Chính phủ đã cho phép UBND tỉnh Lâm Đồng áp dụng một số chính sách đặc thù để trở thành đô thị du lịch
Để đạt được mục tiêu bảo tồn và phát triển TP Đà Lạt thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên; xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị du lịch - văn hóa - khoa học, xanh và hiện đại có đẳng cấp quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép UBND tỉnh Lâm Đồng áp dụng một số chính sách đặc thù, trong đó tỉnh Lâm Đồng được vận động và thu hút vốn ODA, vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội về giao thông, xử lý rác thải.

Theo ông Lê Quang Trung - Phó giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng thì Quy hoạch chung TP Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với việc thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài tham gia cùng đơn vị tư vấn trong nước lập điều chỉnh, Đề án điều chỉnh quy hoạch chung Đà Lạt mà tỉnh Lâm Đồng và Bộ Xây dựng đưa ra, ngoài toàn bộ ranh giới hành chính hiện tại thì TP tương lai sẽ mở rộng ra huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà. Là một đồ án được đánh giá cao nhất từ trước tới nay. Trong đó nhấn mạnh tính đặc thù và bản sắc của Đà Lạt được giữ nguyên với diện tích tự nhiên của Đà Lạt theo đề án điều chỉnh quy hoạch hơn 3.308km2, độ cao tự nhiên 850m so với mặt nước biển. Hiện nay độ cao trung bình của Đà Lạt là 1.500m.
Chính phủ chấp thuận quy hoạch chung Đà Lạt dựa trên mục tiêu xây dựng thành đô thị hiện đại, thân thiện với môi trường; đáp ứng vai trò chức năng của một đô thị có tính chất đặc thù về sinh thái, cảnh quan thiên nhiên của quốc gia và có ý nghĩa quốc tế nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện để Đà Lạt phát triển hơn với cơ chế đặc thù. Ngoài vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Lâm Đồng, Đà Lạt phải là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng tầm quốc gia và quốc tế. TP này sẽ còn có thêm vai trò là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cấp quốc gia. Đây cũng là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng quốc gia và quốc tế; đồng thời là trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao công nghệ cấp quốc gia; trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp và bảo vệ sự đa dạng sinh học.
Về định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị sẽ hạn chế mở rộng khu vực nội thành hiện hữu, phát triển các khu vực đô thị, khu đô thị mới gắn với các khu vực động lực phát triển kinh tế như khu làng đại học, khu du lịch, khu công nghiệp công nghệ cao, khu thể dục thể thao, sân bay tại các khu vực ngoại thành và các huyện: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà. Đồng thời, hạn chế phát triển các khu dân cư đô thị dọc theo các tuyến giao thông hướng vào trung tâm TP.
Vấn đề quy hoạch và phát triển hạ tầng kỹ thuật TP Đà Lạt và vùng phụ cận là vấn đề trọng tâm, đặc biệt là lĩnh vực thu hút đầu tư và khai thác nguồn lực đầu tư cho các hệ thống hạ tầng kỹ thuật quan trọng, từng bước xây dựng TP Đà Lạt thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên; xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị du lịch - văn hóa - khoa học, xanh và hiện đại có đẳng cấp quốc tế.
Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng Lê Quang Trung cho biết, trong thời gian tới UBND tỉnh Lâm Đồng cần xác định danh mục các chương trình, đề án, dự án ưu tiên đầu tư, cần tập trung nguồn lực thực hiện ngay những năm đầu của giai đoạn 2016 - 2020 theo lộ trình phù hợp; đảm bảo nhiệm vụ kết nối liên vùng, liên khu vực, kết nối hạ tầng du lịch, hạ tầng nông nghiệp nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong toàn vùng quy hoạch. Cụ thể, cần đầu tư xây dựng mới hệ thống đường vành đai, cải tạo, nâng cấp hệ thống đường xuyên tâm đi qua lõi đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng trong vùng quy hoạch. Cùng với đó là đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải - nước thải, đảm bảo tiêu chí đô thị xanh, bền vững.
Song song với đó là việc xây dựng một đề án huy động nguồn lực đầu tư cho quy hoạch, trong đó xác định trọng tâm là tài chính và nhân lực. Về nguồn lực tài chính, ngoài nguồn lực tài chính Nhà nước có yếu tố quan trọng trong những năm đầu thì nguồn lực xã hội mang tính quyết định cho những năm sau của giai đoạn thực thi quy hoạch. Để thu hút được nguồn lực tài chính, tỉnh Lâm Đồng nên thực hiện phương châm “Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, còn việc kêu gọi đầu tư nên lựa chọn các tập đoàn tài chính, các nhà đầu tư chiến lược làm nhiệm vụ này. Cần ưu tiên tập trung nguồn lực lập một số quy hoạch phân khu chức năng và kêu gọi đầu tư vào các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng để tạo điều kiện phát triển, kết nối hệ thống giao thông công cộng trong toàn vùng theo điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Đặc biệt là tăng cường năng lực quản lý quy hoạch cho các cấp chính quyền trong vùng quy hoạch, cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, trong đó, ưu tiên cho các khu vực thu hút đầu tư. Khi xác định nhiệm vụ đầu tư xây dựng cơ bản, phải luôn tính đến sự thống nhất kết nối của toàn vùng quy hoạch, đảm bảo tính khả thi của dự án. Tiếp tục phân cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương trên 4 lĩnh vực: Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đô thị và du lịch; Kêu gọi và thu hút đầu tư; Xây dựng nguồn lực tài chính; Tập trung công tác truyền thông cho lĩnh vực quy hoạch và phát triển hạ tầng kỹ thuật.
Khi đầu tư vào Lâm Đồng trong thời gian tới, các nhà đầu tư được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn như miễn tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư xây dựng khu du lịch quốc gia và khu du lịch trọng điểm của TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Được miễn thuế nhập khẩu vật tư, trang thiết bị để đầu tư xây dựng nhà kính, nhà lưới sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao mà trong nước chưa sản xuất được trong thời gian 5 năm đầu thực hiện Quyết định số 1528/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Lạt và vùng phụ cận, tỉnh Lâm Đồng.
Theo cơ chế mới được Thủ tướng Chính phủ cho phép, tỉnh Lâm Đồng được thuê tư vấn, chuyên gia có năng lực trong và ngoài nước lập một số quy hoạch phân khu chức năng đặc thù và kêu gọi đầu tư vào các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng cùng với kết nối giao thông công cộng của TP Đà Lạt theo Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, tỉnh Lâm Đồng được vận động và thu hút vốn ODA, vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội về giao thông, xử lý rác thải, các công trình dịch vụ tiện ích, công trình công cộng cần thiết của TP Đà Lạt; được huy động vốn đầu tư trực tiếp của các tổ chức, cá nhân trong nước, vốn ứng trước của các đối tượng có nhu cầu sử dụng hạ tầng, vốn của các DN có chức năng xây dựng và kinh doanh công trình hạ tầng kỹ thuật của TP Đà Lạt, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công; khuyến khích đầu tư theo hình thức BOT, BTO, PPP, BT... đối với các công trình hạ tầng thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách Nhà nước; tỉnh Lâm Đồng cũng được vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ để thực hiện các dự án trọng điểm của TP Đà Lạt thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách địa phương. Việc cho vay lại, quản lý và sử dụng nguồn vay lại, hoàn trả vốn vay thực hiện theo quy định của pháp luật.
Để hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật TP Đà Lạt và vùng phụ cận, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan cùng UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất cơ chế đầu tư để sớm triển khai thực hiện một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng có tính chất thông thương, đối ngoại, liên kết vùng và liên kết với các vùng khác, như: Đầu tư nâng cấp QL27; Nâng cấp đường tỉnh 723 nối TP Đà Lạt với TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa thành quốc lộ; Đầu tư xây dựng công trình tuyến cao tốc Dầu Giấy - Liên Khương, hoàn thành các đoạn thiết yếu trước năm 2020 theo các hình thức: PPP, BT, BOT, BTO, ODA...
Các dự án hạ tầng kỹ thuật ưu tiên phát triển trong thời gian tới: Đầu tư xây dựng trục đường cao tốc kết nối Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt; cải tạo nâng cấp QL20, nâng cấp tỉnh lộ 723 thành quốc lộ, xây dựng tuyến đường tránh nối QL20 và tỉnh lộ 723 hiện hữu. Đầu tư cải tạo, nâng cấp QL20, QL27, tỉnh lộ 725 để kết nối Đà Lạt, Dran, Finôm - Thạnh Mỹ, Nam Ban. Đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến xe bus để kết nối các đô thị và các điểm du lịch trong vùng. Hoàn thiện tuyến Đông Trường Sơn kết nối vùng Tây Nguyên; kết nối tỉnh lộ 726 và 725 hình thành đường vành đai phía Tây. Mở rộng, nâng cấp cảng hàng không Liên Khương, kết nối đường bay quốc gia và quốc tế. Cải tạo các hồ, suối tại đô thị Đà Lạt, nâng cấp các nhà máy nước, khu xử lý nước thải, chất thải rắn tại các đô thị.
Báo xây dựng