Điện Gia Lai góp vốn thành lập công ty điện gió

HĐQT Công ty Điện Gia Lai (HoSE: GEG) công bố Nghị quyết về việc góp 198 tỷ đồng, tương đương 99% vốn điều lệ ...

HĐQT Công ty Điện Gia Lai (HoSE: GEG) công bố Nghị quyết về việc góp 198 tỷ đồng, tương đương 99% vốn điều lệ CTCP Điện gió Ia Bang.

Giữa tháng 11/2019, Điện Gia Lai chính thức mở rộng danh mục sang lĩnh vực điện gió khi mua lại 90% vốn của CTCP Năng lượng VPL – chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió V.P.L Bến Tre. Công suất dự án là 70 MW chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là 30 MW, đang triển khai xây dựng ngoài khơi và dự kiến vận hành trước tháng 11/2021 nhằm hưởng giá điện gió ưu đãi ngoài khơi 9,8 cents/kWh.

Theo báo cáo thường niên, chiến lược của công ty là tối ưu phát triển điện gió. Công ty dự kiến thanh hoán một số nhà máy thủy điện với công suất vận hành nhỏ, hiệu suất chưa cao nhằm tối ưu hóa chi phí, tập trung nguồn lực để phát triển thêm các dự án điện mặt trời và điện gió trong năm 2020.

Công ty đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 9 nhà máy điện gió với công suất 500 MW-700 MW. Trong khi đó, theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, Việt Nam đặt mục tiêu đưa tổng công suất điện gió lên khoảng 2.000 MW năm 2025.

Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2019



Điện Gia Lai thực thi chiến lược đa dạng hóa các loại hình năng lượng tái tạo từ cuối năm 2018 đến nay để tận dụng được nguồn thu đến từ nhiều loại hình năng lượng khác nhau, giảm thiểu rủi ro liên quan thay đổi thời tiết. Tình hình khô hạn kéo dài từ cuối năm 2019 ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy thủy điện, nhưng mang đến cơ hội cho điện mặt trời. Sản lượng điện mặt trời chiếm đến 78%, tăng 26% so với cùng kỳ nhờ 5 nhà máy đều vượt kế hoạch.

Nguồn: GEG


Quý I, sản lượng điện từ điện mặt trời, thủy điện và áp mái ghi nhận 136 triệu kWh, tăng gần 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp cũng công bố doanh thu đạt 304 tỷ đồng, gấp 1,7 lần và lợi nhuận sau thuế là 76 tỷ đồng, tăng 37%. Hoạt động kinh doanh tăng trưởng nhờ 3 nhà máy Điện Mặt trời được đưa vào vận hành từ quý II/2019 là Đức Huệ 1 - Long An (49 MWp), Hàm Phú 2 - Bình Thuận (49 MWp) và Trúc Sơn - Đắk Nông (45 MW).

Theo Người đồng hành