(DĐDN) - Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ VI đã xác định mục tiêu: đến năm 2020, trong lĩnh vực sản xuất cô...
(DĐDN) - Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ VI đã xác định mục tiêu: đến năm 2020, trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, công nghệ sản xuất phải được đổi mới về cơ bản với mức độ tự động hoá phát triển ở mức độ cao. Thực hiện mục tiêu này, các doanh nghiệp nước ta đã chủ động ứng dụng công nghệ tự động hóa để nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa dịch vụ, nhằm tăng sức cạnh tranh.

Tiết học thực tâp tại phòng thí nghiệm tự động hóa Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn
Lợi ích thiết thực
Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tự động hóa. Nhờ đó, quy mô nền kinh tế nước ta tăng nhanh, đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển và trở thành nước phát triển có thu nhập trung bình và ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 9,53 tỷ USD, trong đó 889 dự án đăng ký mới, và 300 dự án tăng vốn đầu tư. Trong 7 tháng đầu năm, các dự án đã giải ngân được 6,8 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng 2013. Nhiều chuyên gia dự báo, theo lộ trình gia nhập kinh tế thế giới (WTO), từ nay đến 2020 Việt Nam tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Để đáp ứng kịp sự hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới và những thay đổi của cơ chế thị trường đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì đầu tư công nghệ hiện đại hóa, tự động hóa trong sản xuất… không chỉ là những đòi hỏi, yêu cầu của sự phát triển mà còn là sự sống còn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nước ta đã chủ động ứng dụng công nghệ tự động hóa vào lao động sản xuất.
Kỹ sư Nguyễn Tiến Khoa - Trưởng phòng Kỹ thuật, Cty cổ phần mía đường Thành Thành Công-Tây Ninh, nhận định: “Có những dây chuyền sản xuất nếu không trang bị hệ thống điều khiển tự động thì không thể hoạt động được hoặc không mang lại lợi nhuận. Công nghệ tự động hóa còn thực hiện những công việc mà con người không thể thực hiện".
"Công nghệ tự động hóa đã giúp công ty chúng tôi liên tục giám sát hoạt động của thiết bị 24/24 giờ và đưa ra thông tin cảnh báo hoặc quyết định dừng hệ thống kịp thời; giảm rất nhiều thời gian ngừng máy do sự cố. Nhà máy mía đường Thành Thành Công Tây Ninh đã đạt được hệ số an toàn thiết bị trên 99% - một con số mơ ước của các nhà máy đường thủ công. Vì điều này con người không thể làm được do sức khỏe, khả năng tập trung và sức người có hạn...". ông Khoa nói.
Ông Đặng Ngọc Toàn - Giám đốc Công ty Toàn Phú Quý - công ty chuyên tư vấn thiết kế và cung ứng thiết bị tự động hóa ở TP.HCM cũng nhận định: Công nghệ tự động hóa còn đem lại rất nhiều tiện ích khác, như: liên tục điều chỉnh và điều chỉnh đồng bộ xuyên suốt cả dây chuyền nhằm đảm bảo các thông số quá trình ổn định, từ đó đảm bảo chất lượng và tính đồng đều của sản phẩm làm ra. Các thông số được hệ thống tự động ghi chép lại, rất thuận tiện cho việc kiểm tra, đánh giá hoạt động, vận hành của thiết bị; đồng thời, giảm thiểu phần lớn những công việc nặng nhọc cho người lao động…
Cũng như nhà máy đường Tây Ninh, hiện nhiều nhà máy xí nghiệp trong cả nước đã ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ tự động hóa vào sản xuất và thu được nhiều lợi ích. Điển hình như nhà máy đường An Khê – Quãng Ngãi, nhà máy đường Lam Sơn – Thanh Hóa, Nhà máy sữa Nestle, Vinacafe, Pepsico, Toshiba, Yokohama, Thép Sunsteel…
Công nghệ tự động hóa còn phát triển mạnh trong các lĩnh vực khác như: điều khiển giám sát các nhà máy thủy điện-nhiệt điện, nhà máy lọc dầu, nhà máy hóa chất. Tự động hóa còn được áp dụng trong hầu hết các dây chuyền sản xuất tự động trong công nghiệp chế tạo lắp ráp ô tô, xe máy, chế tạo máy, đo lường, trong lĩnh vực Y tế và Dược phẩm, in ấn bao bì, chăm sóc sức khỏe cộng đồng…đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và xã hội.
Với những lợi ích to lớn do công nghệ tự động hóa mang lại, thị trường cung cấp dịch vụ này đã thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Tổng Ông ông Naoyuki Morimoto - Giám Đốc Proface khu vực Đông Nam Á nhận xét: "Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam gia nhập các tổ chức kinh tế thế giới, và các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang đàm phán ký kết, tự động hóa không thể thiếu trong vấn đề cung cấp sản phẩm ra thế giới. Việc áp dụng tự động hóa vào dây chuyền sản xuất hiện nay đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm và sản lượng tăng theo từng năm. Kinh tế Việt Nam đang phát triển và được sự quan tâm của Chính phủ về lĩnh vực tự động hóa - hứa hẹn Việt Nam là thị trường rất tiềm năng trong lĩnh vực tự động hóa. Chúng tôi đã ký kết hợp tác lâu dài với Công ty Toàn Phú Quý để cung ứng cho thị trường Việt Nam các phần mềm công nghệ tự động hóa hàng đầu trên thế giới”.
Lệ thuộc nước ngoài
Tuy nhiên, một thực tế khó khăn là ngành tự động hóa nước ta còn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, nhất là về máy móc thiết bị. Điều này đã gây ra những khó khăn , thậm chí là thiệt hại cho các doanh nghiệp. Ông Đặng Ngọc Toàn, Giám đốc Cty TNHH Toàn Phú Quý, cho biết: "Qua thực tế gần 10 năm hoạt động, tôi nhận thấy: phần lớn các dây chuyền sản xuất, thiết bị ngành tự động hóa ở Việt Nam đều do các công ty nước ngoài cung cấp. Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp nước ta vì khi thiết bị, máy móc hư hỏng, doanh nghiệp có thể phải tạm ngưng sản xuất, chờ phía nước ngoài sang bảo hành, kiểm tra và giúp khắc phục sự cố. Mặt khác, giá dịch vụ cũng rất cao, gây lãng phí và mất rất nhiều thời gian cho doanh nghiệp, làm tăng giá thành sản phẩm, khó cạnh tranh với các nước trong khu vực".
Để hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tự động hóa, Công ty Toàn Phú Quý đang liên kết với các đối tác cung cấp sản phẩm như Proface, Yaskawa và ProMtec (Đức) làm đại lý cung cấp dịch vụ tự động hóa và dịch vụ bảo hành sửa chữa tại Việt Nam.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại, tự động hóa - do phải đầu tư nhiều hơn và khó khăn về nguồn nhân lực. Để nắm bắt và hiểu rõ hoạt động của dây chuyền sản xuất tự động hóa, đòi hỏi các công ty phải có nguồn nhân lực đủ trình độ chuyên môn và ngoại ngữ - như nhận xét của kỹ sư Nguyễn Tiến Khoa, người đã có nhiều năm kinh nghiệm: “Rất nhiều người làm trong lĩnh vực tự động hóa lâu năm nhưng không phát triển được chuyên môn vì không đọc được tài liệu bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, tư duy trừu tượng là yếu tố quyết định sự thành công cho người làm tư động hóa, để hiểu được các logic đã được lập trình trong hệ thống”.
Thiếu nguồn nhân lực
Nguồn lực con người là yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong công tác quy hoạch nhân lực từ nay đến năm 2020 tại TP. HCM, tự động hóa là một trong 4 ngành công nghiệp chủ lực được ưu tiên. Tuy nhiên đây cũng là ngành đã và đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực.
TS Đào Văn Lượng - Hiệu Trưởng Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn cho biết: Hiện các khu công nghiệp chế xuất trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận luôn trong tình trạng thiếu hụt đội ngũ kỹ sư lành nghề các ngành chế tạo máy, tiện, phay… Từ nay đến năm 2020, nhu cầu xã hội, dự đoán cần khoảng 8.000/năm lao động là cơ khí chế tạo chính xác - tự động hóa.
Nhận thấy nhu cầu cần lao động trí thức để làm chủ công nghệ tự động hóa, từ khi thành lập năm 1997, Trường đã ưu tiên đầu tư các phòng thí nghiệm tự động hóa với trang thiết bị hiện đại. Đến nay, Trường đã đào tạo gần 2.000 cử nhân cao đẳng và kỹ sư ngành cơ điện tử. Tuy nhiên, vẫn không đủ cung cấp cho nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Trường cao đẳng nghề, Trường Đại học Công nghiệp TP. HCM cũng trong tình trạng cung không đủ cầu.
Mặc dù xã hội đang rất cần sinh viên học ngành tự động hóa để phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thế nhưng nhiều phụ huynh, nhiều sinh viên vẫn không ưu tiên chọn ngành cơ khí, cơ điện tử khi tham gia kỳ thi sinh đại học cao đẳng, vì nguyên nhân “học khó, làm cực mà lương thì chưa tưng xứng”.
TS Lê Minh Ngọc - Trưởng Khoa cơ khí Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn cho biết: Đây là ngành công nghệ liên quan đến việc ứng dụng các kỹ thuật cơ khí hiện đại, kỹ thuật điều khiển và kỹ thuật máy tính vào việc vận hành và điều khiển quá trình sản xuất. Vì vậy ngành cơ khí, tự động hóa là môn học không dễ và để làm việc được trong ngành này, sinh viên phải học tập rất vất vả và am hiểu nhiều lĩnh vực khác như: cơ khí, điện, điện tử, tin học, ngoại ngữ.Để có thể sinh viên chọn thi vào các ngành này, Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích, như miễn giảm học phí.
Thiết nghĩ, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Nếu Nhà nước không tập trung và có sự đầu tư tương xứng để đào tạo nguồn nhân lực nói chung và công tác nghiên cứu sản xuất thiết bị tự động hóa nói riêng thì nước ta sẽ khó tránh khỏi tình trạng lệ thuộc vào trang thiết bị tự động hóa nước ngoài.
Nguyễn Thủy
Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp