Campuchia đã thông qua một kế hoạch tổng thể về điện năng ở nông thôn, nhằm thúc đẩy sử dụng Hệ thống nhà mặt ...
Trong sáng kiến đổi mới để gia tăng tiếp cận năng lượng điện, Chính phủ Vương quốc Campuchia đã thông qua một kế hoạch tổng thể về điện năng ở nông thôn, nhằm thúc đẩy sử dụng Hệ thống nhà mặt trời (SHS), giúp gia tăng tiếp cận điện năng cho khu vực này.
Kết quả sau một giai đoạn dài thiếu sự đầu tư vào ngành điện, tỷ lệ các hộ gia đình được tiếp cận lưới điện ở Campuchia chỉ là 34% năm 2013, tăng nhẹ so với tỷ lệ 31% năm 2012. Để giải quyết hậu quả của chi phí điện năng cao, Chính phủ đã xây dựng kế hoạch điện năng cho nông thôn nhằm đảm bảo 70% hộ gia đình Campuchia được kết nối với mạng lưới điện quốc gia vào năm 2030. Trong trung hạn, kế hoạch sẽ thúc đẩy sự phát triển của các mạng nhỏ sử dụng thủy năng nhỏ và hệ thống điện mặt trời nhằm cung cấp điện cho khu vực nông thôn.
Trong 5 năm đầu tiên thực hiện dự án, năm 2008 có khoảng 12.000 hộ gia đình sử dụng SHS. Tuy nhiên, tỷ lệ hấp thu của các hệ thống này rất thấp, chủ yếu do thực tế, dự án đòi hỏi các hộ gia đình nông thôn phải trả chi phí lắp đặt với mức phí 260 USD cho hệ thống 30watt và 333 USD cho hệ thống 50watt. Nhiều hộ gia đình nghèo không thể chi trả các khoản phí này. Vì vậy, sau 5 năm, khi xác định được nguyên nhân sử dụng thấp thì một mô hình kinh doanh mới ra đời. Theo mô hình này, các hộ gia đình chi trả theo mức tỷ lệ hàng ngày và tính chi phí theo thời gian. Từ đó dẫn đến đẩy nhanh việc sử dụng hệ thống cho đến khi kết thúc dự án vào năm 2012. Trong giai đoạn 2014-2015, dưới sự quản lý của Cơ quan điện Campuchia, Quỹ Điện năng Nông thôn đã bán và lắp đặt 13.420 SHS loại 50watt cho các hộ gia đình nông thôn ở các khu vực hẻo lánh.
Bài học từ kinh nghiệm của Campuchia có thể áp dụng với một số nước khác trong ASEAN- nơi có gần 134 triệu người vẫn chưa được tiếp cận với nguồn cung ứng điện thường xuyên. Với 31,1%, tỷ lệ của Campuchia là tỷ lệ thấp nhất trong số các nước ASEAN, sau đó là Myanmar với 32%. Ngoài ra, tỷ lệ ở khu vực nông thôn dưới 50% là Philippines và Lào. Việc thiếu điện có tác động tiêu cực đến sự phát triển con người, tác động đến y tế và giáo dục, đồng thời cũng hạn chế hoạt động kinh tế và có thể gia tăng các vấn đề môi trường. trên thực tế, Campuchia đã ghi nhận sự thành công đáng kể trong thúc đẩy Hệ thống nhà mặt trời, mặc dù chi phí của hệ thống này tương đối đắt so với các hệ thống tương tự ở các nước khác trên thế giới. Để hiểu tại sao các hộ gia đình nông thôn chấp nhận hệ thông này với giá đắt, Viện Nghiên cứu kinh tế về ASEAN và Đông Á (ERIA) đã thực hiện phân tích về Chi phí điện quy dẫn (LCOE) của SHS và so sánh với chi phí của giá điện hiện nay ở nông thôn Campuchia. Nghiên cứu cho thấy, chi phí điện hiện nay ở Campuchia rất cao, từ 0,15USD/kWh ở Phnom Penh đến 1USD/kWh ở khu vực nông thôn. Điều này có thể giải thích mức độ sử dụng SHS cao, mặc dù chi phí ban đầu cho hệ thống này cao. Nghiên cứu cũng cho thấy LCOE của SHS mà không có bất kỳ trợ cấp nào của chính phủ thì rẻ hơn 50% so với giá điện hiện nay ở nông thôn tính vào người cung cấp điện sử dụng động cơ diesel. Với trợ cấp chính phủ là 100USD/đơn vị SHS, LCOE của SHS giảm còn khoảng 1/3 giá điện hiện nay ở nông thôn.
Chi phí ban đầu của lắp đặt SHS khá cao là một rào cản chính, vì vậy, quan trọng là phải xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp cho các hộ gia đình, như tính phí hàng ngày hơn là đòi hỏi các hộ gia đình trả toàn bộ chi phí lắp đặt hệ thống ngay từ đầu. Đồng thời, cần lưu ý đến tính hiệu quả thông qua chuỗi giá trị SHS, từ mua sắm đến lắp đặt, đảm bảo chi phí chuyển giao và hệ thống được tối thiểu hóa. Ngoài ra, lưới điện nhỏ bằng năng lượng mặt trời phù hợp với hiệu quả kinh tế theo quy mô, vì vậy làm giảm chi phí hệ thống. Các cơ quan quản lý có thể xem xét các biện pháp để thu hút đầu tư vào các lưới điện này như một phương án thay thế.
Tuy các hệ thống này có tiềm năng tốt trong tăng tỷ lệ sử dụng điện, nhất là ở khu vực nông thôn xa xôi, song việc mở rộng SHS và các lưới điện mặt trời nhỏ đòi hỏi các nhà kỹ thuật và doanh nghiệp nhỏ trong nước có kỹ năng và năng lực đáp ứng phù hợp. Vì vậy, để đảm bảo thành công của chương trình sử dụng các hệ thống này, các hoạt động xây dựng năng lực là rất cần thiết.
Theo Báo Công Thương