(Daidoanket) - Cty Licogi 14 (L14) ngoài nghiệp bất động sản bấy lâu nay, vừa chính thức phát đi thông điệp sẽ...
(Daidoanket) - Cty Licogi 14 (L14) ngoài nghiệp bất động sản bấy lâu nay, vừa chính thức phát đi thông điệp sẽ "đổ bộ” đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trước đó, không ít đại gia, như Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công Đặng Văn Thành cũng đã đặt chân vào ngành mía đường, nuôi bò sữa … Như vậy, có phải đã xuất hiện một trào lưu dồn vốn vào nông nghiệp?
Nông nghiệp đang trở thành lĩnh vực hút vốn đầu tư
Ảnh: Hoàng Long
Sự chọn lựa của những "đại gia”
Đại hội cổ đông vừa qua của Cty Licogi 14 đã thống nhất biểu quyết (91%) thông qua việc bổ sung ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản vào ngành nghề kinh doanh của Cty, lấy đó làm thước đo hoạt động chính của DN.
Nông nghiệp luôn được xem là bệ đỡ của nền kinh tế. Nhưng ngành này cũng chứa được nhiều rủi ro. Suốt một thời gian dài ngành nông nghiệp Việt Nam luôn trong tình cảnh manh mún. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trong một hội nghị diễn ra vào đầu tháng 5 từng chia sẻ: Việt Nam không thể nói mãi với thế giới rằng, nông nghiệp Việt Nam tuy nhỏ nhưng đẹp. Vì thế, tái cơ cấu nền nông nghiệp phải trở thành cuộc cách mạng, phải rất cấp bách.
Trở lại vấn đề, phải chăng cuộc cách mạng nông nghiệp đang bùng ra khi mà đang có nhiều "đại gia” dồn vốn vào nông nghiệp. Chẳng hạn Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai công bố sẽ dành hơn 6.000 tỉ đồng để đầu tư trồng ngô, nuôi bò sữa, bò thịt. Theo đó, HAGL sẽ nhập 236.000 con bò thịt và bò sữa từ Úc, Thái Lan, Mỹ và New Zealand để chăn nuôi tại Lào và Việt Nam. Sản phẩm sẽ được bao tiêu bởi 2 DN lớn trong ngành thực phẩm là Vissan và NutiFood.
Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công Đặng Văn Thành cũng công bố sẽ đầu tư mạnh vào ngành mía đường thông qua hoạt động mua bán cổ phần ở các công ty chuyên về mía đường. Tất cả các đại gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đều cho biết, khi doanh nghiệp đầu tư thì điểm đầu tiên là sẽ ứng dụng công nghệ cao. Trên thực tế, mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam xuất hiện chưa nhiều, song đã mang lại những hiệu quả rất rõ rệt và đáng chú ý. Chẳng hạn tại Lâm Đồng, doanh nghiệp giàu nhất lại là doanh nghiệp làm nông nghiệp, với hàng chục ngàn héc-ta đất nông nghiệp có doanh thu 100 triệu - 1 tỷ đồng/ha/năm. Đặc biệt, trong số đó, có 1.000 ha có doanh thu 1 - 2,5 tỷ đồng/ha/năm.
Thực tế cũng đã cho thấy, sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã xuất hiện một số mô hình sản xuất theo hướng sản xuất quy mô lớn, tăng cường tính liên kết và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại một số địa phương, và bước đầu đã thành công.
Tránh kiểu phong trào
Tuy nhiên, khẳng định của giới chuyên gia, đầu tư vào nông nghiệp là điều cần thiết phải làm nhưng cũng nên cảnh báo tư duy phong trào. Trước đây, khi bất động sản, ngân hàng còn nóng ngành ngành đổ xô vào hai lĩnh vực này, và hệ lụy đến giờ vẫn chưa dứt.
Việc các đại gia đổ vốn vào nông nghiệp trong thời gian gần đây là do đón sóng TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình dương). Nếu nhanh thì cuối năm nay Việt Nam có thể trở thành thành viên, và TPP được kỳ vọng sẽ trở thành chìa khóa mở toang cánh cửa thu hút vốn vào nông nghiệp. Thời gian gần đây, người đã chứng kiến dòng vốn ngoại lẫn vốn nội đang chảy vào lĩnh vực nông nghiệp, nhưng để tránh vết xe đổ một thời của bất động sản, ngân hàng, mô hình sản xuất phải có nhiều đổi mới. Người nông dân cần được thay đổi quy trình, kỹ thuật sản xuất, đồng thời kết nối được DN và nông dân. Cơ quan quản lý (trực tiếp là Bộ NNPTNT) cũng nắm bắt kịp thời, chính xác hơn những vướng mắc của thực tế sản xuất để xây dựng, sửa đổi và áp dụng các chính sách quản lý phù hợp
Nhưng, bất chấp những gì có thể được coi là "rào cản”, ông Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện Chính sách và Chiến lược NNPTNT cho rằng, nông nghiệp là lợi thế của Việt Nam, đầu tư nông nghiệp đang là xu hướng của thế giới. Vì vậy, nếu Chính phủ quyết tâm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công, vốn đầu tư vào nông nghiệp sẽ tăng mạnh.