Năng lượng tái tạo đang là xu hướng đầu tư của nhiều quốc gia. Việt Nam là thị trường nhiều tiềm năng nhưng lạ...
Năng lượng tái tạo đang là xu hướng đầu tư của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, mặc dù Việt Nam là thị trường nhiều tiềm năng nhưng lại kém hơn hẳn về mức độ thu hút đầu tư
Hội thảo “Năng lượng bền vững – hướng tới nền kinh tế có mức phát thải thấp” do Bộ Công Thương và Đại sức quán CHLB Đức tại Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 24.8 đã nhận định: Nhu cầu năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế của Việt Nam đang rất lớn, song nhiều nguồn năng lượng tái tạo vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Điều đó cho thấy, đây là lĩnh vực hấp dẫn vốn đầu tư tốt.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong 15 năm qua đã tăng trưởng khoảng 9,5%/năm và sẽ tiếp tục tiếp tục tăng trong thời gian tới. Chính vì nhu cầu tăng cao, Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng thành một nước nhập khẩu từ các nước láng giềng.
Do đó, Việt Nam đã và đang tiến hành đầu tư lớn cho lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Mặc dù vậy, vẫn phải thừa nhận đầu tư của nhà nước còn rất hạn chế bởi đòi hỏi tiền đầu tư quá cao trong khi chúng ta đang khó khăn tài chính.
Mặc dù tiềm năng thị trường Việt Nam rất lớn, song nhìn tổng thể khu vực Đông Nam Á, các nhà đầu tư có thể có nhiều lựa chọn hơn bởi các quốc gia lân cận chúng ta cũng đều có chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Theo báo cáo của Economist Corporate Network, tỷ lệ tăng trưởng gộp hàng năm của đầu tư vào năng lượng sạch (gió, mặt trời, sinh khối và địa nhiệt) ở Đông Nam Á là 19% trong giai đoạn 2010-2015, trong đó hơn 60% đầu tư vào năng lượng mặt trời.
Trong khi đó, chủ yếu các nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào 3 nước là Thái Lan, Philippines và Indonesia (chiếm 85% tổng mức đầu tư vào Đông Nam Á). Một trong những nguyên nhân mà các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng việc đầu tư vào Việt Nam còn hạn chế là khả năng tiếp cận vào mạng lưới truyền tải điện phải được nâng cao, bởi sự độc quyền của điện lực nhà nước chính là rào cản lớn nhất để việc này trở nên dễ dàng hơn.
Ông Ingmar Steltor, Giám đốc dự án của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) đánh giá: “công nghệ sản xuất năng lượng sạch đang giảm giá mạnh,đặc biệt là công nghệ năng lượng mặt trời giảm 60-70%. Điều đó dẫn tới chi phí sản xuất điện sạch ngày càng sát với chi phí sản xuất thủy điện hay nhiệt điện.
Ngoài ra, Việt Nam có nguồn tài nguyên sản xuất điện khác rất giàu tiềm năng là nguồn gió xa bờ, vì thế càng làm tăng khả năng nâng cao tính cạnh tranh. Điều mấu chốt còn lại là Việt Nam muốn thu hút đầu tư thì phải xây dựng được khung giá điện hợp lý.
Theo Lao động