Cho rằng việc nhập khẩu đường lỏng HFCS được chiết xuất từ tinh bột bắp (ngô) đã gây thiệt hại nặng nề cho ngà...
Cho rằng việc nhập khẩu đường lỏng HFCS được chiết xuất từ tinh bột bắp (ngô) đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành đường mía trong nước, Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) muốn Chính phủ điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt đối với mặt hàng này nhằm bảo vệ ngành đường mía nội địa.

"Đường bắp" nhập khẩu gây thiệt hại cho "đường mía" 527 tỉ đồng từ năm 2015 tới 2017. Trong ảnh là nông dân tỉnh Hậu Giang thu hoạch mía. Ảnh: Trung Chánh
Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) vừa có công văn số 80/CV-HHMĐ về việc "áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt đối với mặt hàng đường lỏng (có tên khoa học là High- Fructose Corn Syrup -HFCS) mã HS 1702.6010 và 1702.6020" gửi đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để tình bày những khó khăn ngành đường nội địa đang gặp phải và đề xuất tháo gỡ.
“Thiệt hại” 527 tỉ đồng vì "đường bắp"
Tại công văn này, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA cho biết, các doanh nghiệp mía đường tuy đã có nhiều giải pháp tích cực để duy trì sản xuất như giữ giá mía và bảo hiểm chữ đường (CCS) cho nông dân trồng mía như hợp đồng đã ký kết (giá 800.000 -1.000.000 đồng/tấn mía đạt 10 CCS, có nhà máy mua đến 1,1 triệu đồng/tấn); điều chỉnh linh hoạt kế hoạch bán hàng..., nhưng tiêu thụ vẫn rất chậm và giá bán vẫn rất thấp.
Theo đó, giá bán đường tại các nhà máy thời gian gần đây đã giảm xuống chỉ còn 11.000-11.500 đồng/kg đối với đường trắng RS, mức giá ngang, thậm chí thấp hơn giá thành sản xuất và gần sát với giá đường nhập lậu bán trên thị trường, giảm gần 30% so với cùng kỳ. Một số nhà máy có nguy cơ thua lỗ và nợ tiền mua mía của nông dân hàng trăm tỉ đồng.
Bên cạnh đường lậu từ Thái Lan, việc nhập khẩu đường lỏng chiết xuất từ tinh bột bắp (HFCS) vào Việt Nam với số lượng lớn và ngày càng có chiều hướng gia tăng là nguyên nhân gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất mía đường nội đị, theo VSSA.
Công văn trên nêu rõ, loại đường lỏng HFCS nhập khẩu phổ biến vào Việt Nam thời gian qua là HFCS-55, tức chứa 55% fructose và có độ ngọt cao hơn đường mía khoảng từ 1,1-1,3 lần.
“Về đặc tính, HFCS có dạng lỏng, thành phần chủ yếu là monosaccharides như glucose, fructose, galactose; disaccharides như sucrose, lactose, maltose”, công văn cho biết.
Chính đặc tính tương tự như đường mía, cho nên, đường lỏng HFCS được sử dụng để thay thế một phần hoặc toàn bộ cho đường mía làm nguyên liệu trong sản xuất thực phẩm, dược phẩm. Vì vậy, loại đường này đang cạnh tranh trực tiếp với đường mía.
Thực tế, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy lượng đường HFCS nhập khẩu đã gia tăng đột biến trong giai đoạn 2015-2017, mà cụ thể nếu năm 2015 loại sản phẩm này nhập khẩu vào Việt Nam là 67.834 tấn, thì năm 2016 đạt 70.090 tấn và năm ngoái đạt mức 89.343 tấn, tăng 31,7% so với năm 2015.
Còn xét về giá, công văn của VSSA cho thấy, giá nhập khẩu đường lỏng HFCS vào Việt Nam ngày càng rẻ. Cụ thể, nếu năm 2015 giá đường mía là 630 đô la/tấn, thì đường lỏng HFCS chỉ 496 đô là/tấn; năm 2016 đường mía 726 đô la/tấn, thì đường lỏng HFCS là 460 đô la/tấn; năm 2017 đường mía 702 đô la so với 398 đô la/tấn của đường lỏng HFCS. Điều này, tương ứng tỷ lệ chênh lệch giá giữa đường mía và đường lỏng HFCS ở mức: năm 2015 là 21,26%, năm 2016 là 36,63% và năm 2017 là 43,3%.
Mặt khác, theo VSSA, đường lỏng HFCS đang được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0% theo quy định hiện hành của Việt Nam và không áp dụng hạn ngạch. Trong khi đó, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với đường mía trong hạn ngạch là 5% và ngoài hạn ngạch đối với đường trắng và thô lần lượt là 85% và 80%.
Giá rẻ cùng với chính sách thuế nhập khẩu ưu đãi làm cho đường lỏng HFCS khá hấp dẫn đối với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực F&B- Food and Beverage (thức ăn và đồ uống). “Điều này, tác động tiêu cực đến tiêu thụ đường mía trong nước”, công văn nêu rõ.
Theo tính toán của VSSA, vấn đề nêu trên đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp sản xuất đường mía trong nước do bị sụt giảm thị phần, giảm sản lượng đường bán nội địa, dẫn đến tồn kho cao.
“Tổng thiệt hại trong 3 năm, từ 2015-2017 ước tính lên đến 527 tỉ đồng”, công văn của VSSA cho biết.
Điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt
VSSA cho biết, nếu tình hình nêu trên tiếp tục kéo dài và không có sự can thiệp từ chính sách nhà nước đối với mặt hàng đường lỏng HFCS, thì thiệt hại của ngành đường mía trong nước sẽ ngày càng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tồn tại của một số nhà máy quy mô nhỏ trước tình hình loại đường này nhập khẩu gia tăng.
Từ những phân tích ở trên, VSSA cho rằng, để cạnh tranh được với mặt hàng đường HFCS nhập khẩu, ngoài sự nỗ lực của ngành mía đường, rất cần sự hỗ trợ, can thiệp của Chính phủ về việc điều chỉnh áp dụng chính sách ưu đãi thuế bình đẳng giữa mặt hàng đường mía với đường lỏng HFCS.
VSSA cũng đề nghị Chính phủ xem xét quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt đối với mặt hàng đường HFCS được phân loại theo mã HS 1702.6010 và 1702.6020 theo quy định của Luật quản lý ngoại thương.
Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn