Du lịch Huế ứng dụng công nghệ tiên tiến phát huy giá trị di sản

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang có những tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội nói chung, t...

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang có những tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có ngành du lịch. Xác định phát triển du lịch thông minh là một hướng trọng điểm, Thừa Thiên Huế đã có nhiều hành động cụ thể để ứng dụng công nghệ phát huy giá trị di sản độc đáo của mình.  

Công nghệ phát huy giá trị di sản

Trong những năm gần đây, một số đơn vị, doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế đã bắt đầu đầu tiếp cận với công nghệ để tăng trải nghiệm cho du khách, đa dạng sản phẩm dịch vụ phục vụ khách.

Đầu năm 2019, Công ty VIETSOFTPRO đã liên kết với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đưa vào hoạt động hệ thống thuyết minh tự động (audio guide) sử dụng 12 ngôn ngữ khác nhau tại khu vực Hoàng cung và các lăng tẩm. Cũng từ đầu năm 2019, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã sử dụng công nghệ mã QRcode trong ứng dụng VN Guide để nâng cao trải nghiệm tham quan của du khách.


Du khách trải nghiệm công nghệ thực tế ảo trong Đại Nội (Ảnh: TITC/Thu Thủy)


Du khách trải nghiệm công nghệ thực tế ảo trong Đại Nội (Ảnh: TITC/TA)


Bên cạnh đó, du khách đến với Đại Nội Huế cũng có thể trải nghiệm công nghệ thực tế ảo VR “Đi tìm Hoàng cung đã mất”, tái tạo các công trình kiến trúc hoàng cung trong không gian đa chiều, giúp du khách chiêm ngưỡng không gian Hoàng cung Huế của hàng trăm năm trước.

Để tạo dựng nền tảng cho các sản phẩm du lịch thông minh, Thừa Thiên Huế đã tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu ngành du lịch tỉnh, gồm: dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành quốc tế, các cơ sở lưu trú, chuẩn hóa nội dung giới thiệu về các điểm đến tiêu biểu. Xây dựng cổng thông tin Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế với tên miền visithue.vn và ứng dụng “visithue”, nhằm cung cấp thông tin về các điểm tham quan, văn hóa lịch sử, ẩm thực và các sự kiện văn hóa - du lịch - thể thao đến với du khách và cộng đồng.


Du khách trải nghiệm công nghệ Audio Guide  (Ảnh: TITC/TA)


Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng đã bố trí các màn hình chạy clip và hình ảnh điểm đến dịch vụ, màn hình cảm ứng đặt ở sân bay, ga tàu, các bộ ấn phẩm, bản đồ kèm theo để du khách tham khảo thông tin.

Ngoài ra, nhiều đơn vị quản lý điểm đến và doanh nghiệp đã sử dụng các website, ứng dụng du lịch và mạng xã hội nhằm quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm  và cung cấp thông tin dữ liệu cho khách du lịch.


Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên Huế (Ảnh: TITC/TA)


Để phát triển du lịch thông minh, Thừa Thiên Huế đã xác định các vấn đề cần giải quyết liên quan đến nguồn lực đầu tư hạ tầng, dữ liệu số hóa và công nghệ, nguồn nhân lực, hợp tác giữa khu vực công và tư.

Năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành đề án “Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, trong đó, du lịch là lĩnh vực được chú trọng phát triển hàng đầu. Đồng thời giao Sở Du lịch phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông cùng một số ban ngành liên quan xây dựng “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2025”.

Được biết, hiện Sở Du lịch đang tập trung hoàn thiện đề án du lịch thông minh trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm xây dựng hệ sinh thái và cơ sở dữ liệu cho du lịch thông minh, với các mục tiêu: Xây dựng Điểm đến thông minh; Trải nghiệm thông minh; Quản lý/Kinh doanh thông minh.


Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên Huế (Ảnh: TITC/TA)


Vùng đất của di sản

Sở hữu kho tàng văn hóa phong phú, ẩm thực đặc sắc và những nghi lễ truyền thống của Việt Nam, Cố đô Huế - vùng đất được mệnh danh là xứ sở của di sản là điểm đến không thể thiếu với những du khách muốn khám phá về lịch sử văn hóa dân tộc.

Thừa Thiên - Huế hiện sở hữu 5 di sản được UNESCO vinh danh: Quần thể di tích cố đô Huế; Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam; Mộc bản triều Nguyễn; Châu bản triều Nguyễn; Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.


Kinh thành Huế (Ảnh: Internet)


Tận dụng những lợi thế đặc biệt về văn hóa, di sản, hiện Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đang tổ chức và khai thác tốt tour du lịch "Huế - một điểm đến 5 di sản". Gần đây, du khách đến với di sản Huế liên tục tăng cao. Năm 2018, Thừa Thiên - Huế đón 4,25 triệu lượt khách du lịch, tăng 12% so với năm 2017; trong đó, khách quốc tế đạt gần 2,2 triệu lượt. Tổng thu du lịch đạt khoảng 4.400 tỷ đồng, tăng gần 25% so với năm 2017. Riêng Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đón hơn 3,5 triệu lượt khách đến tham quan, doanh thu từ vé tham quan đạt 381,7 tỷ đồng.

Một điểm nhấn nổi bật của “mảnh đất di sản” là Festival Huế. Được tổ chức 2 năm một lần vào các năm chẵn, đây là một sự kiện văn hóa nhằm tôn vinh các di sản văn hóa Huế. Qua 7 lần tổ chức, Festival Huế đã trở thành thương hiệu tầm cỡ quốc tế, góp phần quan trọng thu hút khách và thúc đẩy du lịch Thừa Thiên Huế phát triển.


Festival Huế (Ảnh: Internet)



Bên cạnh đó, đan xen với các kỳ Festival Huế là Festival Nghề truyền thống giới thiệu sản phẩm độc đáo của các nghề, làng nghề truyền thống Huế, của các tỉnh, thành phố trong cả nước và quốc tế như: kim hoàn, thêu, pháp lam, chạm khảm, đúc đồng, may áo dài, mộc mỹ nghệ, trúc chỉ, dệt Zèng, gốm, sản phẩm mây tre, nón lá, hoa giấy, tranh, đèn lồng, diều, ẩm thực...

Ngành Du lịch Thừa Thiên Huế phấn đấu trong năm 2019 sẽ đón khoảng 4,5 - 4,7 triệu lượt khách, tăng 8% so với năm 2018; trong đó, khách quốc tế chiếm từ 40-45%; khách lưu trú ước đạt 2,2-2,3 triệu lượt, tăng 7%. Tổng thu du lịch dự kiến đạt 4.700 - 4.900 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2018. Hy vọng rằng, với những giải pháp thiết thực và hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến phát huy giá trị di sản văn hóa sẽ góp phần nâng cao sức hấp dẫn của điểm đến, tăng cường thu hút khách trong nước và quốc tế, hoàn thành mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

 

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam