Cơ giới hóa nông nghiệp phải phát huy được nguồn nội lực

Tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Mới đây, tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Nhiều bước tiến

Theo Bộ NN-PTNT, đến nay trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt 1,6 mã lực (HP)/ha canh tác, đối với lúa đạt 2,2 HP/ha canh tác, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2008.

Số lượng máy động lực, máy nông nghiệp sử dụng trong nông nghiệp có mức tăng nhanh, cụ thể so với năm 2006 số lượng máy kéo tăng 1,6 lần, máy gặt lúa tăng 25,6 lần (tập trung chủ yếu vùng ĐBSCL chiếm 75% số lượng máy gặt trên cả nước), máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 5,8 lần; bơm nước tăng 1,2 lần; một số loại máy giảm về số lượng như máy tuốt lúa giảm 50% do sử dụng máy gặt đập liên hợp tăng, máy sấy giảm 8% về số lượng nhưng năng lực sấy tăng 20% (máy sấy năng suất nhỏ 1 - 4 tấn/mẻ dần thay máy sấy có năng suất lớn 10 - 30 tấn/mẻ).

Trong lĩnh vực trồng trọt, cơ giới hóa trong khâu làm đất trên lúa đạt 92% (tăng gần gấp đôi so với năm 2000), cao nhất vùng ĐBSCL đạt 98%, thấp nhất trung du miền núi phía Bắc đạt 45%. Với mía đạt 80% ở những vùng sản xuất tập trung, địa hình bằng phẳng như Thanh Hóa, Gia Lai, Tây Ninh, Đồng Nai…

Ngô đạt 70%, sắn đạt 80%. Khâu gieo trồng đối với lúa gieo bằng công cụ sạ hàng và cấy đạt 30%. Mía trồng bằng máy đạt khoảng 30% tập trung ở một số công ty mía đường như Quảng Ngãi, Tây Ninh, Đồng Nai, Phú Yên, còn các hộ dân trồng thủ công. Khâu chăm sóc (vun xới, phun thuốc bảo vệ thực vật): Phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa đạt khoảng 60%; xới cỏ, phun thuốc bảo vệ thực vật cho chè, mía đạt khoảng 70%

Đại biểu tham quan các loại máy móc cơ giới hóa nông nghiệp của công ty Kubota

Khâu thu hoạch tăng từ 5% năm 2000 lên 42% năm 2014 đối với lúa, cao nhất vùng ĐBSCL đạt 76%, phía Bắc bình quân đạt 20%. Các loại cây trồng khác: Mía chủ yếu thu hoạch thủ công. Hiện nay, một số công ty như Mía đường Biên Hòa, Bourbon Tây Ninh đã đầu tư máy thu hoạch hiện đại John Deere (Mỹ) năng suất 1,5 ha/giờ. Chè: Sử dụng máy đốn, hái chè đạt 20%, tập trung ở Nghệ An, Lâm Đồng, Yên Bái, Thái Nguyên. Cà phê: Đã ứng dụng một số loại máy thu hoạch bằng tay có năng suất 1,2 - 2 tấn/ngày (hiện có khoảng 400 máy), thu hoạch chủ yếu bằng thủ công. Ngô, sắn: Chủ yếu thu hoạch bằng thủ công.

Cần thêm cơ chế hỗ trợ

Đại biểu Bùi Văn Ngọ - Cty TNHH Cơ khí nông nghiệp Bùi Văn Ngọ (Đức Hòa, Long An) cho rằng nông dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay mua máy móc, thiết bị, cần có những tổ chức, đơn vị đứng ra bảo lãnh.

PGS.TS Nguyễn Huy Bích, Trưởng Khoa Cơ khí - Công nghệ, trường ĐH Nông Lâm TP.HCM nhấn mạnh: Việc đẩy mạnh cơ khí, cơ giới hóa trong nông nghiệp không thể nào cứ đem nhập máy móc từ nước ngoài đưa về sử dụng. Bài toán được đặt ra là phải phát huy được nguồn nội lực trong nước, chú trọng khâu đào tạo bậc đại học và sau đại học.

Theo ông Bích, cả nước hiện nay chỉ còn 2 cơ sở đào tạo ngành Cơ khí Nông nghiệp. Công tác đào tạo cầm chừng, rất ít sinh viên theo học. Do đó, muốn đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp thì phải có những chính sách hỗ trợ trong việc đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nghề cơ khí, vận hành máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân, nhất là hình thức tập huấn ngắn hạn, tại chỗ thông qua công tác khuyến công, hội thao trình diễn

Ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch bắp ở HTX Xuân Tiến (Xuân Lộc, Đồng Nai)

Cần hỗ trợ trực tiếp cho người học về sử dụng máy móc, thiết bị trong nông nghiệp như học nghề (cấp thẻ học nghề). Đối với con em hộ nghèo, hộ chính sách, dân tộc thiểu số được trợ cấp thêm học bổng và hỗ trợ các điều kiện khác để theo học.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng: Mặc dầu nhiều khâu có tỷ lệ cơ giới hóa cao, song trang thiết bị còn lạc hậu, thể hiện hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ, chỉ thích hợp với quy mô hộ và đất manh mún; cơ giới hóa mới chỉ tập trung chủ yếu trên cây lúa. Mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của nước ta thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và châu Á, hiện mới đạt bình quân 1,6HP/ha canh tác, trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan đạt 4HP/ha, Trung Quốc 8HP/ha, Hàn Quốc 10HP/ha.

Riêng Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp vẫn còn chưa sát thực tế, nhất là khâu cho vay vốn, xác định danh mục hỗ trợ.

Theo Nông Nghiệp