Hôm nay (9-9), tại TPHCM, Việt Nam cùng Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar lại tiếp tục bàn chuyện hợp tác để...
Đây không phải là lần đầu tiên những người đứng đầu ngành du lịch của năm nước bàn về kế hoạch phát triển du lịch. Các bên đã cùng ngồi lại từ nhiều năm nay, qua các kỳ Hội chợ Du lịch Quốc tế tại TPHCM, để cùng thực hiện mục tiêu chung là quảng bá "Năm quốc gia, một điểm đến".

Ông Hoàng Tuấn Anh (phải), Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam, bắt tay ông Thong Khon, Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia, sau khi ký kết hợp tác - Ảnh: Đào Loan
Lần này, theo các quan chức du lịch, những nội dung hợp tác đa phương vẫn được duy trì, và đi đến chi tiết hơn là ký kết kế hoạch hợp tác song phương giữa Việt Nam với Lào và Myanmar, ký bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia, và hội đàm giữa những quan chức du lịch cao cấp nhất của ngành du lịch hai nước Việt Nam và Thái Lan để sự hợp tác phát huy hiệu quả hơn nữa.
Chẳng hạn, trong chiều nay, Việt Nam và Campuchia đã thỏa thuận kéo dài thời gian đào tạo nhân lực du lịch cho phía Campuchia; phía Campuchia hỗ trợ những doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư nhà hàng, khách sạn, du lịch đường sông ở nước này; hai bên thành lập nhóm công tác đặc biệt, mỗi bên sáu thành viên, gặp nhau từ 1-2 lần/năm để thực hiện các hoạt động hợp tác phát triển du lịch...
"Chúng tôi đề nghị Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho những hãng hàng không giá rẻ để phát triển lượng khách giữa hai nước. Riêng về đường biển, cả hai bên đều muốn phát triển và tính đến kết nối tuyến giữa Phú Quốc, Sihanoukville và Bangkok," ông Thong Khon, Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia, nói.
Ông cho biết, Campuchia đang xây dựng cảng du lịch tại Kampot. Cảng này sẽ có có thể đón 1 triệu lượt khách du lịch mỗi năm và chỉ cách Phú Quốc khoảng 45 phút. Dự kiến, khi đi vào hoạt động, cảng sẽ giúp tăng lượng khách đi lại giữa hai bên lên gấp bốn lần so với hiện nay.
Với Myanmar, du lịch Việt Nam chú trọng đến kết nối du lịch di sản để hình thành tour du lịch liên quốc gia. Ngoài ra, trên cơ sở thực hiện chính sách thị thực chung của ACMECS (Tổ chức Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady - Chao Phraya - Mê Kông), lãnh đạo ngành du lịch năm nước cũng thống nhất là các thành viên sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị những chích sách tạo điều kiện đi lại thuận tiện hơn cho khách du lịch để kết nối tour nhằm thu hút khách nội vùng và khách từ nước thứ ba. Các nước cũng sẽ tiếp tục hợp tác để quảng bá thương hiệu Năm quốc gia - Một điểm đến.
Năm 2014, lượng khách quốc tế đến Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đạt 19,6 triệu lượt, tăng 11,4% so với năm trước; trao đổi khách nội vùng chiếm trên 16% lượng khách đến. Tổng lượng khách đến vùng ACMECS đạt 44 triệu lượt, trong đó gần 19% là khách nội vùng.
Việt Nam là một trong những thị trường gửi khách quan trọng nhất của Campuchia và Lào; Campuchia nằm trong danh sách 10 thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam; Myanmar đang nổi lên như là một điểm đến hấp dẫn, có mức tăng trưởng cao trong khu vực còn Thái Lan là nước dẫn đầu về số lượng du khách cũng như kinh nghiệm phát triển du lịch.
TBKTSG