Hiệu quả ứng dụng công nghệ trong sản xuất mía nguyên liệu

Cây mía là 1 trong 3 cây trồng chủ lực trong phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến tại tỉnh ta.

Cây mía là 1 trong 3 cây trồng chủ lực trong phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến tại tỉnh ta. Bên cạnh các chính sách tín dụng hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ phân bón, giống cây trồng trong sản xuất mía nguyên liệu, tỉnh đã giao cho các cơ quan, đơn vị chức năng triển khai ứng dụng khoa học công nghệ phát triển ngành mía đường bền vững.

Từ năm 2000 đến nay tỉnh đã quan tâm, phê duyệt và triển khai thực hiện 9 đề tài, dự án cấp tỉnh nhằm nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong trồng mía. Trong đó các dự án: Điều tra, khảo sát xây dựng vùng sản xuất mía giống; mô hình sản xuất mía nguyên liệu rải vụ bằng giống mới có năng suất, chất lượng cao do Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương thực hiện trong 3 năm, từ năm 2007 - 2010 trên địa bàn 5 xã thuộc huyện Sơn Dương. Kết quả dự án đã góp phần thay đổi cơ cấu giống mía trong vùng sản xuất mía đường của công ty; làm giảm tỷ lệ mía/đường từ 9,17 ở vụ mía năm 2006 - 2007 xuống còn 8,78 ở vụ mía năm 2009 - 2010. Chất lượng đường được xếp ở nhóm 1/5 công ty có chất lượng đường tốt nhất cả nước. Dự án đã được công ty nhân rộng vào thực tiễn và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình bẫy đèn bắt bọ hung hại mía tại xã Sơn Nam (Sơn Dương)

Để có những giống mía tốt, phù hợp với thổ nhưỡng trên địa bàn tỉnh, từ năm 2011 - 2012 tỉnh giao cho Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh (nay là Trung tâm thực nghiệm thực hành và chuyển giao khoa học công nghệ, Trường Đại học Tân Trào) thực hiện dự án “Ứng dụng, công nghệ sinh học trong nhân giống mía, tạo giống thuần chủng, sạch bệnh phục vụ cho vùng trồng mía của tỉnh”. Dự án đã sản xuất thành công 2 giống mía ROC 10 và ROC 22 bằng phương pháp nuôi cấy mô, tạo sản phẩm mang tính thương mại, cây giống được sản xuất với số lượng lớn, chất lượng cây giống tốt, sạch bệnh. Dự án đã cung ứng được 12.000 cây giống siêu nguyên chủng cho Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương trồng 6 ha mía giống, làm nguồn giống cung cấp cho việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững, chất lượng, phục vụ sản xuất ổn định.

Trước thực trạng bọ hung hại mía gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, tỉnh triển khai thực hiện nghiên cứu biện pháp phòng trừ bọ hung hại mía. Đề tài được giao cho Viện Bảo vệ thực vật chủ trì thực hiện trong thời gian từ 2013 - 2014. Kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đề tài đã hướng dẫn người dân các phương pháp phòng trừ bọ hung hại mía, biện pháp canh tác, vệ sinh đồng ruộng, biện pháp thủ công, cơ giới, sử dụng bẫy đèn, phòng trừ bằng thuốc sinh học, hóa học. Đề tài đã giúp người dân phòng trừ bọ hung hại mía đạt hiệu quả, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe người nông dân và bảo vệ môi trường sinh thái. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục triển khai thực hiện 2 đề tài, dự án gồm: Dự án xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả trồng mía trên địa bàn tỉnh, tại xã Bình Xa (Hàm Yên) với diện tích 6 ha; đề tài nghiên cứu thực trạng và biện pháp kỹ thuật tổng hợp nhằm duy trì và nâng cao độ phì nhiêu đất tại các vùng trồng mía trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Để khoa học và công nghệ tiếp tục có những đóng góp tích cực vào việc phát triển ngành mía đường một cách bền vững, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục phối hợp với các trường Đại học, Viện nghiên cứu để tạo giống, khảo nghiệm các giống mía mới chất lượng tốt, rải vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mía. Tăng cường hỗ trợ cơ sở vật chất và nâng cao năng lực cho Trung tâm giống cây trồng của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương từ các nguồn vốn ưu đãi, trong đó có nguồn vốn khoa học và công nghệ hằng năm. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu các đề tài dự án đang thực hiện để có kết luận chính xác và có hướng phát triển nhân rộng. Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương qua các đề tài dự án đã được nghiệm thu có kết quả tốt, đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng trên địa bàn.

Báo Tuyên Quang