâu.
Việc đầu tư phát triển du lịch cần tránh dàn trải mà phải có sự tập trung, trọng điểm, tạo được cú huých, sức lan tỏa cho phát triển du lịch các địa phương trong vùng. Việc quyết định các dự án đầu tư du lịch cần tôn trọng, tuân thủ các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển du lịch của cả nước, của vùng và của địa phương; cần đặc biệt lưu tâm đến các nguyên tắc phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên - môi trường, cảnh quan trong quá trình chấp thuận các dự án đầu tư. Cân nhắc, thận trọng đối với các dự án chỉ coi trọng lợi ích kinh tế trước mắt mà không tính hết những tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội. Không phát triển du lịch bằng mọi giá, mà cần tăng cường vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý du lịch trong việc thẩm định các dự án đầu tư liên quan đến du lịch, kể cả đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch. Công tác quản lý thực hiện quy hoạch du lịch cần đặc biệt quan tâm ở các địa phương. Doanh nghiệp phải tuân thủ triệt để quy hoạch khi thực hiện đầu tư; có chế tài xử phạt nghiêm các tổ chức cá nhân không tuân thủ các quy hoạch, kể cả tổ chức, cá nhân liên quan, tiếp tay cho việc đầu tư trái phép, không phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Khi xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án du lịch ở vùng miền núi, trung du, vùng ven biển, hải đảo, vùng khó khăn chưa phát triển, cần đặt lợi ích của người dân địa phương là trung tâm, có chính sách tạo điều kiện cho người dân được tham gia và hưởng lợi xứng đáng từ hoạt động du lịch.
TS Nguyễn Anh Tuấn - Nhân Dân