Sau hai thập niên phát triển, ngành điện than toàn cầu đã ghi nhận công suất ròng sụt giảm lần đầu tiên trong ...
Sau hai thập niên phát triển, ngành điện than toàn cầu đã ghi nhận công suất ròng sụt giảm lần đầu tiên trong sáu tháng đầu năm 2020, theo báo cáo mới nhất của tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu (GEM).

Nguyên nhân giảm chủ yếu nhờ Liên minh châu Âu (EU) đã giảm 8,3GW điện than trong nửa đầu năm 2020. Đây là mức giảm cao kỷ lục trong sáu tháng, chỉ sau con số 8,7GW ghi nhận trong năm 2016. Khu vực EU dự định sẽ đóng cửa thêm nhiều nhà máy than nữa và giảm thêm 6GW trong nửa sau năm 2020.
Tại Đông Nam Á - khu vực được xem là thị trường phát triển điện than lớn nhất thế giới, chỉ 1GW đang được đề xuất phát triển và 0,8GW đã được triển khai trong sáu tháng đầu năm. Con số này thấp hơn 70% so với cùng kỳ 5 năm trước.
Mức điện than phát triển tại Đông Nam Á giảm là nhờ những quốc gia xây dựng nhà máy điện than hàng đầu, bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, đang phải chịu sức ép mạnh mẽ từ công chúng – những người yêu cầu chính phủ ngừng trợ cấp phát triển loại công nghệ năng lượng này.
Đáng chú ý, Việt Nam cũng nằm trong top 5 những quốc gia có kế hoạch phát triển điện than. Tuy vậy Việt Nam đang đề xuất loại bỏ 9,5GW công suất điện than đã phê duyệt và đẩy lùi thêm 7,6GW đến sau năm 2030. Mức giảm này sẽ loại bỏ gần một nửa (48%) công suất nhiệt điện than được quy hoạch bổ sung đến năm 2030, theo Media Climate Net.
Bất chấp mức giảm kể trên, lượng than tiêu thụ toàn cầu và lượng khí CO2 sinh ra theo sau được dự báo sẽ giảm rất chậm trong 10 năm tới. Từ nay đến 2030, sản xuất điện than toàn cầu cần tiếp tục giảm 53% so với dưới mức hiện tại để nhiệt độ trái đất không nóng lên quá 1,5 độ C, theo phân tích của GEM.
Con số này khá tương đồng với kết quả phân tích của Carbon Brief. Đơn vị này tuyên bố rằng lượng khí thải CO2 từ việc dùng than đá, trong cả cung cấp năng lượng lẫn công nghiệp, cần giảm tới 80% để theo kịp lộ trình giữ nhiệt độ trái đất không nóng lên quá 1,5 độ C.
Trung Quốc hiện là nước đi đầu về phát triển điện than, chiếm tới 90% công suất đề xuất bổ sung trong nửa đầu 2020. Trong sáu tháng đầu năm, chính quyền Trung Quốc đã cho phép mở rộng phát triển 19,7GW điện than - con số cao nhất kể từ khi nước này bắt đầu siết chặt loại năng lượng này từ năm 2016.
Trong bối cảnh các quốc gia đang tìm cách kích thích kinh tế hậu dịch, việc thay thế điện than bằng một loại năng lượng sạch cần được ưu tiên, theo tổ chức thinktank Carbon Tracker, bởi việc xây dựng cơ sở năng lượng tái tạo hiện đang rẻ hơn tiếp tục vận hành 60% cơ sở điện than hiện có trên toàn cầu.
Theo Forbes