(Nhân dân) - Những thông tin thất thiệt về sản phẩm chè ô-long (Lâm Ðồng) nhiễm đi-ô-xin do báo chí Ðài Loan...
(Nhân dân) - Những thông tin thất thiệt về sản phẩm chè ô-long (Lâm Ðồng) nhiễm đi-ô-xin do báo chí Ðài Loan (Trung Quốc) đưa tin rốt cục cũng dần được làm sáng tỏ. Khoảng 70 công-ten-nơ (200 tấn chè ô-long), trị giá khoảng 140 tỷ đồng bị "ách" tại các cảng của Ðài Loan từ tháng 9-2014 đã được thông quan trở lại. Tuy nhiên, muốn hay không nó cũng gây ra những dư chấn nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và uy tín ngành chè trong nước. Ðặc biệt, sau sự việc đó, lượng chè xuất khẩu của Lâm Ðồng vào thị trường này đã giảm 50%.
Nông sản xuất khẩu "dính" tin đồn ác ý không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý, nếu trước đây những thông tin trái cây này, hoa quả kia có thể chỉ là những tin đồn dạng "truyền miệng" thì một loạt các thương hiệu nông sản lớn của Việt Nam gần đây được cho là "nạn nhân" của những hành động có toan tính và chủ đích của những đối thủ cạnh tranh trong nước (và quốc tế) nhằm hạ thấp uy tín thương hiệu nông sản Việt Nam nói chung.
Ðể phòng vệ và bảo vệ thương hiệu trước những thông tin thất thiệt, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý. Ví như, tỉnh Lâm Ðồng vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có phản hồi về mặt khoa học trong việc kiểm nghiệm dư chất đi-ô-xin trong các nông sản xuất khẩu của Việt Nam đến các cơ quan chức trách, các cơ quan truyền thông Ðài Loan; đồng thời khẳng định, sản phẩm chè Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hay như, cà-phê Trung Nguyên trước đây đã thông qua truyền thông, báo chí khẳng định sản phẩm của họ đã được kiểm định và chứng nhận an toàn về chất lượng bởi các cơ quan chức năng có thẩm quyền tại Việt Nam cũng như vượt qua những tiêu chuẩn kiểm định ngặt nghèo nhất của những thị trường quốc tế khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Doanh nghiệp Việt Nam vốn đã thua thiệt, yếu kém hơn nhiều nước khác, muốn cạnh tranh được phải nỗ lực gấp nhiều lần những thương hiệu tới từ các quốc gia phát triển, đồng thời cần cảnh giác và xử lý kịp thời trước những xảo thuật kinh doanh.