Du lịch Việt Nam nỗ lực vượt khó

QĐND - Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta. Trong những năm gần đây, ngành du lịch đã ...

QĐND - Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta. Trong những năm gần đây, ngành du lịch đã đạt được những thành tích ấn tượng cả về lượng du khách và doanh thu.
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), giai đoạn 2015-2019, tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch hằng năm luôn đạt hai con số, ngành du lịch đã có đóng góp quan trọng vào GDP (năm 2019, đóng góp khoảng 9,2% GDP). Du lịch phát triển kéo theo hàng loạt dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, vận tải, đặc biệt là vận tải hàng không; các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp... phát triển theo, giải quyết việc làm, thu nhập cho một lượng lớn lao động. Tuy nhiên, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước tính giảm hơn 80%; khách du lịch nội địa cũng giảm khoảng 50% so với năm trước. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã phải ngừng hoạt động. Công suất sử dụng phòng của nhiều khách sạn ở các thành phố lớn, các khu du lịch chỉ đạt 10-15%... Có thể nói, chưa bao giờ ngành du lịch gặp phải khó khăn như hiện nay. Vậy đâu là lời giải cho bài toán “vượt khó” của ngành?

Du lịch muốn phát triển bền vững thì phải "đi bằng cả hai chân", đó là thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Thế nhưng, trước tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, trong giai đoạn hiện nay, du lịch muốn “qua cơn bĩ cực” thì phải tập trung khai thác tốt thị trường nội địa. Để thu hút được đông đảo du khách trong nước, các cơ quan quản lý, công ty lữ hành, các địa phương... phải rất tích cực, chủ động xây dựng các chương trình kích cầu du lịch, tăng cường liên kết, sáng tạo để đa dạng hóa sản phẩm, có các sản phẩm du lịch đặc thù, đặc trưng của từng vùng miền, địa phương, đồng thời tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ và bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngành du lịch và ngành hàng không phải có "cái bắt tay thật chặt" để mở thêm các đường bay, tăng chuyến bay, có những chương trình bán vé giá rẻ... nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, không để xảy ra tình trạng “tắc đường trên không" trong thời gian cao điểm du lịch như đã từng xảy ra.

Bên cạnh tập trung khai thác thị trường du lịch nội địa, ngay từ thời điểm này, việc chủ động chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng đón du khách quốc tế khi kiểm soát được dịch Covid-19 và được Chính phủ cho phép là rất quan trọng. Tại Hội nghị cơ cấu lại thị trường khách du lịch do Tổng cục Du lịch tổ chức mới đây, nhiều đại biểu đã chỉ ra một bất cập lớn của ngành du lịch thời gian qua là quá phụ thuộc vào một số thị trường nước ngoài nên khi có biến động xảy ra sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn, không bảo đảm yếu tố tăng trưởng bền vững. Vì vậy, việc tái cơ cấu theo hướng đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định là rất cần thiết. Để làm được việc này, phải có các giải pháp đồng bộ, như: Khôi phục lại chính sách miễn visa đối với công dân một số nước châu Âu vào thời điểm thích hợp; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng một hình ảnh Việt Nam đẹp, thân thiện, mến khách đến bạn bè quốc tế, nhất là các thị trường tiềm năng... Mặt khác, ngành du lịch cũng phải kịp thời nghiên cứu nắm bắt xu hướng, cho ra đời những sản phẩm du lịch phù hợp, đáp ứng nhu cầu mới của du khách quốc tế trong điều kiện dịch Covid-19 phần nào đã làm thay đổi nhiều thói quen, nhu cầu du lịch của người dân...

 

Theo báo Quân Đội Nhân Dân