Ngày 19/3, UBND Kon Tum tổ chức hội nghị đánh giá 10 năm bảo vệ di sản “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Ngu...
Ngày 19/3, tại TP. Kon Tum, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum tổ chức hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên".

Một tiết mục biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: VGP/Hương Phong
Theo báo cáo của Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL), " Di sản văn hóa Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" là một trong những vốn di sản văn hoá truyền thống vô cùng độc đáo và quý giá của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Từ năm 2005, "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" được UNESCO công nhận là "Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại" và từ năm 2009 chuyển thành "Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại". Việc bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị di sản đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và cộng đồng đặc biệt quan tâm.
Đến nay, có thể nhận thấy di sản đã đóng góp tích cực vào đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn, góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc, tính đa dạng văn hóa của vùng miền, quốc gia và quốc tế.
Các tỉnh có di sản văn hóa phi vật thể này đều có đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Nhiều chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương được ban hành, triển khai hiệu quả.
Một trong những minh chứng rõ nhất là cộng đồng các dân tộc bản địa có di sản vẫn thường xuyên thực hành di sản của mình trong các lễ hội, nghi lễ, sự kiện văn hóa nghệ thuật của địa phương cũng như của khu vực. Nhiều không gian văn hóa, nghi lễ, tín ngưỡng được phục hồi, nhiều liên hoan, ngày hội văn hóa được tổ chức.
Các đề án, dự án đã được các cấp, các ngành triển khai bài bản, khoa học với sự tham gia của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia ở địa phương, Trung ương và quốc tế, đem lại những tác động, lợi ích tích cực cho cộng đồng chủ thể của di sản.
Một trong những dự án được đánh giá cao là dự án "Bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Nông" do UNESCO tài trợ. Tại đây, việc triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản đã giúp cho việc nâng cao nhận thức của cộng đồng thực hành di sản, các cấp chính quyền. Cộng đồng đã nhận thấy sự cần thiết của việc giữ gìn, lưu giữ những bộ cồng chiêng, nghi lễ, tín ngưỡng, lễ hội do cha ông để lại.
Trong năm 2015, đã có 52 người thực hành cồng chiêng tại 5 tỉnh Tây Nguyên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú".
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 109/2015/NĐ-CP về việc hỗ trợ đối với Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.
Trong 10 năm qua, các địa phương có di sản cồng chiêng đã tạo dựng được một đội ngũ nghệ nhân trẻ kế cận để đảm nhận sự trao truyền kinh nghiệm của thế hệ đi trước và cơ bản đã hạn chế được nạn "chảy máu cồng chiêng".
Tuy nhiên, việc bảo tồn di sản hiện nay gặp không ít khó khăn, thách thức.
Chẳng hạn việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từ trồng cây lúa rẫy sang cây công nghiệp (cà phê, cao su, ca cao…), đã dẫn đến sự suy giảm những sinh hoạt cồng chiêng gắn với hoạt động sản xuất truyền thống. Không gian buôn làng, khu nhà mồ, bến nước... là không gian văn hóa cồng chiêng, đã bị thu hẹp hoặc thay thế bằng nhà xây kiên cố, giếng khoan. Đời sống và sinh hoạt hiện đại làm thay đổi nhận thức về tính thiêng và tính cộng đồng của văn hoá cồng chiêng.
Nhiều hộ gia đình đã bán đi những bộ chiêng, ché, kpan quý. Kinh tế xã hội phát triển nên xuất hiện nhiều loại hình giải trí mới thu hút giới giới trẻ, do đó, việc hướng họ theo học cồng chiêng và các loại hình văn hóa dân tộc trở nên khó khăn. Lớp trẻ chưa thật sự yêu thích, quan tâm đến cồng chiêng trong khi nhiều nghệ nhân giỏi (từ nghệ nhân chỉnh sửa chiêng đến nghệ nhân trình diễn, múa xoang) do tuổi tác cao, lần lượt qua đời.
Một bộ phận đồng bào Bahnar, Gia-rai (tỉnh Gia Lai), Mnông (tỉnh Đắk Nông) từ bỏ tín ngưỡng truyền thống trong đó có thực hành đánh cồng chiêng và các sinh hoạt gắn với văn hóa cồng chiêng.
Từ thực tế này, tại hội nghị, các tỉnh Tây Nguyên đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách đãi ngộ, tôn vinh theo quy định tại Nghị định số 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân", "Nghệ nhân Ưu tú" và Nghị định 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc hỗ trợ "Nghệ nhân Nhân dân", "Nghệ nhân Ưu tú" có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, cần tăng cường xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng, đồng thời tiếp tục hỗ trợ, nhân rộng mô hình chung tay hỗ trợ nghệ nhân cồng chiêng, sử thi đã và đang được triển khai ở Gia Lai và một số tỉnh lân cận.
Việt Nam Tourism