Gia Lai: Hiệu quả từ chuyển đổi giống mía mới

Cùng với việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, những năm qua, Nhà máy Đường An Khê luôn chú trọng nghiên cứu, sưu...

Cùng với việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, những năm qua, Nhà máy Đường An Khê luôn chú trọng nghiên cứu, sưu tầm, khảo nghiệm để tìm ra những giống mía phù hợp với vùng nguyên liệu của mình. Đến nay, các giống mía mới được Nhà máy áp dụng thay thế đều cơ bản thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại khu vực và cho năng suất khá cao.

Hiệu quả thực tế

Theo ông Nguyễn Hoàng Phước-Trưởng phòng Đầu tư-Nguyên liệu Nhà máy Đường An Khê, vùng nguyên liệu mía của Nhà máy hiện có khoảng 28.000 ha thuộc địa bàn các huyện, thị xã phía Đông tỉnh gồm: Kbang, Kông Chro, Đak Pơ và An Khê. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khu vực này tương đối thích hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây mía. Tuy nhiên, trước đây, do tập quán canh tác truyền thống, chưa nhận thức được tầm quan trọng của giống mía cũng như chưa mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất còn rất thấp so với tiềm năng đất đai, khí hậu hiện có. Hầu hết các giống mía được nông dân địa phương gieo trồng (My 55-14, R579, POJ…) đều là giống cũ, đã bị thoái hóa và hay nhiễm các loại sâu bệnh như: than, cháy lá, sâu đục thân…

Để khắc phục thực trạng này, những năm qua, Nhà máy Đường An Khê đã du nhập, khảo nghiệm, tuyển chọn được một số giống mía mới có tiềm năng cho năng suất cao, chất lượng ổn định, ít bị sâu bệnh, sức tái sinh và lưu gốc tốt, thích nghi trên vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai để đưa vào cơ cấu giống mía chung cho toàn vùng. Đồng thời, Nhà máy cũng vận động nông dân tham gia chuyển đổi giống mía tùy theo đặc điểm của từng thửa ruộng. Trong đó, chú trọng chuyển đổi và loại bỏ hẳn giống mía R579, hạn chế tối đa trồng giống mía K88-92. “Loại giống này năng suất không ổn định, thời gian lưu giữ đường trong thân rất ngắn, dễ nhiễm bệnh cháy lá nặng (nhất là trên những chân đất thấp, nghèo dinh dưỡng), tỷ lệ tái sinh thấp và dễ bị chết gốc khi thời tiết không thuận lợi. Nếu thu hoạch gặp mưa thì bị nhiễm bệnh xì mủ, chết gốc, còn gặp hạn lại chết khô gốc”-ông Phước nhận xét.

Sau 3 năm thực hiện, đến nay, những giống mía cũ đã giảm đáng kể, giống mía mới chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu giống mía toàn vùng với hơn 20 loại giống. Nếu vụ mùa 2012-2013, giống mía mới chỉ chiếm khoảng 24% tổng diện tích vùng nguyên liệu thì đến vụ mùa 2015-2016, tỷ lệ này đã tăng lên hơn 76% (nhóm giống mía mới: K95-156, K95-84, LK92-11, K2000-89, K94-2-483, KK3…có hơn 19.687 ha; nhóm giống mía cũ: R570, R579, F157, My 55-14… có 6.160 ha). “Qua theo dõi cho thấy, các giống mía mới hiện có tại vùng nguyên liệu đều cho năng suất cao hơn các giống mía cũ tối thiểu 15 tấn/ha; nếu được áp dụng cùng cơ giới hóa thì năng suất tăng lên 25-40 tấn/ha”-ông Phước cho biết.

Thấy được hiệu quả của việc chuyển đổi giống mía, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư, đưa giống mía mới vào sản xuất và thay đổi tập quán sản xuất cũ. Ông Lê Cúc (tổ dân phố 2, phường An Bình, thị xã An Khê) chia sẻ: “Gia đình tôi có tổng cộng 5 ha mía. Trước đây, tôi chủ yếu trồng giống R570, F157 và năng suất không cao. Được sự tư vấn của Nhà máy và nhận thấy hiệu quả thực tế từ các mô hình khảo nghiệm, năm 2014, tôi mạnh dạn lấy giống K95-84 và LK92-11 trồng thử trên 5 sào rồi sau đó nhân rộng toàn diện tích. Các giống mía mới này vừa dễ chăm sóc vừa cho năng suất cao, đều trên 100 tấn/ha thay vì 70 tấn/ha như giống mía cũ”.

Còn ông Nguyễn Văn Bình (làng Klôm, xã Kông Pla, huyện Kbang) thì vui vẻ nói: “Việc Nhà máy chuyển đổi cơ cấu giống là rất kịp thời và hiệu quả, nông dân chúng tôi phấn khởi lắm. Hiện nay, cả xã Kông Pla đã trồng trên 1.000 ha giống mía mới kết hợp với cơ giới hóa, tất cả đều rất hiệu quả. Riêng gia đình tôi có gần 8 ha, trồng từ năm 2013 đến nay, vừa rồi, thu hoạch trung bình 120 tấn/ha, có diện tích cho 150 tấn/ha, cao gần gấp đôi so với trồng giống cũ đã bị thoái hóa trước kia”.

Giải pháp bền vững

Để có được kết quả trên, Nhà máy Đường An Khê đã đưa ra nhiều giải pháp để triển khai thực hiện. Hàng năm, Nhà máy xây dựng chính sách đầu tư cho từng loại giống mía để tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng mía phát triển giống mía mới; liên kết với một số đơn vị trong nước để cùng khảo nghiệm giống mía trên địa bàn; xây dựng mô hình sản xuất giống mía mới trên từng vùng cho người nông dân tham quan, học tập. Ngoài ra, Nhà máy còn tổ chức cho các hộ nông dân tiên tiến đi tham quan học tập các mô hình sản xuất mía giống mới trong nước; tổ chức hội thảo, hội nghị đầu bờ về kỹ thuật canh tác bằng cơ giới hóa và giống mía mới trên nhiều vùng, nhiều xã điểm để cho người trồng mía nắm bắt và thực hiện.

Song song với đó, xác định việc nghiên cứu phát triển, ứng dụng giống mía mới là tiền đề để đưa năng suất mía trên toàn vùng nguyên liệu tăng cao, giảm thiểu tối đa sâu bệnh hại mía là nhiệm vụ sống còn của Nhà máy, cuối tháng 12-2015, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi đã quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu-Ứng dụng giống mía trên địa bàn Đông Gia Lai, trực thuộc Nhà máy Đường An Khê. Đây là cơ hội để phục vụ cho người trồng mía chủ động nguồn giống mía chất lượng cao, sạch sâu bệnh trong những năm đến. Nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm này là đầu tư thiết bị, công nghệ, con người để phục vụ cho công tác chọn, tạo giống mía tại chỗ, khảo nghiệm cụ thể trên vùng nguyên liệu, nhằm đảm bảo chất lượng giống mía tốt cho sản xuất; tiếp nhận nghiên cứu ứng dụng các dòng giống mía mới từ các đơn vị nghiên cứu giống mía trong nước để thực hiện khảo nghiệm so sánh, khảo nghiệm sản xuất thử, chọn giống mía tốt đưa vào nhân giống mía cấp 3 phục vụ cho vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai; liên doanh, liên kết với các tổ chức, trung tâm nghiên cứu giống mía trong nước để thực hiện nghiên cứu, khảo nghiệm các giống mía mới.

Nói về quy trình nhân giống mía để đưa ra sản xuất đại trà, ông Phước phân tích: Để chọn được mía giống có chất lượng tốt, sạch sâu bệnh, người trồng mía nên dành trước quỹ đất đủ để nhân giống phục vụ cho vụ đến. Hệ số nhân giống thông thường khoảng từ 7 đến 9 lần; thời gian nhân giống từ 8 đến 10 tháng tuổi. Trong quá trình sinh trưởng của mía cần loại dần những cây bị sâu bệnh, còi cọc theo định kỳ hàng tháng; tập trung chăm sóc cho mía khỏe, không đổ ngã. Tuy vậy, nếu điều kiện không cho phép triển khai nhân giống trước, nông dân có thể chọn lọc ruộng mía để làm giống. Đó phải là những ruộng mía tơ được chăm sóc tốt, độ đồng đều cây trong ruộng mía cao, sạch cỏ dại, ít bị nhiễm sâu bệnh, không trổ cờ, đổ ngã, thời gian sinh trưởng tối đa 11 tháng trở lại. Trước khi thu hoạch giống, cần đi từng hàng mía để loại bỏ những cây mía còi cọc, sâu bệnh, trổ cờ, gãy ngọn, lẫn tạp giống và tiếp tục loại bỏ những cây có chất lượng kém hoặc bị mất mắt mầm trong quá trình thu hoạch và trồng trọt.

Với sự nỗ lực của Nhà máy, sự đồng thuận cao của người trồng mía, hiện tại trên toàn vùng nguyên liệu đã cơ bản chuyển đổi giống mía mới thành công, đúng tiến độ và thời gian dự kiến chuyển đổi. “Để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho Nhà máy hoạt động, tạo cơ hội cho người trồng mía có lợi nhuận cao trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp có khả năng trồng mía ngày càng ít, việc đầu tư theo chiều sâu để tăng năng suất mía là việc làm hết sức cần thiết và giống mía được đặt lên hàng đầu”-ông Nguyễn Hoàng Phước khẳng định.

 Nguồn: Tin Tây Nguyên