Doanh nhân Đặng Văn Thành: Thế của người dẫn đầu!

(DĐDN) - Chính thức xuất hiện trở lại trên thương trường vào đầu năm 2014, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT...

(DĐDN) -  Chính thức xuất hiện trở lại trên thương trường vào đầu năm 2014, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công (người được gắn liền với thương hiệu Sacombank trong thời gian hơn 20 năm) đã khiến mọi người đang cảm nhận ngọt ngào hơn về một ngành hàng kinh doanh đầy vị ngọt, nhưng cũng không thể thiếu nỗ lực vượt sóng gió cạnh tranh, cùng quyết tâm lớn mạnh trên thương trường.

Dù lui về hậu trường kinh doanh trong suốt một năm qua, nhưng gia đình họ Đặng và cái tên Đặng Văn Thành vẫn luôn là tâm điểm chú ý của thị trường. Những động thái kinh doanh của gia đình này và các thành viên có liên quan đã không ngừng diễn ra.
 
“Đời doanh nhân” không có tuổi
 
Nếu bình chọn biến động nào gây chấn động lớn nhất trên thị trường tài chính VN trong ba năm, có lẽ sẽ rất nhiều người chỉ nhớ đến sự kiện bầu Kiên. Song với giới doanh nhân, sự kiện biến động khiến họ bất ngờ và cũng khiến không ít người trong cuộc có những tâm trạng trái ngược giữa mừng vui và nuối tiếc, chính là sự kiện ông Đặng Văn Thành rời khỏi Sacombank.
 
Sự kiện tuy và qua và tất nhiên nhìn lại, đúng như ông Thành chia sẻ, chắc chắn là không tránh khỏi những phút giây nuối tiếc. Bởi Sacombank từng là tâm huyết lớn của vị doanh nhân này. Đó từng là một cơ ngơi huy hoàng mà ông đã sáng lập và dày công vun đắp. Ông chia sẻ rằng ông cùng các cộng sự đã lên chiến lược phát triển cho ngân hàng đến tận năm 2020. Thậm chí, những năm 2010 - 2012, ông đã dành nhiều thời gian hơn cả với  chuỗi giới thiệu về cách thức quản trị - một cách để chia sẻ kinh nghiệm và thành công khi biến một hợp tác xã tín dụng địa phương thành một trong những ngân hàng hàng đầu VN. Chỉ tiếc ông chưa kịp đi hết quãng đường này.
 
Rời Sacombank, vị doanh nhân dày dạn kinh nghiệm Đặng Văn Thành dường như đã xác định “buông - là buông”. Tất cả đã lùi lại phía sau và cho dù nuối tiếc, ông hoàn toàn có thể ngẩng cao đầu vì đã để lại một “tòa thành” với hai thập kỉ huy hoàng. Càng có thể ngẩng cao đầu bước đi với tuyên ngôn “doanh nhân có tuổi thọ nhưng DN không có tuổi thọ”. Vào cái thời điểm mà ông thốt câu này, nhiều anh chị em doanh nhân đã chia sẻ tâm tình thật lòng rằng họ muốn rơi nước mắt. Có người còn nói có khi cả một đời kinh doanh của mình, họ vẫn cảm thấy mình chưa đủ dũng khí và trải nghiệm để nói được một câu như ông, vào đúng lúc mà sóng gió khó khăn tưởng muôn trùng khiến ông phải hạ hào khí “đời doanh nhân” cũng như khát vọng tìm kiếm mọi cơ hội để gây dựng và phát triển.
 
Nhưng với một người đã từng thành công từ hai bàn tay và khối óc của mình, có lẽ không khó khăn nào có thể khiến ông “đi xuống”. Sự “ở ẩn” hay “buông bỏ”, hay lùi về chốn hậu trường một thời gian cũng không có nghĩa ông đã chán kinh doanh. Trở lại cùng mía đường, ông Thành nhanh chóng “nhập” guồng quay của một tập đoàn tư nhân mà tuy ông không từng hiện diện, song mỗi một thành công của nữ hoàng ngành mía Huỳnh Bích Ngọc – vợ ông, hay “công chúa ngành mía đường” Đặng Huỳnh Ức My - con gái, chắc chắn không thể thiếu dấu ấn của ông. 
 
Một Đặng Văn Thành luôn xông xáo thương trường kinh doanh và có sức thuyết phục “chết người” giờ đây đã trở lại… Bởi nói cho cùng, Tập đoàn Thành Thành Công vẫn là khởi đầu của nghiệp kinh doanh của ông.
 
Tâm huyết cho nhà nông
 
Không phải đến bây giờ thì gia đình ông Đặng Văn Thành mới quan tâm ngành nông nghiệp. Cách đây hơn 30 năm, trước khi chọn lĩnh vực ngân hàng để dành mọi tâm huyết, chàng trai Đặng Văn Thành từng khởi nghiệp kinh doanh với cơ sở sản xuất cồn, CO2 và mật rỉ đường. Đó là vào cuối thập niên 1980s. Vợ ông, bà Huỳnh Bích Ngọc kém chồng 2 tuổi, lúc đó đã kiêm nghề thủ quỹ lẫn việc tề gia.  11 năm sau, tích lũy được lưng vốn khá,  ông Thành mới dấn thân sang lĩnh vực tài chính, giữ vị trí Chủ nhiệm HTX tín dụng Thành Công – tiền thân của Ngân hàng Sacombank.
 
Chồng tạm “rời sân”, bà Huỳnh Bích Ngọc đã tiếp quản cơ sở kinh doanh cồn – thay ông quản lí. Từ đó mà giữ lại nền tảng của CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT), và là xương sống chủ lực của Tập đoàn Thành Thành Công hôm nay.  Giờ đây, Thành Thành Công với mía đường đã thực sự là điểm tựa lớn nhất để cả gia đình ông Đặng Thành gồm bốn doanh nhân nổi tiếng: Ông cùng vợ, con gái, và kể cả con trai Đặng Hồng Anh tuy chưa chính thức lấn sân mạnh mẽ với lĩnh vực kinh doanh của ngành hàng này, bước tiếp “đời doanh nhân”  để hoàn thành một sứ mệnh mà ông Thành vẫn hằng tâm niệm: Mang lại lợi ích cho cộng đồng.
 
Cộng đồng và xã hội mà ông Thành nói ở đây, trước hết là người nông dân, những người một nắng hai sương tạo nguyên liệu cho ngành mía đường VN phát triển. 33 năm gắn liền với gắn liền với các thăng trầm của ngành đường (tính theo lịch sử của SBT) Tập đoàn Thành Thành Công đã có rất nhiều nỗ lực và thậm chí hi sinh để đầu tư, gắn bó với bà con nông dân, khuyến khích bà con nông dân tiếp tục tin và sống được bằng loại cây công nghiệp nhiệt đới ngắn ngày mà đã có thời nhà nhà gây trồng rồi nhà nhà nhổ bỏ. Giờ đây, tính trên năng suất, vùng phát triển lớn mạnh nhất của cây mía và mang lại thu nhập tốt cho bà con nông dân đang là Tây Ninh và Đồng Nai – “thủ phủ” của SBT, của Tập đoàn Thành Thành công cũng như hàng loạt các Cty “con” và liên kết, tạo đà cho Thành Thành Công và các Cty phát triển thành “vệt” dài qua tận các vùng nông nghiệp Campuchia (chưa tính hai tỉnh trồng mía lớn nhất là Gia Lai và DakLak).
 
Báo cáo thường niên năm 2013 của Thành Thành Công Tây Ninh, sau thông điệp của “công chúa ngành mía đường” đứng chức danh Chủ tịch, là những hoạt động sản xuất – kinh doanh với các nỗ lực “nghiên cứu và vận dụng nhiều biện pháp bao gồm đầu tư về tài chính cho các hộ nông dân để mua cây giống, phân bón, thuê đất trồng trọt, xây dựng hệ thống tưới tiêu, triển khai công tác khuyến nông để hỗ trợ cho nông dân trồng mía về kỹ thuật canh tác và trồng trọt. Đồng thời, Cty tập trung nghiên cứu các biện pháp thiết thực trong khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch để tăng thu hồi, tăng chữ đường, ... tăng thu nhập cho bà con nông dân, giúp người trồng mía yên tâm để gắn bó với cây mía”. Đặc biệt, một trong những thành tích của 2013 của Cty, cũng là điều mà qua trao đổi với báo giới, ông Đặng Văn Thành đã chia sẻ, chính là việc cơ giới hóa.
 
“Đặc điểm của vùng nguyên liệu mía VN là khó có khả năng tạo diện tích rộng lớn và liền mạch. Bên cạnh việc quy hoạch các cánh đồng mẫu lớn, thì với các diện tích còn lại, chúng tôi nghiên cứu và “may từng cái áo cho nông dân”: Diện tích nào, đặc điểm ra sao, công tác cơ giới hóa sẽ thực hiện sao cho tối ưu và hiệu quả nhất?”, ông Thành dẫn vấn đề và trả lời bằng một kết quả khác: Năm 2013, để đẩy mạnh việc cơ giới hóa, Thành Thành Công đã đầu tư thêm một máy thu hoạch mía John Deere cho vụ thu hoạch mía 2013-2014. “Có thể nói đây là bước tiến mang tính đột phá không chỉ với Cty mà còn đối với quá trình cơ giới hóa ngành mía đường. Với thiết bị này, công tác thu hoạch mía của bà con nông dân sẽ dễ dàng và chủ động hơn”. “Khi làm được những việc như vậy, tôi thấy cuộc sống này rất có ý nghĩa”, ông Thành chia sẻ.
 
Con đường đi tới...
 
Tại hội thảo vừa diễn ra mới đây tại TP HCM, ông Đặng Văn Thành với cương vị chính thức là Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công đã khẳng định: Trong ngành mía đường, M&A các Cty trong hệ thống là quy luật, sự trưởng thành, hội nhập của những người làm công tác mía đường phải đi đến.  Hiện tại, thông qua M&A, Thành Thành Công đã có trong tay một chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến phân phối – tiêu thụ rộng lớn 20 Cty trên khắp cả nước. Theo đó, Tập đoàn có vốn điều lệ của 20 đơn vị thành viên và các Cty liên kết đạt trên 8.260 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 10.600 tỷ đồng, tổng tài sản gần 23.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến năm 2014 trên 800 tỷ đồng, hoạt trên các lĩnh vực mía đường, bất động sản, du lịch, năng lượng và đầu tư tài chính.
 
Theo con đường đã định, nhiều khả năng là trong năm 2014, dưới bàn tay dẫn sắt của thuyền trưởng Đặng Văn Thành, sẽ còn có nhiều Cty cùng hợp nhất làm một vào Tập đoàn Thành Thành Công. Cụ thể nhất tới đây sẽ là thương vụ Đường Ninh Hòa sáp nhập vào Đường Biên Hòa. Đây là hai Cty liên kết mà Thành Thành Công đang nắm lần lượt 9,8% và 21,64%. Sức mạnh của Thành Thành Công cũng có thể nhìn thấy qua việc “điểm danh” các DN mà Thành Thành Công nắm tỷ lệ sở hữu trực tiếp và gián tiếp không nhỏ ở 4 Cty lớn trên sàn chứng khoán, là Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT), Đường Biên Hòa (BHS), Đường Ninh Hòa (NHS) và Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC). 4 Cty này đang chiếm khoảng 81% giá trị vốn hóa của các Cty ngành đường đã niêm yết. 2 trong số 4 Cty kể trên có năng lực sản xuất đường RE (Refined Extra) có chất lượng tốt hơn đường RS (Refined Standard), cho giá thành tốt hơn và khách hàng công nghiệp, chủ yếu trong ngành  công nghiệp chế biến thực phẩm cao cấp như: sữa, nước giải khát, thực phẩm… ổn định hơn, ít chịu cạnh tranh đặc biệt với đường nhập lậu, có tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Ông Thành cũng không dấu mục tiêu tiếp theo sau thương vụ đã được các cổ đông Đường Ninh Hòa đồng ý, sẽ là M&A giữa Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh và Mía Đường Nhiệt điện Gia Lai, “để làm sao có thể bổ trợ lớn mạnh thực sự đủ năng lực, đủ điều kiện tồn tại và phát triển”.
 
Nếu tính trên cả nước, hiện có xấp xỉ trên dưới 39 DN ngành mía đường. Không tính Hoàng Anh Gia Lai như một “đại gia mới nổi” thì 20 DN chịu ảnh hưởng hoặc có mối quan hệ với nhóm cổ đông thuộc gia đình họ Đặng, đều là những DN lớn và có lịch sử. Thế mới biết sức chi phối và con đường Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công hôm nay đang đi, không phải là con đường chỉ mới xác lập ở ngày hôm qua.
 
Nhưng không chỉ có M&A, trong những lần gặp gỡ báo giới gần đây, ông Đặng Văn Thành rất tâm đắc với Trung tâm nghiên cứu ứng dụng mía đường Thành Thành Công (SRDC) đang đặt tại Tây Ninh. Ông cho biết Trung tâm có sự góp sức của GS TS Võ Tòng Xuân cùng một số viện trưởng nghỉ hưu của các quốc gia lân cận và có máu mặt về ngành mía đường… Trung tâm chuyên nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất mía đường. Trong đó có cả nghiên cứu những giống mía mới phù hợp với vùng miền và lãnh thổ VN, còn trước mắt là phục tráng giống mía đã có. Đây sẽ là bước ngoặt cho giống cây mía ở VN bởi hiện tại đang sử dụng giống của Thái Lan là chính. Không dừng lại ở đó, trong tương lai Trung tâm tiếp tục phát triển thành Viện nghiên cứu mía đường góp phần tăng sức cạnh tranh cho cây mía VN.
 
Tuy ông vừa trở lại, nhưng sự trở lại lần này với ngành nghề “truyền thống” của gia đình, không phải là sự trở lại với thương trường để bắt đầu một hành trình kinh doanh bằng hai bàn tay như thửa nọ. Ông thực sự trở lại trong một vị thế mới: Thế của người dẫn đầu!