Làm rõ hơn về cách tính giá điện theo bậc thang lũy tiến; công khai, minh bạch đối với hoạt động sản xuất, kin...
Làm rõ hơn về cách tính giá điện theo bậc thang lũy tiến; công khai, minh bạch đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh điện… là một số nội dung được lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề cập trong tọa đàm “Điều hành giá điện heo cơ chế thị trường” do Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương thực hiện.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thì Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2256/QĐ-BCT điều chỉnh giá bán điện áp dụng từ ngày 16/3/2015. Việc điều chỉnh giá điện lần này cũng đã được Tổ công tác liên Bộ gồm có Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm tra, thẩm định và có xem xét, đánh giá để việc ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng GDP, CPI; ảnh hưởng đến sản xuất của một số ngành công nghiệp chính của nước ta như sản xuất sắt, thép, xi măng, giấy…; ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân ở mức thấp nhất. Trên cơ sở đánh giá này liên Bộ đã thống nhất phương án và báo cáo Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép. Sau đó Bộ Công Thương đã ra quyết định về việc điều chỉnh giá điện lần này.
Việc tính toán điều chỉnh giá điện cũng tiếp tục thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách. Theo đó, quy định về hỗ trợ điện cho các hộ nghèo, các hộ chính sách không bị ảnh hưởng bởi việc điều chỉnh giá điện.
Bên cạnh đó việc điều chỉnh giá điện cũng thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước về thị trường hóa các mặt hàng năng lượng trong đó có điện.
Về tác động của việc điều chỉnh giá điện đến doanh nghiệp và hộ gia đình ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề cập cụ thể:
Bình quân đợt điều chỉnh này tăng 7,5% so với biểu giá cũ nhưng theo cơ cấu của từng nhóm khách hàng thì mức độ tăng có khác nhau.
Đối với điện sinh hoạt thì bậc thang thấp nhất tăng 6,9%, tức là dưới mức trung bình. Đối với những bậc sau thì tăng cao hơn.
Mức chi trả của từng hộ dân phụ thuộc vào số lượng điện mà hộ đó tiêu thụ. Nếu tiêu thụ càng nhiều thì số tiền điện phải trả lại càng cao hơn. Giá điện được quy định theo bậc thang lũy tiến, vì vậy, càng dùng nhiều thì mức giá ở sau càng cao hơn. Vậy nên khi dùng nhiều số kWh điện thì khách hàng sẽ phải trả nhiều hơn. Ví dụ, nếu 1 hộ khách hàng dùng 300kWh/1 tháng thì sẽ phải trả khoảng 609.000 đồng. Nhưng nếu dùng lên 450kWh/ tháng thì sẽ phải trả khoảng 1.026.000 đồng. Nếu dùng lên đến 600kWh/tháng thì phải trả thêm khoảng 1.400.000 đồng.
Vì sao tính giá điện theo bậc thang lũy tiến?
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Việt Nam giải thích: Điện năng là một hàng hóa đặc biệt, quá trình sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời ngay lập tức và về nguyên tắc của Việt Nam, cũng như tất cả các nước trên thế giới khi điều độ sẽ điều độ theo giá trị kinh tế. Có nghĩa là chúng ta sẽ huy động các nhà máy điện rẻ trước, nhà máy điện giá đắt sẽ huy động sau. Ví dụ như trong hệ thống điện Việt Nam thì ở mức độ nhất định chúng ta sẽ huy động những nguồn truyền thống như thủy điện, nhiệt điện than, tuabin khí. Nhưng khi nhu cầu điện cao chúng ta sẽ huy động các nhà máy điện đắt tiền hơn, thậm chí trong một số thời điểm chúng ta phải huy động đến cả nhà máy điện chạy dầu nếu như trong hệ thống thiếu nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào.
Theo thông lệ về biểu giá thì các nước đều áp dụng biểu giá tính điện lũy tiến cho khách hàng thuộc hộ sử dụng sinh hoạt, ví dụ ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật, hay các nước ở trong khối ASEAN. Hiện nay chúng ta có 10 nước trong ASEAN thì cả 10 nước đều áp dụng biểu giá tính lũy tiến cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Các quốc gia và vùng lãnh thổ khác ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, hay Hồng Kông cũng áp dụng biểu giá lũy tiến này.
Như vậy chúng ta đánh giá chung là việc áp dụng biểu giá lũy kế cho khách hàng sử dụng sinh hoạt là phổ biến trên thế giới, với mục đích là khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện có hiệu lực từ ngày 01/06/2014. Trong cơ cấu biểu giá bán lẻ theo Quyết định này thì chủ trương Nhà nước là giảm dần việc bù chéo giá điện giữa các đối tượng sử dụng điện và không bán điện dưới giá thành nói chung và như phần trên tôi đã nói là tiếp tục có những chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách. Đồng thời, tách bạch hoạt động sản xuất kinh doanh điện của doanh nghiệp điện với thực hiện chính sách an sinh - xã hội của Đảng, Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội. Biểu giá này cũng được thiết kế đối với hộ sinh hoạt theo biểu giá lũy tiến tăng dần để làm sao vừa khuyến khích người dân tiết kiệm điện, đồng thời cơ cấu biểu giá hết sức phù hợp theo thực tế sử dụng điện sinh hoạt. Ví dụ, theo thống kê, ở Việt Nam, năm 2014, số hộ sử dụng điện dưới 100kWh dưới 45% thì chúng ta cũng đã thiết kế biểu giá điện phù hợp. Qua thực tế kiểm tra cho thấy, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện như hiện nay thì chúng tôi đánh giá là đơn giản, thuận tiện cho khách hàng theo dõi và phù hợp với nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt trên toàn quốc.
Vừa qua chúng tôi cũng nhận được một số ý kiến góp ý của khách hàng, của một số nhà khoa học và cơ quan báo chí. Và trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu và xem xét lại cơ cấu biểu giá bán lẻ và chúng tôi sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tế khách hàng sử dụng sinh hoạt ở Việt Nam.
Công khai, minh bạch hoạt động sản xuất kinh doanh điện
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Việt Nam khẳng định: Đây là một trong những chủ trương lớn của Bộ Công Thương. Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai mạnh mẽ công tác công khai, minh bạch về giá điện. Như đã trình bày ở trên, năm 2014, Bộ Công Thương phối hợp cùng các Bộ: Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam tiến hành kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2013, và sau khi kết thúc kiểm tra, Bộ Công Thương cũng đã tiến hành họp báo công khai kết quả sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Và kết quả này, chúng tôi cũng đã chuyển đến các cơ quan thông tấn báo chí và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương tại địa chỉ www.moit.gov.vn. Kết quả kiểm tra sản xuất kinh doanh có chỉ rõ ra giá thành sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong từng khâu, khâu phát điện bao nhiêu, khâu truyền tải bao nhiêu, khâu phân phối bán lẻ là bao nhiêu và các khoản lỗ, lãi trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện cũng được công bố rõ ràng.
Hiện nay, tất cả thông tin này được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương, khách hàng quan tâm có thể truy cập vào địa chỉ website của Cổng để tra cứu thông tin.
Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT về tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu. Ở đây, xin nói về hoạt động sản xuất kinh doanh điện. Hiện nay, chúng tôi đã triển khai công bố về giá điện, về hoạt động sản xuất kinh doanh điện theo định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm, đảm bảo các thông tin được cập nhật. Và tất cả thông tin này được đăng tải công khai, minh bạch trên chuyên trang Công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu của Bộ Công Thương tại địa chỉ: http://minhbach.moit.gov.vn. Chúng tôi cũng đăng tải các thông số đầu vào, thực tế huy động cơ cấu nguồn như thế nào, các yếu tố liên quan như giá điện trên thị trường điện, v.v…
Trong đợt tăng giá điện trong tháng 3/2015, chúng tôi đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai đến tất cả các trung tâm dịch vụ khách hàng niêm yết công khai biểu giá bán lẻ điện và đối với các cán bộ, nhân viên trực tiếp thu tiền điện thì có hướng dẫn cho khách hàng cách tính toán theo hướng dẫn giá điện theo quy định mới. Trong thời gian tới Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và các đơn vị triển khai tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thông tin công khai, minh bạch hoạt động sản xuất kinh doanh điện và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng ở cả Trung ương cũng như địa phương.
Xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết việc xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh đã được quy định tại Luật Điện lực và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 quy định về lộ trình phát triển điện tại Việt Nam. Theo Quyết định này thì thị trường điện Việt Nam sẽ phát triển theo 3 cấp độ. Cấp độ thứ nhất là từ năm 2012 đến năm 2015, chúng ta sẽ triển khai thị trường phát điện cạnh tranh. Trong thị trường phát điện cạnh tranh thì các đơn vị phát điện sẽ cạnh tranh nhau để bán điện cho đơn vị mua duy nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Và từ năm 2016 đến năm 2021 chúng ta sẽ thực hiện Thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Giai đoạn này cấp độ sẽ cao hơn giai đoạn phát điện cạnh tranh ở chỗ lúc này tham gia thị trường điện ngoài các đơn vị phát điện còn có các khách hàng lớn. Và các đơn vị phát điện ngoài bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì được cạnh tranh trực tiếp và bán điện cho các Tổng công ty Điện lực và các khách hàng sử dụng điện. Dự kiến chúng tôi sẽ triển khai thực hiện trong thời gian từ năm 2016 - 2019 sẽ chính thức thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Và từ năm 2021 chúng ta sẽ triển khai Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, theo đó, tất cả các khách hàng sử dụng điện kể cả các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt đều có quyền tự do lựa chọn người bán.
Với lộ trình kế hoạch triển khai như thế này thì Việt Nam sẽ là một trong những nước đi đầu trong ASEAN cũng như trong châu lục, qua thực tế thì hiện nay chúng ta đang là nước thứ 3 sau Singapore và Philippin đã triển khai thành công thị trường điện. Và trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có kế hoạch triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo đúng lộ trình do Chính phủ đã quy định.
Theo VEN