Ngày 17-4-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích ...

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Có thể nói đây là hai trong nhiều chính sách gần đây của Chính phủ nhằm ưu tiên tập trung các nguồn lực đầu tư, phát triển nông nghiệp, nông thôn, thông qua đó khuyến khích, thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, hiện nay cả nước mới có khoảng hơn 4.500 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (chiếm 1% tổng số doanh nghiệp cả nước). Không những thế quy mô của doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu là vừa và nhỏ, thậm chí rất nhỏ, với mức vốn đầu tư thấp, số lượng nhân lực được sử dụng ít. Một trong những rào cản lớn hiện nay vẫn là chính sách về đất đai. Nhiều doanh nghiệp đã được thuê đất, đang đầu tư sản xuất cho rằng, do diện tích đất được thuê nhỏ lẻ cho nên khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, dẫn tới chất lượng sản phẩm không cao.
Hơn nữa, cơ chế thuê đất sản xuất còn nhiều rào cản về quy trình, thủ tục. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp cũng còn những bất cập. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn hiện còn chiếm tỷ lệ rất thấp. Các điều kiện hỗ trợ khác cũng chưa phù hợp với thực tiễn, khó đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Ngoài ra, nông nghiệp là ngành chịu rủi ro cao, trong khi, chính sách bảo hiểm nông nghiệp còn vướng mắc khiến tỷ lệ các doanh nghiệp tái tham gia bảo hiểm thấp.
Để giải quyết những khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho các nhà đầu tư, xóa bỏ cơ chế xin - cho; phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương, loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà. Cùng với đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp cần tập trung vào khâu bảo quản, chế biến, tiêu thụ và xây dựng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp. Nhà nước cần hỗ trợ hạ tầng cơ bản cho các dự án đầu tư vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản chủ lực, quy mô lớn, nằm trong quy hoạch, phù hợp với đề án cơ cấu lại nông nghiệp.
Các doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân được phép sử dụng một phần diện tích đất của dự án trong vùng nguyên liệu tập trung để xây dựng trụ sở, kho, nhà máy chế biến và hạ tầng kỹ thuật đi kèm, mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã có thể sử dụng vốn góp bằng quyền sử dụng đất làm tài sản để bảo đảm vay vốn. Đồng thời có chính sách miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp mới thành lập ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.
Để hỗ trợ vốn cho nông nghiệp, mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 14/2018/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều hành công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Như vậy, cùng với việc tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, các chính sách về tín dụng, cơ chế đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đang dần được thay đổi theo hướng ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để chính sách sớm đi vào thực tiễn, chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng cần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Theo Nhân Dân