Hiến kế để thành phố Đà Lạt bảo tồn giá trị đặc thù và phát triển theo hướng hiện đại

Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tham luận, làm rõ thêm về quá trình hình thành và phát triển của thành p...

Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tham luận, làm rõ thêm về quá trình hình thành và phát triển của thành phố Đà Lạt; lịch sử từ buổi sơ khai đến hình thành thành phố đô thị Đà Lạt


Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN)


TTXVN - Ngày 4/12, thành phố Đà Lạt phối hợp với Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo khoa học kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893- 2023) Lịch sử - Thực trạng - Định hướng cho sự phát triển.

Ban tổ chức nhận được 50 bài tham luận của nhà khoa học, nhà nghiên cứu, từ các trường đại học trong và ngoài tỉnh, lãnh đạo cơ quan, ban, ngành, tổ chức, cá nhân gửi đến với chủ đề chính là hiến kế để thành phố Đà Lạt bảo tồn được những giá trị đặc thù, phát triển thành đô thị văn minh hiện đại.

Tại Hội thảo, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tham luận, làm rõ thêm về quá trình hình thành và phát triển của thành phố Đà Lạt; lịch sử từ buổi sơ khai đến hình thành thành phố đô thị Đà Lạt; vai trò của bác sĩ Alexandre Yersin trong việc tìm ra và đóng góp xây dựng nên vùng đất này… Đặc biệt, có những bài phân tích rất chi tiết thực trạng phát triển của thành phố du lịch này, trong đó, có mâu thuẫn thực tại, thách thức sự phát triển trong tương lai của thành phố.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Trung Hưng (Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai) nêu 4 vấn đề mâu thẫn: Giữa bảo tồn và phát triển trong khai thác điều kiện tự nhiên đặc thù của thành phố Đà Lạt; giữa phát triển mạnh nông nghiệp hiện đại với bảo vệ hệ sinh thái đặc thù; giữa kì vọng của du khách về một vùng du lịch nhiều hấp dẫn với việc đáp ứng nhu cầu sống tất yếu của cư dân tại chỗ; về xây dựng lối sống hiện đại nhưng mang nét đặc trưng của người Đà Lạt xưa trong cơ chế thị trường hiện nay. Từ những mâu thuẫn trên, rất cần các định hướng để Đà Lạt phát triển bền vững theo hướng văn minh, hiện đại mà vẫn giữ được giá trị đặc thù.

Một trong những giải pháp Tiến sĩ Nguyễn Cảnh Chương (Trường Đại học Đà Lạt) đưa ra là xây dựng Đà Lạt trở thành công viên khoa học - sáng tạo. Nhóm tác giả của Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng với giải pháp Xây dựng Đà Lạt trở thành Trung tâm nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe hiện đại. Nhóm tác giả đến từ Trường Đại học Yersin với đề tài “Kinh tế đêm - Hiện trạng và một số kiến nghị phát triển cho thành phố Đà Lạt”…


Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Đặng Quang Tú trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo. (Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN)


Theo ông Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, hội thảo nhằm làm rõ thêm bằng chứng khoa học, ý nghĩa lịch sử của quá trình hình thành, phát triển; nêu bật giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc địa phương. Các đại biểu tham gia hội thảo làm rõ những thành tựu, hạn chế, bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển 130 năm qua, từ đó đề xuất các giải pháp xây dựng thành phố Đà Lạt như mở rộng không gian thành phố, bảo vệ rừng, đô thị sinh thái, di sản kiến trúc… đi đôi với sự phát triển một thành phố hiện đại, văn minh.

 

Theo Chính sách & Cuộc sống