Gần đây, nhiều nhà đầu tư đang “chạy đua” với thời gian để đón đầu, nhận chính sách ưu đãi của Chính phủ trong...
Tiềm năng lớn
Trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch (than đá, dầu mỏ…) đang dần cạn kiệt và đối mặt mới áp lực lớn về môi trường, việc khai thác nguồn năng lượng tái tạo được xác định là hướng đi mới.
Theo khảo sát, Bình Định có tiềm năng lớn để phát triển nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Với số giờ nắng bình quân gần 7 giờ/ngày, cường độ bức xạ mặt trời trên địa bàn tỉnh ước tính đạt 5,24 kWh/m2/ngày, cao hơn mức trung bình của cả nước từ 3 - 5 kWh/m2/ngày. Về điện gió, nhiều khu vực như tại khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội, các xã ven biển Phù Mỹ, Phù Cát có tốc độ gió đạt trên 6 m/giây; trong khi đó, với công nghệ hiện đại, chỉ cần tốc độ gió 5 m/giây trở lên, tua bin đã có thể phát điện. Các khu vực được nhiều nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu đề xuất dự án (DA) điện mặt trời ở tỉnh ta đều ít có người dân sinh sống, việc giải phóng mặt bằng không gặp nhiều trở ngại.

Động thổ xây dựng DA nhà máy điện mặt trời, điện gió Fujiwara tại KKT Nhơn Hội. Ảnh: NGUYỄN HÂN
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Theo Đề án quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Bình Định, giai đoạn đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 22 DA và giai đoạn 2021 - 2030 là 20 DA với tổng công suất trên 2.280 MW. Đối với Đề án quy hoạch phát triển điện gió, giai đoạn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 5 DA và giai đoạn 2021 - 2030 là 4 DA với tổng công suất là 237 MW. Điều này phù hợp với chiến lược phát triển nguồn năng lượng tái tạo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25.11.2015 và phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18.3.2016.
Tập trung thu hút đầu tư
Theo Sở Công Thương, “sức nóng” của việc chạy đua đầu tư vào các DA điện mặt trời vào tỉnh ta bắt đầu từ tháng 4.2017, sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg với nhiều cơ chế khuyến khích phát triển. Trong đó có điều khoản Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ điện từ các DA điện mặt trời với giá tương đương 9,35 cent/kWh (tương đương trên 2.000 đồng/kWh). Đây là mức giá được cho sẽ giúp các nhà đầu tư hoạt động có lãi và đi kèm với các ưu đãi khác như thuế, đất đai, tín dụng đầu tư...
Đáng chú ý, Quyết định 11 cũng nêu thời hạn hợp đồng mua bán điện đối với các DA điện mặt trời là 20 năm, kể từ ngày vận hành thương mại; có hiệu lực trong thời gian từ ngày 1.6.2017 đến 30.6.2019. Cụ thể, nếu DA đưa vào vận hành trước tháng 6.2019 sẽ được EVN mua điện với giá 9,35 cent/kWh theo hợp đồng kéo dài 20 năm. Ngược lại, nếu không kịp vận hành, giá mua điện có thể thấp hơn. Đây cũng là lý do thời gian qua sức hút đầu tư DA điện mặt trời lại “nóng” đến như vậy.
Bình Định hiện đang là địa điểm hấp dẫn để nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư các DA năng lượng tái tạo. Ông Trần Vũ Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết: Tính đến đầu tháng 10.2018, trên địa bàn tỉnh có 22 DA đăng ký đầu tư năng lượng điện tái tạo, tổng công suất 1.220,5 MWp, trong đó có 18 DA điện mặt trời, 3 DA điện gió và 1 DA kết hợp điện gió và điện mặt trời của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư cho 4 DA, 3 DA được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đã khởi công xây dựng.
Ông Osamu Kimura, Tổng giám đốc Công ty CP Fujiwara (Nhật Bản) - chủ đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời và điện gió tại KKT Nhơn Hội, cho biết: Chúng tôi nhận thấy tiềm năng phát triển điện năng lượng tái tạo tại Bình Định rất lớn. Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư năng lượng tái tạo nên công ty quyết định đầu tư nhà máy điện mặt trời, điện gió tại KKT Nhơn Hội với công suất thiết kế 100 MW, tổng vốn đầu tư hơn 63 triệu USD. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời công suất 50 MW, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tháng 4.2019; giai đoạn 2 xây dựng nhà máy điện gió công suất 50 MW, hoạt động vào năm 2020.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu, thu hút đầu tư năng lượng điện tái tạo là một trong những lĩnh vực được tỉnh ưu tiên, thời quan qua đã có hàng chục nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… đến tìm hiểu đầu tư vào lĩnh vực này. Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai nhanh các DA để sớm đưa vào vận hành. Hiện có 2 DA đang đẩy nhanh tiến độ thi công gồm DA nhà máy điện mặt trời Fujiwara và DA nhà máy phong điện Phương Mai 3 tại KKT Nhơn Hội. Hy vọng trong tương lai không xa, Bình Định sẽ trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người dân địa phương.
Theo Báo Bình Định