Cây mía Cà Mau "phai" dần vị ngọt

Từng là một trong những loại cây trồng "chủ lực" ở đồng đất lắm phèn của Cà Mau, cây mía được tỉnh quy hoạch v...

Từng là một trong những loại cây trồng "chủ lực" ở đồng đất lắm phèn của Cà Mau, cây mía được tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát triển sản xuất. Nhưng giờ đây, nhà nông trong tỉnh không mặn mà với cây mía nữa, thậm chí nông dân một số nơi đã bỏ mía trồng cây khác...

Giá cả bấp bênh, nhiều đồng mía ở huyện Thới Bình được chuyển sang trồng rau màu.

Lận đận với cây mía

Ngày cuối tháng 3, chúng tôi trở lại ấp 6 La Cua, nơi có diện tích trồng mía nhiều nhất ở xã Biển Bạch Ðông (huyện Thới Bình) hàng chục năm qua. Thời điểm này, hầu hết nhà nông trong ấp đã bán hết mía trong rẫy, riêng gia đình ông Trần Văn Mới thu hoạch muộn, chờ giá mía tăng. Khi chúng tôi đến, ông Mới đang bán 6 ha mía cho thương lái, giá 600 đồng/kg. Bấm đốt ngón tay, ông Mới nhẩm tính: Chi phí thuê nhân công thu hoạch tốn 300 đồng/kg; tiền hom giống, công thuê đào hộc trồng mía đầu vụ, tiền thuê đánh lá mía hai lần, tiền phân bón… Tính sơ sơ, tổng chi phí đầu tư cho mỗi tấn mía là 630 nghìn đồng, trong khi thu về 600 nghìn đồng. Vậy, nếu bán hết 6 ha mía, gia đình tôi phải bù lỗ ít nhất 18 triệu đồng.

Sau Tết Nguyên đán 2018 không lâu, Nhà máy đường Thới Bình (thuộc Công ty cổ phần Mía đường Tây Nam) ngừng hoạt động, bàn giao trách nhiệm mua mía cho Công ty cổ phần Mía đường ở Cần Thơ, có nhà máy sản xuất đường tại Vị Thanh và Phụng Hiệp (Hậu Giang). Ðơn vị tiếp nhận hợp đồng trách nhiệm chấp thuận mức giá 900 đồng/kg (đối với mía đạt mười chữ đường) đúng như Nhà máy đường Thới Bình cam kết với nông dân hồi đầu vụ. Tuy nhiên, người trồng mía phải chở mía lên tận Vị Thanh, thay vì vận chuyển đến cầu cảng Nhà máy đường Thới Bình như mọi năm. Nếu không chấp nhận việc chuyên chở đó, nhà nông tự lo tiêu thụ. Ông Trần Phong ở ấp 6 La Cua có 6 ha mía kể lại câu chuyện này với chúng tôi và cho biết thêm, tiền công thuê chở mía lên tận Vị Thanh, tốn thêm 110 nghìn đồng/tấn mía. "Sau khi đo chữ đường, Nhà máy mía đường ở Vị Thanh mua có 500 đồng/kg. Không bán cho họ thì lại tốn thêm chi phí để chở mía về. Cầm tiền mà muốn rơi nước mắt".

Chia sẻ với chúng tôi, Trưởng ấp 6 La Cua Nguyễn Thanh Ðiền cho biết: Khi biết chuyện "dở khóc, dở cười" của ông Phong, nhà nông địa phương không dám chở mía đi bán nữa mà tìm mối tiêu thụ tại chỗ. Vì thế, thương lái mặc tình o ép giá mía, khiến nông hộ trồng mía trong ấp và nhiều nơi ở huyện Thới Bình lâm vào cảnh thua lỗ.

Diện tích trồng mía giảm mạnh

Mía từng là loại cây trồng được Cà Mau quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung cho nên có lúc, diện tích trồng mía ở tỉnh đạt hơn 7.000 ha, trong đó huyện Thới Bình hơn 5.000 ha. Tuy nhiên, do giá cả, đầu ra bấp bênh, nông dân liên tục gặp cảnh "được mùa, mất giá", dẫn đến đồng mía ngày càng thu hẹp. Chỉ riêng ở Thới Bình, niên vụ sản xuất vừa qua, diện tích trồng mía chỉ còn hơn 600 ha.

Ðưa chúng tôi đi dọc chiều dài ấp 6 La Cua, Trưởng ấp Nguyễn Thanh Ðiền cho hay, tình cảnh thua lỗ liên tục diễn ra khiến diện tích trồng mía trong ấp từ 420 ha (năm 2000) nay chỉ còn 45 ha và dự báo sẽ không còn hộ trồng mía trong mùa vụ tới đây. Ngay cả lão nông Trần Văn Khiết, gần cả đời gắn bó với cây mía nhưng khi được hỏi có tiếp tục trồng mía nữa hay không, ông lắc đầu. "Ba năm trước, 4 ha đất nhà tôi đã chuyển qua nuôi tôm. Tôi chừa lại 2 ha trồng mía, thu hoạch hồi cận Tết Nguyên đán 2018. Tới đây tôi sẽ chuyển nuôi tôm nốt".

Hơn 10 năm về trước, cây mía đã giúp không ít nông hộ ở Cà Mau từ hộ nghèo trở thành hộ đủ ăn rồi vươn lên khấm khá. Nhưng trước những bất trắc về giá cả, rủi ro từ cây mía ngày càng lớn, thu nhập của người trồng mía dần thu hẹp. Lật lại quyển sổ tay úa mầu, Trưởng ấp 6 La Cua cho hay, thông tin hộ dân nợ nần vì "chung thủy" với cây mía mà cảm thấy xót xa. Ông Ðiền nói: Trong ấp còn khoảng 20 hộ dân mắc nợ ngân hàng, người ít thì vài chục triệu đồng, nhiều đến 200 triệu đồng. Ðó là số tiền hồi trước bà con vay trồng mía. Ðến kỳ trả nợ, bà con không có tiền cho nên vay nợ mới để trả nợ cũ. Sau vài lần như vậy, nợ tăng lên con số lớn như hiện nay".

Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Lý Minh Vững cho biết: Do đặc thù địa hình, những đồng mía ở đây không thể thành những cánh đồng mẫu lớn, phải thu hoạch thủ công, chi phí sản xuất tăng lên. Bởi vậy, năm nào mía được giá, nhà nông có lãi. Còn giá giảm sâu như niên vụ vừa rồi, người trồng mía thua lỗ. "Bà con lời trên chính công sức họ bỏ ra. Bởi chỉ tính riêng nhân công thuê thu hoạch đã chiếm gần 50% giá thành sản xuất.

Thực tế do dây chuyền sản xuất lạc hậu, cộng với sức ép từ giá đường nhập khẩu rẻ khiến tình hình sản xuất của doanh nghiệp ngành đường cũng bi đát. Nhà máy sản xuất đường ở Thới Bình phải bù lỗ liên tục dẫn đến ngừng sản xuất. Hội đồng quản trị của đơn vị vừa họp bất thường, dự tính tới đây sẽ chuyển đổi sang ngành nghề khác, hoặc nếu có duy trì thì chỉ đảm trách việc làm "vệ tinh" thu mua mía cho một nhà máy mía đường khác, chứ không vận hành sản xuất" - ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần Mía đường Tây Nam cho biết.

Trước đây ở Thới Bình, cây mía có ở trước nhà, sau hè, ngoài ruộng, trở thành cây làm giàu, nhưng giờ đất trồng mía đã trở thành những cánh đồng nuôi tôm, ao cá, ruộng rau màu… Nhà nông tự cơ cấu lại sản xuất, tự quy hoạch lại cây trồng, vật nuôi khi cây mía không còn "ngọt" như trước… Theo ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, trước bất lợi về giá cả, sản xuất bấp bênh cho nên trong đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh (giai đoạn 2015-2020), cây mía không còn được đưa vào quy hoạch. Lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng chỉ đạo bộ phận chuyên môn làm việc với các địa phương trồng mía trong tỉnh để bàn các giải pháp chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho nông hộ trồng mía. Tuy chưa có phương án cụ thể nhưng quan điểm của ngành là chọn lựa những cây trồng, vật nuôi phù hợp với đồng đất nhiễm phèn để thay thế cây mía.

 

 

 

Theo Báo Nhân Dân