Chuyên gia kiến nghị loạt giải pháp để đạt mục tiêu 260 sinh viên/vạn dân

GDVN -Theo các chuyên gia, mục tiêu tỉ lệ sinh viên đại học 260/vạn dân vào năm 2030 được đặt ra là hợp lý và ...

GDVN - Theo các chuyên gia, mục tiêu tỉ lệ sinh viên đại học 260/vạn dân vào năm 2030 được đặt ra là hợp lý và hoàn toàn có thể thực hiện được.

Theo nhiều chuyên gia, tỷ lệ nhập học đại học của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực và quốc tế. Muốn thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, phải tăng tỷ lệ nhập học đại học.

Tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội ngày 09 tháng 01 năm 2023 cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân.

Hiện nay tỷ lệ nhập học đại học của Việt Nam còn thấp

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, việc đặt mục tiêu tỷ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân vào năm 2030 là phù hợp.


Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: PM

 


Theo phân loại được thừa nhận hiện nay, tỷ lệ nhập học đại học - đạt dưới 15 % thì nền giáo dục của quốc gia đó được xem đang ở giai đoạn tinh hoa – chủ yếu đào tạo các học giả và một số chuyên gia.

Còn khi tỷ lệ này nằm trong khoảng 15-50% thì giáo dục đại học chuyển qua giai đoạn đại chúng; vượt quá 50 % là giai đoạn phổ cập, tức là đào tạo không chỉ có các học giả mà còn có cả một đội ngũ rất hùng hậu gồm các chuyên gia, chuyên gia công nghệ, kỹ thuật viên và công nhân kỹ thuật cao.

Giáo dục đại học tinh hoa chỉ thích hợp với nền kinh tế nông nghiệp, giáo dục đại học đại chúng mới đáp ứng được nền kinh tế công nghiệp, và giáo dục đại học phổ cập là đòi hỏi tất yếu nếu muốn bước vào nền kinh tế tri thức.

Muốn phát triển kinh tế, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì Việt Nam cần phải chú trọng tăng tỷ lệ nhập học đại học.

Quy mô giáo dục đại học phải tiếp tục được mở rộng, nhưng kèm theo đó, lộ trình từng bước cần đảm bảo phù hợp với thực tiễn của đất nước.

Các cơ sở giáo dục đại học nên căn cứ vào dữ liệu điều tra nhu cầu việc làm của các lĩnh vực để quyết định quy mô tuyển sinh, cơ cấu ngành nghề cho phù hợp.

Cùng với đó phải thực hiện hiệu quả việc kết nối chặt chẽ hơn giữa chương trình trung học phổ thông với công tác hướng nghiệp, tuyển sinh cho các em học sinh, sinh viên lựa chọn bậc học phù hợp với bản thân và phục vụ nhu cầu nhân lực của xã hội.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Hiệp - Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô cho hay, trước đây, thời điểm năm 2005, Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP, Chính phủ đã đề ra mục tiêu “đạt tỷ lệ 450 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2020”.

Song, vì nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nhiệm vụ mở rộng quy mô giáo dục chúng ta chưa đạt được.

Năm 2023, Quốc hội đã đưa ra một con số khiêm tốn hơn: tỉ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân vào năm 2030. Trong bối cảnh hiện nay, đất nước dần có đầy đủ cơ sở và tiềm năng đạt được mục tiêu đó.


Tiến sĩ Phạm Hiệp - Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô. Ảnh: Ngọc Ánh

 


Tiến sĩ Phạm Hiệp cũng cho biết, tỷ lệ nhập học đại học của Việt Nam còn thấp. Theo báo cáo tháng 8/2022 của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ nhập học đại học, cao đẳng này của học sinh Việt Nam năm 2019 là 28,6%, thuộc nhóm thấp trong khối Đông Nam Á (ASEAN), và chỉ bằng một nửa so với bình quân 55,1% của các quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân cho biết, mục tiêu mở rộng quy mô giáo dục đại học sẽ góp phần phát triển nền kinh tế - xã hội nước ta trong xu thế hiện nay.

Nhất là với bối cảnh thời đại mới, nền cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực lao động tiếp thu tri thức mới, có trình độ nhất định, nhằm đáp ứng được những yêu cầu vận hành của công nghệ cao. Từ đó, trình độ dân trí của cả nước nói chung cũng được phát triển ở mức cao hơn.

Trong những năm gần đây, đất nước ta bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển bứt phá hơn, nhu cầu sử dụng lao động trình độ cao cũng bắt đầu tăng lên. Điều này tạo định hướng các trường đại học mở rộng quy mô đào tạo.

Theo quan điểm của Tiến sĩ Võ Thanh Hải, đến khoảng năm 2030, nước ta hoàn toàn có khả năng đạt được mục tiêu 260 sinh viên trên 1 vạn dân, thậm chí tỷ lệ có thể cao hơn ở một số thành phố lớn.

Cân bằng giữa hệ thống giáo dục đại học công lập và tư thục

Nhìn vào bài toán vĩ mô, Tiến sĩ Võ Thanh Hải thông tin: Kể từ năm 1994, thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNTW, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập 5 trường đại học ngoài công lập đầu tiên của Việt Nam. Từ đó nước ta bắt đầu thực hiện chủ trương xã hội hoá theo đường lối của Đảng và Nhà nước để hệ thống trường tư thục được xây dựng và phát triển.

Hiện nay, xét về mặt tỉ trọng, sinh viên theo học ở các trường ngoài công lập chỉ mới đạt khoảng 17 - 20% so với tổng quy mô đào tạo cả nước. Để hướng tới mục tiêu mở rộng quy mô giáo dục đại học hiệu quả hơn, chúng ta cần giải bài toán huy động nguồn lực của xã hội và tăng quy mô giáo dục đại học ngoài công lập.

Mặt khác, chúng ta không nên phân biệt vấn đề giáo dục giữa công lập và tư thục, từng trường có những thế mạnh khác nhau trong mỗi ngành nghề và lĩnh vực đào tạo. Nhà nước nên tiếp cận và đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực của mỗi cơ sở giáo dục nhằm phát huy được chuẩn chất lượng mỗi ngành nghề.

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Phạm Hiệp cũng nhận định: Việt Nam đang có chính sách thu gọn lại và siết chặt hơn hệ thống trường công lập và mong chờ vào trường tư thục để giải quyết bài toán ngân sách.

Song song với mục tiêu mở rộng quy mô giáo dục đại học thì chất lượng đào tạo tối thiểu cũng cần đạt chuẩn. Để đạt được điều này, chúng ta cần những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho hệ thống trường tư thục khi tham gia vào nền giáo dục quốc dân.

Tuy nhiên, hiện nay, thực hiện xã hội hoá giáo dục còn gặp nhiều rào cản vì định kiến “siêu lợi nhuận”. Nhiều cơ sở đào tạo tư thục muốn mở ngành thì phải qua kiểm duyệt với nhiều điều kiện quy định rất khắt khe.

Tiến sĩ Phạm Hiệp nhấn mạnh, quy định về mở ngành, thành lập trường với hệ thống tư thục nên linh hoạt, và cần có các chính sách hợp lý (như yêu cầu về điều kiện diện tích mặt sàn, vốn đầu tư ban đầu,...) để tạo điều kiện cho các trường được xây dựng và phát triển.

Chiến lược phát triển của các trường đại học tư thục cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Nhà nước không chỉ qua nguồn đầu tư, mà còn bằng cơ chế pháp lý.

Bàn luận thêm về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhận định: Hệ thống của cả trường công lập và tư thục đều giúp góp phần tăng quy mô giáo dục đại học, tuy nhiên cần đi kèm theo đó là bảo đảm chất lượng đào tạo, đi đúng định hướng nhằm phát huy nâng cao uy tín, không đặt hoạt động vì lợi nhuận lên hàng đầu. Nếu không, trên thực tế, trường hợp có thể phải trả giá về chất lượng.

Song, xã hội không nên phân biệt giữa “công hay tư”, bởi tùy năng lực của từng trường, nếu phát triển đúng hướng thì hệ thống tư nhân cũng có thể đạt được chất lượng giáo dục cao. Điển hình như tại đất nước Hoa Kỳ, các cơ sở đại học có danh tiếng và uy tín nhất thuộc về hệ thống tư thục.

Cần cơ cấu đào tạo nhân lực hợp lý giữa các ngành học

Theo Tiến sĩ Võ Thanh Hải, xét về chiều rộng là mục tiêu mở rộng quy mô giáo dục đại học; nhưng xét về chiều sâu là cân nhắc quy hoạch nhu cầu lĩnh vực đào tạo giữa các ngành học.

Giáo dục đại học cần có định hướng hướng nghiệp cho các em học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông để phân luồng hiệu quả.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Đại học Duy Tân. Ảnh: Website nhà trường

 


Cụ thể, hiện nay, đất nước định vị lại nhằm đẩy mạnh nền nông nghiệp công nghệ cao, hay phát triển du lịch,... đặc biệt ở khu vực dải miền Trung, vùng Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ,... Từ đó, những nhà quản lý giáo dục cần dự báo về nguồn nhân lực của từng lĩnh vực để đào tạo đúng trọng tâm và không dẫn đến thừa thiếu cục bộ.

Bên cạnh đó, nhu cầu học tập của sinh viên về một số ngành thuộc khoa học cơ bản và các ngành về kỹ thuật hiện nay đang có số liệu giảm sút trong ba năm trở lại đây.

Điều này có thể ảnh hưởng đến tương lai công tác sản xuất công nghiệp của nước nhà; dẫn đến đào tạo thừa lực lượng ở những mảng dịch vụ, kinh tế, xã hội; nhưng lại thiếu nhân lực về mảng khoa học cơ bản, nông-lâm-ngư nghiệp,...

Còn Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, thị trường có khả năng tự vận động, điều tiết cơ cấu các ngành học theo quy luật. Đồng thời, cần kết hợp các giải pháp cân đối của Nhà nước; chúng ta trông chờ vào công tác quản lý về chỉ tiêu tuyển sinh những ngành học như kinh tế, tài chính, truyền thông, công nghệ thông tin,... trong hệ thống trường công lập.

Ngoài ra, những ngành khoa học cơ bản khan hiếm người học mà các trường tư nhân không có nhu cầu đầu tư, thì Nhà nước cần vào cuộc, cần chú trọng quan tâm, mở ra các chương trình đãi ngộ học phí, khuyến khích sinh viên và phụ huynh tham gia khi nhận thấy có tín hiệu đầu tư của Nhà nước. Điều đó cũng giúp cho các ngành học đặc thù này ở một số trường công lập được tồn tại và duy trì.

Theo quan điểm của Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, để tăng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục đại học, nhà nước cần phải tăng đầu tư cho giáo dục đại học. Chúng ta khẳng định “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhưng ngân sách chi cho giáo dục đại học chỉ chiếm 0,27% GDP (theo số liệu Bộ Tài chính cung cấp năm 2020).

Cùng với đó, cơ cấu đào tạo nhân lực cũng phải tính toán hợp lý, mới có thể tạo ra năng suất lao động cao trong nền kinh tế thị trường nhiều thành phần. Song hành với việc phát triển nền dân trí mạnh mẽ, xã hội cũng cần nhu cầu đào tạo lực lượng lao động có kỹ thuật, trình độ, tay nghề tốt xuất phát từ tình hình thực tiễn.

 

Khi mở rộng quy mô giáo dục đại học, bài toán chất lượng càng phải được quan tâm. Theo quan điểm Tiến sĩ Phạm Hiệp, hiện nay, quy định đảm bảo chất lượng đào tạo giáo dục đại học đã và đang tạo ra được sự thay đổi thực chất trong cách thức vận hành đối với các cơ sở giáo dục đại học.

Tuy một số điểm còn tồn tại hạn chế về vấn đề hình thức, giấy tờ, kiểm định chưa hoàn toàn độc lập,... nhưng định hướng giáo dục đại học của nước ta đã dần đạt chuẩn chất lượng hội nhập quốc tế. Về quy chế báo cáo ba công khai của các cơ sở đào tạo, hiện nay, nhiều trường cũng thực hiện nghiêm túc hơn theo khung pháp lý.

Song, nếu tất cả thông tin báo cáo ba công khai này của các trường được tập trung trên một hệ thống quản lý chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo; người học có thể theo dõi thuận lợi hơn khi so sánh được các thông tin giữa các cơ sở giáo dục với nhau; đồng thời chất lượng đào tạo thậm chí sẽ vượt trội.

Đưa ra giải pháp về thực hiện mở rộng mục tiêu quy mô giáo dục đại học, Tiến sĩ Võ Thanh Hải chia sẻ: Về phía các cơ sở đào tạo, nhà trường cần nâng cao chất lượng giảng dạy, trình độ đội ngũ, đầu tư cơ sở vật chất hội nhập với công nghệ thế giới, cung ứng nhu cầu việc làm tương đương với thực tiễn xã hội.

Về đổi mới công tác tuyển sinh, các trường nên siết chặt quá trình tổ chức đào tạo và kiểm định chất lượng đầu ra để sinh viên tốt nghiệp ra trường đảm bảo đủ năng lực làm việc và tự tạo việc làm. Nếu siết đầu vào mà thả lỏng đầu ra, thì quá trình học tập, rèn luyện có thể lơ là, không phù hợp với xu hướng giáo dục thế giới.

Về vấn đề nhu cầu việc làm, phía các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp nên kết nối tuyển dụng với các trường. Khi có sự phối hợp của cả Nhà nước, doanh nghiệp và nhà trường thì phụ huynh và sinh viên sẽ nhận thấy cơ hội tiếp cận vị trí việc làm rộng mở, công khai, minh bạch hơn. Từ đó, nhu cầu đào tạo ở các bậc học cao hơn cũng sẽ ngày ngày phát triển.

Về phía các cơ quan quản lý, Nhà nước nên đẩy mạnh thêm các chính sách đặc thù hỗ trợ những ngành nghề khan hiếm lao động ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế của quốc gia.

Đồng thời, nền kinh tế phát triển sẽ góp phần quan trọng trong việc mở rộng các chính sách hỗ trợ sinh viên khó khăn vay vốn để học tập. Từ đó, nhu cầu giáo dục đại học được tăng lên, cơ hội học tập trên giảng đường được rộng mở.

 

Theo Giáo dục Việt Nam