Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2017 có thêm 2.000 doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực ...
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2017 có thêm 2.000 doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản được thành lập mới; tăng 3,8% so với năm 2016, nâng tổng số DN hoạt động trong ngành lên hơn 5.600. Không chỉ có các DN nhỏ và vừa, ngành nông nghiệp còn thu hút những tên tuổi lớn như: TH True milk, Vingroup, Massan... Tuy vậy, nhìn tổng thể, số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực này vẫn ở mức khiêm tốn, chỉ chiếm hơn 1% số DN hoạt động tại Việt Nam.

Mô hình sản xuất rau hữu cơ của Tập đoàn TH đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: KHÁNH HUY
Bài 1: Ðồng hành cùng nhà nông
Nhận thức được vai trò đầu tàu của DN, doanh nhân trong phát triển kinh tế nông nghiệp, những năm gần đây, Ðảng và Nhà nước ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút tạo điều kiện cho các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, để những chính sách ấy đi vào thực tiễn, để doanh nhân, DN thật sự hết lòng với nông nghiệp, còn nhiều việc phải làm…
Những hiệu ứng tích cực
Trung tuần tháng 5-2018, trong cái nắng đổ lửa, chúng tôi về thung lũng Cổ Ngựa ở xã Gia Lâm, huyện Nho Quan (Ninh Bình) để thăm trang trại trồng dược liệu của Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia. Trang trại nằm trong dự án cấp nhà nước thuộc chương trình nông thôn, miền núi của Chính phủ do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý: Dự án Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và dược liệu đinh lăng lá nhỏ tại tỉnh Ninh Bình rộng 30 ha, thực hiện từ tháng 11-2016 đến tháng 5-2020.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Tâm, Chủ tịch Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia cho biết: Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc, quy trình trồng và chăm sóc cây đinh lăng thâm canh cao được thiết lập. Dự án đầu tư hệ thống tưới tự động cho toàn bộ diện tích trồng. Các tiêu chuẩn "Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc" GACP-WHO được áp dụng. Dự án sẽ tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây đinh lăng quy trình GAP, sơ chế và bảo quản đinh lăng theo GACP cho 100 nông dân. Ðồng thời, xây dựng mô hình cơ sở sơ chế, chế biến đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP với sản lượng dự kiến đạt 10 tấn khô/năm. Ðơn vị cũng đang triển khai công tác bảo tồn, phát triển các loài dược liệu quý là cây bản địa của tỉnh Ninh Bình, như trà hoa vàng, giảo cổ lam, bách bộ. Trong nội dung thực hiện của dự án có hạng mục nhà xưởng sơ chế dược liệu đinh lăng, công suất ba tấn/ngày.
Theo ông Vũ Văn Tâm, chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số là chương trình hỗ trợ hiệu quả và được thực hiện từ năm 1998, đến nay là giai đoạn thứ tư. Theo đó, các DN được hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật tạo ra chuỗi sản phẩm hàng hóa có sự tham gia của người nông dân, tạo nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người dân ở các khu vực nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
Ðịa phương tiếp theo trong chuyến khảo sát của chúng tôi là Nghệ An. Ðây là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất Việt Nam, trong đó có vùng đất ba-dan màu mỡ rộng hàng chục nghìn ha ở phía tây Nghệ An. Cùng với tiềm năng về đất đai là chính sách cởi mở, thân thiện, Nghệ An đã thu hút được nhiều DN trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó ưu tiên tập trung ở các huyện phía tây của tỉnh.
Ði dọc đường Hồ Chí Minh, hay quốc lộ 48 những ngày này, có thể nhận thấy, vùng đất miền tây xứ Nghệ đang "thay da đổi thịt" với những đồng mía, cỏ giống Mỹ cùng ngô, cao lương đỏ bạt ngàn; hoa hướng dương vàng rộm. Những giàn xe, máy thu hoạch liên hoàn hiện đại chẳng khác gì các nước châu Âu... Hệ thống ba nhà máy đường ở Quỳ Hợp, Tân Kỳ và Anh Sơn với tổng công suất 13,3 nghìn tấn mía/ngày, chiếm gần 10% sản lượng đường sản xuất cả nước. Trong số này phải kể đến Nhà máy đường NASU do Tập đoàn mía đường Tate & Lyle (Vương quốc Anh) liên doanh với tỉnh Nghệ An đầu tư với công nghệ, thiết bị hiện đại của châu Âu, công suất hiện đạt 9.000 tấn mía/ngày, số vốn đầu tư ban đầu 90 triệu USD.
Ngoài việc đầu tư các loại giống có năng suất cao, kháng dịch bệnh như LK92.11, KK3, QÐ 93-159... khuyến nông, đưa cơ giới vào làm đất, trồng và thu hoạch mía, các nhà máy đường ở Nghệ An đang lên kế hoạch tăng công suất lên 20 nghìn tấn mía/ngày. Hiện có khoảng 40 nghìn hộ nông dân ở các huyện miền núi tham gia trồng khoảng 25 đến 30 nghìn ha mía nguyên liệu cho các nhà máy đường. Hằng năm, nông dân thu về khoảng 1.500 đến 1.600 tỷ đồng từ cây mía; chưa kể tiền thu về từ phát triển dịch vụ vận chuyển mía, vật tư phân bón,… Nhờ trồng mía, nhiều bà con các huyện miền núi Nghĩa Ðàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ... có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Tập đoàn TH là một doanh nghiệp lớn đã đầu tư hàng loạt nhà máy liên quan lĩnh vực nông, lâm nghiệp ở miền tây Nghệ An. Trong số này phải kể đến Dự án chăn nuôi bò sữa cao sản công nghệ cao gắn với chế biến sữa ở huyện Nghĩa Ðàn, với số vốn đầu tư hơn một tỷ USD. Ðây là trang trại bò sữa tập trung công nghệ cao (CNC) lớn nhất châu Á với khoảng 45 nghìn con (giai đoạn 1). Cùng với đó, TH đầu tư nhà máy chế biến sữa tươi với công suất 500 nghìn tấn sản phẩm sữa các loại/năm, giai đoạn 1 là 200 nghìn tấn sản phẩm/năm.
Ngoài ra, còn hàng loạt dự án khác của Tập đoàn này. Ðó là dự án rau sạch FVF và dự án dược liệu TH Herbals theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ trên diện tích gần 130 trong số 500 ha, bước đầu cho doanh thu khoảng một tỷ đồng/ha. Tập đoàn TH đang tập trung phát triển vùng dược liệu tại địa bàn nhiều huyện miền núi, trong đó có nhiều giống dược liệu quý hiếm được bảo tồn, phát triển tại Vườn quốc gia Phù Mát và xã Mường Lống huyện miền núi rẻo cao Kỳ Sơn. Cuối năm 2016, TH đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất gỗ MDF công suất 142 nghìn m3 gỗ/năm với số vốn đầu tư 300 triệu USD, góp phần giúp nông dân Nghệ An tiêu thụ ổn định sản phẩm nguyên liệu rừng trồng...
Tạo sức hấp dẫn doanh nghiệp
Ðể có được nhiều DN tên tuổi tham gia vào lĩnh vực "tam nông" không phải bỗng dưng mà có. Trước hết, những địa phương thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư thường có điều kiện tự nhiên, bao gồm đất đai, thổ nhưỡng, nguồn nước và tài nguyên dồi dào. Ðây là lợi thế không thể phủ nhận để các địa phương như Lâm Ðồng, Nghệ An, Ninh Bình, Hà Nam… nhanh chóng trở thành những trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch. Tuy vậy, một điều kiện tiên quyết khác chính là những chính sách ưu đãi mà Ðảng, Nhà nước đã dành cho khu vực "tam nông" trong những năm qua, đặc biệt là những chính sách ưu đãi dành cho đối tượng chính là DN.
Ðáng chú ý là: Nghị định số 210/2013/NÐ-CP ngày 19-12-2013 của Chính phủ; Nghị định số 57/2018/NÐ-CP ngày 17-4-2018 thay thế Nghị định số 210 về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với những ưu đãi lớn thông qua miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; hỗ trợ tập trung đất đai; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp CNC; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; hỗ trợ đầu tư cơ sở; cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
Tạo nên sức sống và tiềm lực thật sự để vực dậy, thu hút đội ngũ DN về với nông nghiệp, còn phải kể đến những dòng tín dụng giá rẻ đổ về khu vực này ngày càng nhiều. Trao đổi với lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), chúng tôi được biết: Là ngân hàng có mạng lưới giao dịch rộng khắp cả nước với 159 chi nhánh, Agribank luôn giữ vững vị thế là ngân hàng dẫn đầu trong cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Tính đến thời điểm 30-4-2018, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 665.361 tỷ đồng, tăng 19.994 tỷ đồng so với cuối năm 2017, chiếm 73,8%/tổng dư nợ cho vay. Trong đó, dư nợ cho vay đối với DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là 140.087 tỷ đồng, số lượng khách hàng là 23.343 DN; tăng so với đầu năm 2.065 tỷ đồng, với 9.792 khách hàng DN; chiếm tỷ trọng 21,05%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn và chiếm 51%/tổng dư nợ cho vay đối với khách hàng DN vay vốn thuộc các lĩnh vực khác. Những dòng tín dụng quý giá này đã tạo nên những "cú huých" quan trọng để DN yên tâm hơn khi đầu tư vào nông nghiệp. Mặt khác, mỗi địa phương, với từng đặc thù khác nhau cũng có những cơ chế linh hoạt, phù hợp để thu hút đội ngũ doanh nhân.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Xuân Ðường đánh giá: Chủ trương thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được địa phương hết sức quan tâm. Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ 18 đã đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020 của tỉnh nói chung và lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nói riêng. Trong đó đã nhấn mạnh: Khuyến khích, tạo điều kiện để DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu, ứng dụng CNC, nhằm hình thành một số chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh trên thị trường với giá trị gia tăng cao và bền vững, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp...
Từ năm 2011 đến 2017, tỉnh Nghệ An đã kêu gọi, thu hút được 54 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng mức đầu tư 51.921,8 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2017 có 19 dự án với tổng số vốn là 4.500 tỷ đồng. Nghệ An trở thành một trong những địa phương thành công nhất trong việc mời gọi được nhiều dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Theo Nhân Dân