Tăng tốc kích cầu du lịch cuối năm

Trong 3 tháng 7, 8 và 9 năm 2015, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã phục hồi

Trong 3 tháng 7, 8 và 9 năm 2015, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã phục hồi, kết thúc chuỗi 13 tháng suy giảm liên tục từ cuối năm 2014. Trước tín hiệu vui này, ngành du lịch đang kỳ vọng 3 tháng cuối năm sẽ đạt được mức của năm 2014.

Ngành du lịch sẽ tăng tốc quảng bá du lịch Việt ra nước ngoài

Theo thống kê, 9 tháng năm 2015 ngành du lịch đã đón 5.689.512 lượt khách quốc tế (giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái), phục vụ 48,8 triệu lượt khách nội địa (tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2014), tổng thu từ khách du lịch đạt 270 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt trong 9 tháng vừa qua, một số địa bàn du lịch trọng điểm đạt kết quả cao trong thu hút và phục vụ khách du lịch như TP.Hồ Chí Minh đón trên 3,2 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt gần 70 ngàn tỷ đồng; Đà Nẵng đón trên 3,7 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt trên 10 ngàn tỷ đồng; Lâm Đồng đón trên 6,3 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt trên 6,3 ngàn tỷ đồng; Quảng Ninh đón trên 6,5 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt trên 4,7 ngàn tỷ đồng. Nhiều dự án có quy mô lớn của các nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực du lịch được triển khai, góp phần hình thành hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại và cao cấp tại nhiều địa phương.

Ngoài ra, trong đà phục hồi của lượng khách quốc tế 3 tháng vừa qua có sự chuyển biến lớn về chất lượng khách. Trong đó, thị trường khách có chi tiêu cao và lưu trú dài ngày tăng tốt; thị trường khách Nga và khách Trung Quốc bắt đầu phục hồi với chủ yếu là khách đi bằng đường hàng không; Khách từ 6 quốc gia vừa được miễn visa gồm: Anh, Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha và Belarus đã có sự tăng trưởng khả quan…

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá, đây là dấu hiệu tích cực cho thấy mặc dù lượng khách quốc tế tuy có suy giảm nhưng không đáng ngại. Đồng thời, khách nội địa có sự tăng trưởng mạnh trong các dịp nghỉ lễ dài ngày, góp phần bù đắp sự sụt giảm từ khách quốc tế. “Đây cũng là giai đoạn ngành du lịch phải đối diện với rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ có các biện pháp tháo gỡ của Chính phủ cùng sự chung tay góp sức của các Bộ, ngành liên quan... Du lịch Việt Nam đã vượt khó, đạt được những kết quả đáng khích lệ”- ông Tuấn nói.

Để giúp Du lịch Việt Nam đạt được mức của năm 2014, hiện ngành du lịch đang nước rút tăng tốc triển khai các hoạt động trong 3 tháng cuối năm. Ngoài việc triển khai và hoàn thành kế hoạch nhiệm vụ của chương trình hành động quốc gia về du lịch và chương trình xúc tiến du lịch quốc gia 2015, ngành du lịch sẽ thực hiện chiến dịch xúc tiến quảng bá rầm rộ ra nước ngoài tại các thị trường tiềm năng. Cụ thể, sẽ tham gia các Hội chợ du lịch quốc tế: WTM (Anh), ITB Asia (Singapore), Thành Đô (Trung Quốc); các chương trình phát động thị trường để thu hút khách quốc tế từ 6 quốc gia mới được miễn visa tổ chức tại Singapore, Hồng Kông, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Belarus; đón các đoàn khảo sát thực tế của doanh nghiệp và báo chí từ Pháp, Đức, Anh, Belarus, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc đến Việt Nam; đẩy mạnh ứng dụng e-marketing để quảng bá, xúc tiến du lịch.

Ông Tuấn cũng cho biết, đáng chú ý trong chiến dịch xúc tiến quảng bá ra nước ngoài, ngành du lịch sẽ quảng bá về du lịch Việt Nam trên kênh Travel Channel của Anh. Theo đó, Việt Nam chỉ phải trả 30 ngàn USD nhưng clip quảng bá sẽ được phát 300 lượt trong 3 tháng, mỗi ngày 5 lượt, trong đó có 20% được phát trong giờ vàng trên kênh chuyên về du lịch của Anh, có số lượng người xem lớn. Ngoài ra, với xu hướng này Tổng cục Du lịch cũng đã tính đến chuyện hợp tác với các hãng phim lớn trên thế giới để quảng bá cho du lịch Việt Nam, trong đó sắp tới sẽ là ngành công nghiệp sản xuất phim của Ấn Độ.

Báo công thương