Cổ phiếu điện tăng trưởng ổn định

(SGĐT) - Nhóm CP điện dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định nhờ cơ hội từ thị trường phát điện cạnh tranh và ...
(SGĐT) - Nhóm CP điện dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định nhờ cơ hội từ thị trường phát điện cạnh tranh và yếu tố về tỷ giá. Chính vì vậy, nhóm CP điện tiếp tục là sự lựa chọn an toàn của các NĐT không muốn mạo hiểm.
 
Hoàn thành lợi nhuận 2014
 
Theo thống kê của CTCK Maybank KimEng (MBKE), kết thúc năm 2014, ước tính lợi nhuận của nhóm CP ngành điện nhìn chung tăng trưởng tốt. Trong 2 quý đầu năm 2014, lợi nhuận của các công ty nhiệt điện gồm: CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) và CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) giảm, do phải ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá so với lãi chênh lệch tỷ giá khá lớn cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận của đa số công ty thủy điện đều tăng khá tốt nhờ đạt sản lượng cao hơn cùng kỳ.
 
Tuy nhiên, cuối năm, nhóm nhiệt điện có chuyển biến tích cực hơn, đơn cử là trường hợp của PPC. Doanh nghiệp này đàm phán xong giá bán điện với EVN với phần giá cố định giảm do mức khấu hao bình quân hàng năm thấp hơn trước, trong khi phần giá biến đổi được xác định theo các chi phí biến đổi, trong đó chủ yếu là giá than.
 
PPC cũng mới công bố việc kéo dài thời gian khấu hao của Nhà máy Phả Lại 2 (áp dụng từ 1-1-2014). Theo đó, lợi nhuận hoạt động sản xuất kinh doanh từ 2014 sẽ ổn định hơn. Đặc biệt, diễn biến tỷ giá đồng JPY (yen Nhật) trong 6 tháng cuối năm cũng thuận lợi đối với PPC. Với tỷ giá JPY/VNĐ là 175,9 đồng vào ngày 31-12-2014, ước tính PPC sẽ ghi nhận 428 tỷ đồng lãi từ chênh lệch tỷ giá trong quý IV-2014. Như vậy, lãi chênh lệch tỷ giá cả năm 2014 đạt 586 tỷ đồng. Đối với BTP, sản lượng trong 6 tháng cuối năm ước tính tiếp tục tăng trưởng cao khoảng hơn 50% so với cùng kỳ.
 
Ngoài ra, tỷ giá KRW (won Hàn Quốc) so với VNĐ tiếp tục giảm 3,7% trong quý IV-2014 sau khi đã giảm 4,3% trong quý III-2014. Với tỷ giá KRW/VNĐ là 17,64 đồng vào ngày 31-12-2014, ước tính BTP sẽ ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá 22,6 tỷ đồng trong quý IV-2014 và 17,2 tỷ đồng trong cả năm 2014.
 
 Đối với nhóm thủy điện, diễn biến thủy văn trong 6 tháng cuối năm không thuận lợi đã ảnh hưởng đến sản lượng của nhiều doanh nghiệp. Chính vì vậy, sản lượng cả năm của một số doanh nghiệp ước tính giảm đôi chút so với năm 2013.
 
Tuy vậy, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp thủy điện vẫn tăng trưởng tốt nhờ ký được hợp đồng mới với giá bán cao hơn; khả năng được ghi nhận hồi tố phần chênh lệch giá bán của các năm trước và lợi thế giúp tạo thêm doanh thu khi tham gia thị trường điện cạnh tranh.
 
Theo ước tính của MBKE, CTCP Thủy điện Miền Trung (CHP) và CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) có thể ghi nhận lợi nhuận quý IV-2014 và cả năm 2014 tăng trưởng cao. Trong khi đó, CTCP Thủy điện Sông Ba (SBA) ước tính lợi nhuận tương đương năm trước.
 
Đối với CTCP Thủy điện Miền Nam (SHP), tăng trưởng lợi nhuận ước tính đạt 102,7% nhờ tổng công suất tăng sau khi đưa Nhà máy Dambri với công suất 75MW vào hoạt động. CTCP Thủy điện Cần Đơn (SJD) được dự báo sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận khoảng 29% nhờ sản lượng tăng và khả năng hợp nhất kết quả kinh doanh của Nhà máy Nà Lơi.
 
Thuận lợi từ thị trường điện cạnh tranh 2015
 
Những tháng cuối năm 2014, tình hình thủy văn trên cả nước tiếp tục diễn biến không thuận lợi và dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong các tháng đầu năm 2015. Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, nhiều khả năng sẽ xảy ra hiện tượng El Nino trong những tháng đầu năm 2015. Diễn biến thủy văn trong mùa khô 2015 có xu hướng thiếu hụt mưa và dòng chảy, xuất hiện khô hạn.
 
Lưu lượng dòng chảy trên các sông ở cả 3 miền được dự báo tiếp tục giảm và sẽ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Như vậy, các tháng mùa khô năm 2015 sẽ rất khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà máy thuỷ điện. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thủy điện lại có được lợi thế lớn về chi phí khi tham gia thị trường điện cạnh tranh.
 
Theo công bố của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), trong năm 2015 có 57 nhà máy điện sẽ trực tiếp tham gia thị trường điện cạnh tranh, trong đó có nhà máy thuộc một số công ty điện niêm yết, gồm: PPC, VSH, CHP, SBA, SHP, CTCP Thủy điện Thác Mơ (TMP) và CTCP Thủy điện Thác Bà (TBC).
 
Khi đó, các công ty thủy điện với chi phí sản xuất thấp hơn sẽ có lợi thế nhất định khi tham gia thị trường điện cạnh tranh. Thực tế cho thấy trong năm 2014, các công ty như CHP, SBA, VSH đều có doanh thu vượt trội từ việc chào giá trên thị trường cạnh tranh. Dự kiến, lợi thế này sẽ tiếp tục được phát huy trong năm 2015. 
 
Đối với nhóm nhiệt điện, dự báo triển vọng hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ ổn định hơn nhóm thủy điện trong năm 2015. Tình hình thủy văn dự báo kém thuận lợi đồng nghĩa với việc nguồn nhiệt điện có thể được huy động nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào một số nhà máy điện khác như Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Quảng Ninh được kỳ vọng sẽ là nguồn tăng lợi nhuận cho PPC và BTP từ năm nay.
 
Dù vậy, MBKE lại không kỳ vọng vào sản lượng của các nhà máy nhiệt điện niêm yết do các nhà máy này hiện không có kế hoạch mở rộng công suất trong khi nguồn cung trên hệ thống điện quốc gia vẫn liên tục được bổ sung. Ngoài ra, PPC và BTP cũng có nhiều khả năng ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá do đồng JPY và KRW được dự báo tiếp tục giảm trong năm nay. Tuy nhiên, với dự báo thận trọng, ước tính lãi chênh lệch tỷ giá của các doanh nghiệp trong năm 2015 sẽ thấp hơn năm 2014.