Đường nào tới thị trường điện cạnh tranh?

Tại hội thảo “Kinh nghiệm cải cách thị trường điện cạnh tranh ở Cộng hòa Liên bang Đức và bài học đối với Việt...

Tại hội thảo "Kinh nghiệm cải cách thị trường điện cạnh tranh ở Cộng hòa Liên bang Đức và bài học đối với Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 8.12, bên cạnh những thuận lợi thì không ít thách thức đối với thị trường điện Việt Nam được các chuyên gia mổ xẻ.

Còn nhiều thách thức

Theo thạc sĩ Lê Đồng Hải, chuyên gia thị trường điện, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động chính thức, thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam đã thu được một số thành công nhất định.

Ông Hải cho hay hệ thống điện đã được vận hành an toàn và đáng tin cậy, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội. Không có sự cố có nguyên nhân từ việc vận hành thị trường điện, đảm bảo cung cấp cho hệ thống điện quốc gia.

Đồng thời, việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đã tăng minh bạch, công bằng trong việc huy động các nguồn điện thông qua bản chào giá của nhà máy. Nhà máy nào chào giá thấp sẽ được huy động trước, sau đó đến các nhà máy tiếp theo cho đến khi đáp ứng được nhu cầu của phụ tải.

Bên cạnh đó, các đơn vị phát điện đã nhận thức được tầm quan trọng, chủ động hơn trong công tác vận hành, rút ngắn thời gian sửa chữa, bảo dưỡng, cắt giảm chi phí vận hành, chủ động chào giá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của đơn vị. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả chung của toàn hệ thống.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu ban đầu thì ngành điện còn tồn tại không ít khó khăn. Đó là tỷ lệ các nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện tăng nhanh nhưng thị phần các nhà máy điện gián tiếp tham gia thị trường điện vẫn còn cao.

Khoảng 50% công suất lắp đặt không tham gia thị trường và không tham gia xác định giá thị trường. Do vậy, giá thị trường chưa phản ảnh chính xác chi phí biên của toàn hệ thống điện.

Hạ tầng công nghệ thông tin hiện nay mới ở mức đáp ứng yêu cầu cơ bản. Hệ thống điều khiển, giám sát và thu thập dữ liệu, quản lý năng lượng (SCADA/EMS), hệ thống phần mềm mô phỏng chưa được trang bị đầy đủ.

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ vận hành thị trường điện còn chưa hoàn thiện như quy định về việc đưa các nhà máy thủy điện đa mục tiêu, nhà máy điện BOT tham gia thị trường điện, các quy định về điều độ thời gian thực…

Tính minh bạch của thị trường còn nhiều hạn chế: Tính độc lập của đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện còn chưa đảm bảo vì hiện vẫn là đợn vị hạch toán phụ thuộc EVN, thông tin cung cấp trên thị trường còn hạn chế…

Giải pháp cho thị trường điện

Về kinh nghiệm cải cách thị trường điện ở Đức, GS-TS Andreas Polk (Đại học Kinh tế - Luật berlin, Đức) cho rằng năng lượng tái tạo ngày càng có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho các cơ cấu sản xuất phi tập trung. Điều này dẫn đến việc mất đi quyền lực thị trường của các đơn vị truyền thống. 

“Việc chuyển đổi thị trường năng lượng ở Đức còn giúp vào sự bền vững sinh thái, bền vững kinh tế; giảm giá thành, ngày càng độc lập trong nhập khẩu, phát triển ngành công nghiệp xuất khẩu”,  chuyên gia này lưu ý thêm.

Theo đại diện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ông Cao Đạt Khoa, kinh nghiệm quốc tế cho thấy ngành điện có thể tự do hóa và thúc đẩy cạnh tranh trong khâu phát điện và bán lẻ điện.

Theo ông Khoa, để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành điện, Việt Nam cần phải vượt qua một số thách thức:

Về chính sách, Việt Nam cần xem xét luật hóa quá trình tái cơ cấu ngành điện, thể hiện cam kết nhất quán, kiên định về định hướng thị trường điện, từng bước đưa ngành điện hoạt động theo đúng quy luật cơ bản của thị trường về quan hệ cung - cầu, giá cả.

Về phía cung, phát triển nguồn điện cân bằng theo khu vực, theo công nghệ. Thân thiện môi trường, phù hợp với cam kết của cộng đồng quốc tế về biến đổi khí hậu. Trong đó có việc giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế việc phát triển các nguồn phát điện sử dụng năng lượng hóa thạch.

Về phía cầu, cần phải thay đổi hành vi tiêu dùng điện theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và chấp nhận cơ chế thị trường trong ngành điện. Các vấn đề công ích, xã hội được nhà nước giải quyết trực tiếp với đối tượng ưu tiên, không thực hiện qua doanh nghiệp như hiện nay.

MTG