Phát triển năng lượng tái tạo: Lợi ích về nhiều mặt

Thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Th...

Thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương cho khảo sát, nghiên cứu lập đề xuất đầu tư các nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn TS Man Ngọc Lý, Giám đốc Sở Công Thương, về vấn đề này.

* Thưa ông, xin ông cho biết về quy hoạch năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, cụ thể là điện gió và điện mặt trời, cũng như các dự án có liên quan ở Bình Định?

Ông Man Ngọc Lý

- Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương đã phối hợp với Viện Năng lượng - Bộ Công Thương hoàn thành 2 Đề án Quy hoạch phát triển điện mặt trời và điện gió tỉnh Bình Định đến năm 2020, có xét đến năm 2030, đã được Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh họp thông qua ngày 26.3.2018 và đang trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến trước khi UBND tỉnh trình Bộ Công Thương xem xét thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Theo Đề án Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Bình Định, giai đoạn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 22 dự án và giai đoạn 2021 - 2030 là 20 dự án với tổng công suất 2.280,11MWp. Đối với Đề án Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bình Định, giai đoạn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 5 dự án và giai đoạn 2021 - 2030 là 4 dự án với tổng công suất là 237MW.

* Điện gió và điện mặt trời được đánh giá là năng lượng sạch, được khuyến khích phát triển và được xem là năng lượng của tương lai. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Trong bối cảnh các nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu, khí) ngày càng cạn kiệt trái ngược với xu hướng tăng trưởng tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ điện và biến đổi khí hậu ngày càng tăng, để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã chú trọng nghiên cứu và triển khai đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo là cần thiết.

Một dự án điện gió. (Ảnh minh họa - internet)

Với điều kiện thuận lợi về địa lý, khí hậu, Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng để phát triển nguồn năng lượng tái tạo, có khả năng thay thế nguồn năng lượng hóa thạch, giảm thiểu tác động tới môi trường.

“Với điều kiện thuận lợi về địa lý, khí hậu, Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng để phát triển nguồn năng lượng tái tạo, có khả năng thay thế nguồn năng lượng hóa thạch, giảm thiểu tác động tới môi trường”.

 

Việc đầu tư các dự án điện mặt trời và điện gió trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch là phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25.11.2015 và phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18.3.2016.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29.6.2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam; Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11.4.2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam... đó là những cơ sở pháp lý nhằm tạo điều kiện khuyến khích các nhà đầu tư triển khai thực hiện đầu tư xây dựng dự án năng lượng tái tạo hiện nay.

* Việc triển khai thực hiện các dự án điện gió và điện mặt trời trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào, cũng như triển vọng phát triển năng lượng tái tạo, góp phần phát triển KT-XH tỉnh nhà?

- Đến nay, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương cho khảo sát, nghiên cứu lập đề xuất đầu tư nhà máy điện mặt trời 18 dự án. Trong đó, trên địa bàn huyện Phù Mỹ 8 dự án; huyện Phù Cát 2 dự án; huyện Hoài Nhơn 2 dự án; huyện Tây Sơn 4 dự án và 2 dự án trong Khu Kinh tế Nhơn Hội. Đối với nhà máy điện gió là 3 dự án, trong đó 1 dự án ở xã Mỹ An - Phù Mỹ, và 2 dự án trong Khu Kinh tế Nhơn Hội.

Theo Đề án Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Bình Định, giai đoạn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh sẽ thu hút vốn đầu tư khoảng 32.781 tỉ đồng (khoảng 1.263,33MWp); giai đoạn 2021 - 2030 thu hút vốn đầu tư khoảng 26.211 tỉ đồng (khoảng 1.017MWp). Đối với Đề án Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bình Định, giai đoạn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh sẽ thu hút vốn đầu tư khoảng 6.020 tỉ đồng (khoảng 141MW); giai đoạn 2021 - 2030 thu hút vốn đầu tư khoảng 4.116 tỉ đồng (khoảng 96MW).

Việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh cũng sẽ góp phần tạo việc làm cho lao động tại địa phương và tạo nguồn thu ngân sách cho tỉnh nhà.

* Xin cảm ơn ông!

 

 

 

 

Theo Báo Bình Định