EVNCHP - Hướng tới thị trường bán buôn điện cạnh tranh

Với 31 nhà máy tham gia, đến nay đã có 60 nhà máy tham gia chào giá trực tiếp, thị trường ngày càng trở nên sô...

Sau hơn 3 năm thị trường phát điện cạnh tranh được vận hành chính thức (từ ngày 1/7/2012) với 31 nhà máy tham gia, đến nay đã có 60 nhà máy tham gia chào giá trực tiếp, thị trường ngày càng trở nên sôi động, cạnh tranh hơn, tạo điều kiện cho các đơn vị phát điện có cơ hội nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, trong đó có Công ty CP Thủy điện miền Trung (EVNCHP).

EVNCHP được sáng lập bởi các cổ đông là GENCO 1, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty điện lực miền Trung và Công ty Điện lực Hà Nội. EVNCHP hiện đang sở hữu Nhà máy Thủy điện A Lưới tại Thừa Thiên Huế với công suất lắp máy 2x85MW, chính thức vận hành phát điện thương mại vào tháng 5/2012 và đã tham gia thị trường phát điện cạnh tranh từ ngày 15/4/2013 đến nay. Lũy kế từ khi phát điện đến nay, A Lưới đã cung cấp cho hệ thống hơn 2 tỷ kWh điện, doanh thu các năm từ khi tham gia thị trường đến nay đều đạt cao hơn so với doanh thu theo giá hợp đồng.

Theo ông Lâm Uyên - Phó Tổng giám đốc của EVNCHP: hiện cơ chế, chính sách cho thị trường điện cạnh tranh đã khá rõ ràng, có các quy trình hướng dẫn đầy đủ, cụ thể. Thêm vào đó là sự hướng dẫn nhiệt tình từ Cục Điều tiết điện lực, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) cũng như các đơn vị tham gia thị trường cùng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin rất tốt đáp ứng mọi giao dịch nhanh chóng, kịp thời. Thông qua bản chào, EVNCHP có thể chủ động quyết định được sản lượng điện phát trong ngày, do vậy, việc điều phối sử dụng nguồn nước phát điện sẽ tối ưu hơn so với khi chưa tham gia thị trường. Nhờ đó tăng giá trị gia tăng, tăng nguồn thu cho công ty. Đây cũng là cơ sở để lãnh đạo công ty hiểu được năng lực của Nhà máy Thủy điện A Lưới trong hệ thống cũng như cơ chế vận hành thị trường là cơ sở để quyết định đầu tư các dự án khác.

Tuy nhiên, cũng theo ông Lâm Uyên, do Thủy điện  A Lưới thường vận hành với chế độ điều chỉnh điện áp cho hệ thống, hiện nay công tác thanh toán cho dịch vụ này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, công ty rất mong Bộ Công Thương sớm đưa các dịch vụ phụ trợ vào quy định vận hành thị trường điện và triển khai chữ ký số để ứng dụng trong thanh toán thị trường…

Mục tiêu của các doanh nghiệp khi tham gia thị trường là tối ưu hóa lợi nhuận, giảm thiểu chi phí sản xuất, kinh doanh, để đạt được mục tiêu này EVNCHP đã xác định thị trường điện là một trong những lĩnh vực được ưu tiến trong chiến lược phát triển của công ty trong thời gian tới. Do vậy khi tham gia thị trường điện, công ty đã tập trung vào tổ chức lại công tác điều hành sản xuất, quản trị kinh doanh phù hợp với cơ chế của thị trường, tổ chức cho các thành viên của tổ thị trường điện tham gia các lớp đào tạo nhằm cập nhật kiến thức mới, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu công việc, nâng cao tính cạnh tranh trong quá trình chào giá.

Đặc biệt, công ty cũng đẩy mạnh nghiên cứu đưa dữ liệu thị trường điện vào lưu trữ trên SQL, thiết lập một số tính toán để ứng dụng vào công tác chào giá. Với đặc thù là công ty thủy điện nên công tác bám sát và theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến khí hậu thủy văn của khu vực cũng như của hệ thống và biến động giá của thị trường cũng được EVNCHP rất quan tâm.

Ông Lâm Uyên - Phó Tổng giám đốc EVNCHP:

để bám sát lộ trình phát triển các cấp độ thị trường điện, EVNCHP đang tìm hiểu tiếp cận các quy định hướng dẫn mới của thị trường bán buôn. Thường xuyên tham gia các khóa đào tạo về lĩnh vực này để có thể hội nhập trong năm 2016 và chính thức tham gia trong năm 2017 để chủ động lựa chọn đối tác ký hợp đồng mua điện.

Báo Công Thương