Bến Tre xây dựng đề án phát triển dừa

Sau khi cây dừa được công nhận là loại cây công nghiệp quốc gia, tỉnh Bến Tre sẽ xây dựng đề án phát triển loạ...

Sau khi cây dừa được công nhận là loại cây công nghiệp quốc gia, tỉnh Bến Tre sẽ xây dựng đề án phát triển loại cây này.

Bến Tre tổ chức thực hiện đề án phát triển loại cây mang thương hiệu của địa phương. Ảnh: Thành Nhân

 

Theo ông Mai Văn Bình (ngụ ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), vùng đất ở Bến Tre rất thích hợp trồng cây dừa, loại cây này rất được người dân ưa chuộng. Sau Tết Giáp Thìn 2024, giá dừa cũng cao đã làm cho người trồng loại cây này phấn khởi.

Ông Nguyễn Thanh Dũng - một tiểu thương chuyên thu mua, bán dừa trên địa bàn tỉnh Bến Tre - cho hay, hiện nay giá dừa xiêm xanh loại 1 thu mua tại vườn khoảng 50.000 đồng/chục, dừa xiêm xanh bình thường có giá khoảng 35.000 đồng/chục, dừa khô có giá 85.000 đồng/chục.

“Giá dừa khô sau Tết tăng hơn 10.000 đồng/chục, thương lái sẽ đến tận vườn của nông dân để thu mua” - ông Dũng chia sẻ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam chia sẻ, trước đây cây dừa không được công nhận là cây công nghiệp, hiện nay, Bộ NNPTNT đang có đề án để phát triển các loại cây công nghiệp, trong đó có cây dừa Bến Tre và các tỉnh khác.

Theo ông Tam, căn cứ đề án trên, Bến Tre sẽ xây dựng đề án phát triển cây dừa Bến Tre theo hướng cây công nghiệp. Hiện nay, Tỉnh uỷ Bến Tre đã ban hành Nghị quyết 07 phát triển vùng sản xuất tập trung, trong đó có các chuỗi về cây ăn trái đặc sản của địa phương.

“Cây dừa ở Bến Tre phát triển khá thành công, hiện nay đã xuất khẩu dừa tươi và các mặt hàng chế biến loại sản phẩm từ loại cây này. Khi được công nhận là cây công nghiệp quốc gia, tỉnh Bến Tre sẽ xây dựng đề án để tổ chức phát triển loại cây này” - ông Tam thông tin.

Trước đó, ngày 26.1, Bộ NNPTNT đã ban hành Quyết định số 431 về việc phê duyệt đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 (gồm các cây: cà phê, caosu, chè, điều, hồ tiêu, dừa). Theo đề án này, định hướng đến năm 2030 diện tích sản xuất dừa khoảng 195-210.000ha; vùng trồng dừa trọng điểm ĐBSCL khoảng 170-175.000ha, vùng duyên hải Nam Trung Bộ diện tích 16-20.000ha, còn lại 9-15.000ha được trồng tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ... Ngoài ra, chuyển giao các giống dừa mới vào sản xuất như dừa xiêm xanh bầu, dừa Mã Lai, dừa dứa...

Đến năm 2030, trên 30% diện tích dừa được sản xuất theo quy trình GAP và tương đương. Diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng đạt khoảng 30%.

Bên cạnh đó, kết hợp xây dựng không gian phát triển vườn dừa với du lịch sinh thái miệt vườn, ẩm thực...

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bến Tre, diện tích trồng cây dừa trên địa bàn tỉnh này hiện nay khoảng 79.075ha, tăng 1,35% so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch trong tháng 1 khoảng 57,98 triệu trái, tăng 3,82% so cùng kỳ.

 

Theo Lao động