Doanh nghiệp Việt cần mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp

(NCĐT) - Việt Nam chỉ có thể “Bắt đất hóa tiền”, phát triển kinh tế từ lợi thế nông nghiệp sẵn có khi chúng ta...
(NCĐT) - Việt Nam chỉ có thể “Bắt đất hóa tiền”, phát triển kinh tế từ lợi thế nông nghiệp sẵn có khi chúng ta cùng làm, Giáo sư Võ Tòng Xuân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Mía đường Thành Thành Công, bày tỏ quan điểm trong buổi Tọa đàm được tổ chức tại khách sạn Pullman Đà Nẵng ngày 21.11.2014.
 
Chúng ta ở đây chính là các nhà khoa học, là nhà nước và các doanh nghiệp. Chỉ khi chúng ta thực sự bắt tay vào làm, chỉ đạo, tổ chức và đầu tư giúp người nông dân trồng ra những nguyên liệu thật tốt, từ đó biến các nguyên liệu thô thành những sản phẩm tiêu dùng nhanh mới có thể nâng cao được giá trị của sản phẩm, mới phát huy được tiềm năng sẵn có của ngành nông nghiệp Việt Nam.
 
Trong buổi Tọa đàm “Lợi thế Việt Nam - Bắt đất hóa tiền” với chủ đề chính xoay quanh việc tìm hiểu những lợi thế của ngành nông nghiệp Việt Nam và làm sao để phát huy tiềm năng đó đã được các diễn giả cùng hơn 150 lãnh đạo doanh nghiệp thảo luận. Đây là buổi Tọa đàm thứ hai được tổ chức trong chuỗi sự kiện “50 Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp – Mark of Respect 2014” do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư đồng hành cùng thương hiệu Royal Salute tổ chức.
 
Hai diễn giả là Giáo sư Võ Tòng Xuân và ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc Điều hành Vinasoy, đã chia sẻ những kinh nghiệm cũng như đưa ra lời kêu gọi các doanh nghiệp cần chú trọng hơn đến việc đầu tư vào ngành nông nghiệp tại Việt Nam.
 
Theo ông Võ Tòng Xuân, Việt Nam hiện có lợi thế rất lớn về đất đai và khí hậu. Chúng ta nằm trong vùng có khí hậu nhiệt đới, có thể trồng cây quanh năm. Khác với các quốc gia nằm trong vùng khí hậu ôn đới, họ chỉ có thể trồng cây trong 6 tháng, việc điều khiển nhiệt độ thích hợp để trồng cây quanh năm là rất tốn kém.
 
Việt Nam hiện là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, người nông dân làm ra hạt gạo lại đang có đời sống rất khó khăn. Lý do nằm ở chỗ họ không biết cách làm cho đúng và cũng không có nhiều vốn để đầu tư dẫn đến năng suất thấp.
 
Có thể lấy một ví dụ điển hình về năng suất trồng cây mía của Việt Nam. So sánh với các nước trên thế giới, Brazil trồng 1 tấn mía chỉ mất 16 USD, tại Úc con số này khoảng 20 USD, tại Thái Lan là 30 USD nhưng tại Việt Nam, chi phí để trồng 1 tấn mía lên đến 55 USD.
 
Với năng suất kém như vậy, ngành nông nghiệp Việt Nam cần những doanh nghiệp dám đầu tư, áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp nhằm gia tăng hiệu quả. Để có thể nâng cao được năng suất cây trồng, Vinasoy, doanh nghiệp đầu tư rất nhiều vào ngành nông nghiệp đang làm tốt điều đó. Trong suốt 6 năm, ông Tụ đã đi đến 27 tỉnh thành, nơi có thể trồng được cây đậu nành. Ông đã lấy giống đậu nành từ viện giống cây trồng, phát mẫu cho nông dân và hướng dẫn họ trồng. Nhờ vậy, năng suất đã tăng lên từ 10 - 15%.
 
Ông Tụ cho biết, từ năm 2002, tiền thân của Vinasoy là nhà máy sữa Trường Xuân, doanh thu lúc đó chỉ khoảng 20 tỉ đồng. Từ khi phát triển sản phẩm từ đậu nành, Vinasoy đã tăng doanh thu hơn gấp 150 lần lên 3.100 tỉ đồng chỉ trong vòng 12 năm.
 
Qua đó, có thể thấy nếu các doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước tạo điều kiện, mạnh dạn bỏ tiền đầu tư vào nông nghiệp, hướng dẫn người nông dân sẽ có thể giúp Việt Nam khai thác được lợi thế sẵn có từ ngành nông nghiệp đang còn bị bỏ ngỏ.