(Nhandan) - Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận thêm 45 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc...
(Nhandan) - Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận thêm 45 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Các di sản văn hóa phi vật thể được công nhận thuộc các loại hình: Tiếng nói-chữ viết, Nghệ thuật trình diễn dân gian, Tập quán xã hội và tín ngưỡng, Nghề thủ công truyền thống, Lễ hội truyền thống, Tri thức dân gian.
Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Cà Tu (Quảng Nam) được công nhận di sản văn hóa phi vật thể năm 2014.
Trong đó, hầu hết các di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đó là: Chữ Nôm Lượn Slương, nghi lễ Then; Lễ hội Lồng tồng Ba Bể, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể (Bắc Cạn); Nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày; Lễ hội năm mới của người Giáy; Tri thức canh tác hốc đá của cư dân cao nguyên đá Hà Giang; Tết Khu Cù Tê của người La Chí (Hà Giang); Kéo co của người Tày, người Giáy; Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì đen, huyện Bát Xát; Nghệ thuật the (múa) của người Tày ở Tà Chải; Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Xá Phó; Tết Sử giề pà của người Bố Y, huyện Mường Khương (Lào Cai); Nghề dệt thổ cẩm, Múa Tân "tung Da" dá của người Cà Tu; Nghi lễ dựng Cây Nêu và bộ Gu của người Co (Quảng Nam); Nghệ thuật sân khấu Dù Kê của người Khmer (Sóc Trăng); Nghi lễ cấp sắc của người Dao; Múa Tắc Xình của người Sán Chay (Thái Nguyên); Lễ hội Ok Om Bok của người Khmer (Trà Vinh); Khan (Sử thi) của người Ê Đê (Đác Lắc); Ot Ndrong (Sử thi) của người MNông, huyện Tuy Đức, huyện Đác Song, huyện Đác Min (Đác Nông); Hơmon (sử thi) của người Ba Na huyện Đác Đoa, huyện Đác Pơ, huyện Kbang, huyện Kông Chro (Gia Lai); Hơmon (sử thi) của người Ba Na - Rơ Ngao (Kon Tum); Múa trống Chhay - dăm, xã Trường Tây, huyện Hòa Thành (Tây Ninh).