Nhiều DN kinh doanh dịch vụ du lịch tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) đang ăn nên làm ra bỗng chốc rơi vào cảnh nợ nần bởi giá thuê đất tăng đột biến. Tổng doanh thu hàng năm không đủ chi trả 1 phần nhỏ so với tiền thuê đất khiến nhiều DN lâm vào cảnh phá sản. Mặc dù sự bất hợp lý này đã được kiến nghị, chính quyền tỉnh Lâm Đồng biết rõ nhưng chưa có biện pháp.
Mấy tháng nay, Công ty Cổ phần Hoàng Gia DL, chủ đầu tư dự án Sân Golf Đồi Cù Đà Lạt gõ cửa nhiều sở, ban, ngành liên quan để ý kiến về việc Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng đòi tiền thuê đất với giá đột ngột tăng, từ 14 tỷ đồng/năm trong chu kỳ 2016-2021 lên hơn 137 tỷ đồng/năm trong chu kỳ 2022 – 2027. Ông Trần Quốc Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Gia DL cho biết, dù dốc toàn bộ tổng doanh thu 30 tỷ đồng/năm từ sân golf này, doanh nghiệp cũng chỉ có thể chi trả một phần nhỏ số tiền thuê đất mới mà tỉnh Lâm Đồng áp dụng. Đây cũng là lý do Hoàng Gia DL đang nợ Nhà nước tiền thuê đất hàng trăm tỷ đồng.
“Năm 2006, tiền thuê đất của dự án sân golf là 732 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, sau 4 chu kỳ ổn định thì hiện đã tăng lên 137 tỷ đồng/năm là quá khủng khiếp. Từ một đơn vị làm ăn có lãi thì tự nhiên bị nợ. Việc tính giá đất như thế này chắc chắn sẽ khiến doanh nghiệp phá sản”, ông Trần Quốc Hùng bày tỏ.
Giá thuê đất quá cao khiến nhiều doanh nghiệp ở Đà Lạt (Lâm Đồng) trở thành con nợ.
Tương tự, Khu du lịch Thung lũng Tình yêu Đà Lạt cũng bị áp mức giá thuê đất tăng vọt, từ 18 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng/năm. Theo ông Trần Mến, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng (TTC Lâm Đồng), chủ đầu tư Thung lũng Tình yêu Đà Lạt, trong số 130ha đất của khu du lịch có hơn 22ha đất thương mại dịch vụ, nhưng chủ yếu là đường giao thông, mặt nước, công viên hoa cảnh và sân bãi đậu xe. Vì vậy, tỉnh Lâm Đồng áp giá thuê hơn 18 triệu đồng/m2 là quá cao.
“Áp dụng với mức giá như hiện nay thì không thể nào doanh nghiệp trụ nổi. Mở mắt ra, một ngày mất hơn 200 triệu tiền thuê thì tiền bán vé sao đủ, rất khó khăn. Mà du lịch là có mùa, đâu thể có khách quanh năm suốt tháng được. Vào mùa mưa thì chỉ có chết thôi. Duy trì tiền công nhân viên, tôn tạo cảnh quan, bảo trì tài sản này nọ… thì đã quá khó rồi”, ông Trần Mến than thở.
Sân Golf Đồi Cù Đà Lạt đang phải trả 137 tỷ đồng/năm tiền thuê đất, khiến Hoàng Gia DL nợ trên cơ nghiệp.
Tại Điều 4, Nghị định số 44, ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về giá đất nêu rõ, có 5 phương pháp định giá đất gồm: phương pháp so sánh trực tiếp, phương pháp chiết trừ, phương pháp thu nhập, phương pháp thặng dư và phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất. Tỉnh Lâm Đồng đang áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất, tức định giá bằng cách căn cứ bảng giá do UBND tỉnh ban hành nhân với hệ số điều chỉnh. Với cách tính này, đất thương mại dịch vụ trên địa bàn thành phố Đà Lạt có đơn giá cho thuê 18.129.000 đồng/m2, không phân biệt đất có nhà cao tầng, đất giao thông hay đất làm khuôn viên, cây cảnh. Riêng đất thuộc nhóm thể dục thể thao như sân golf Đồi Cù Đà Lạt được tính đơn giá thuê ngang bằng 100% giá đất ở cùng đường phố, cùng vị trí, cùng khu vực.
Khu du lịch Thung lũng Tình yêu Đà Lạt đang nợ hàng trăm triệu đồng vì tiền thuê đất tăng đột biến.
Việc giá thuê đất tăng vọt khiến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Lạt rơi vào cảnh lao đao. Đây là một sự bất hợp lý mà ai ai cũng đều thấy rõ và dĩ nhiên lãnh đạo các sở, ngành và UBND tỉnh Lâm Đồng là rõ ràng nhất. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Trãi, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Lâm Đồng, hiện ngoài cách chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, địa phương vẫn chưa biết giải quyết vấn đề này như thế nào cho hài hòa, thấu đáo nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Đất trồng hoa công viên ở Đà Lạt đang buộc doanh nghiệp chi trả tiền thuê hơn 18 triệu đồng/m2/năm.
“Chúng tôi cũng rất chia sẻ với các doanh nghiệp. Qua điều tra chúng tôi thấy trong 5 năm liên tục như sân golf doanh số cao nhất là 36 tỷ đồng, thấp nhất là 14 tỷ đồng, người ta không thể nào trụ nổi, đấy là thực tế. Tương tự như vậy, một số khách sạn cũng có giá thuê đất tăng lên. Chúng tôi cũng đã có báo cáo kiến nghị với UBND tỉnh nhưng đây là vấn đề nhạy cảm. Bởi về nguyên tắc xác định giá đất là đúng rồi, bây giờ muốn giảm thì giảm kiểu gì? Việc này rất khó. Phải có cơ chế như thế nào đó, chứ nếu mình giảm thì sau này có thanh tra, kiểm tra vào cuộc nói thất thoát ngân sách nhà nước thì ai chịu trách nhiệm?!”, ông Nguyễn Văn Trãi cho biết
Trong lúc chờ đợi tỉnh Lâm Đồng xem xét, kiến nghị Trung ương ban hành cơ chế, chính sách áp dụng giá thuê đất hợp lý, nhiều doanh nghiệp Lâm Đồng đã rơi vào cảnh nợ tiền thuê đất hàng trăm tỷ đồng, đứng trước nguy cơ phá sản.
Theo VOV