Nhiều hộ dân xã Phúc Lộc, Yên Bái đã mạnh dạn chuyển đổi những đất kém hiệu quả sang trồng mía đem lại thu nhậ...
Với ưu thế không phải đầu tư lớn, dễ trồng, không tốn công chăm sóc, cây ít bị sâu bệnh, nhiều hộ dân xã Phúc Lộc thành phố Yên Bái đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất ruộng, đất soi bãi kém hiệu quả sang trồng cây mía đem lại thu nhập khá.

Hình minh họa người trồng mía
Do đất ruộng trồng lúa và các loại cây màu khác kém hiệu quả, gia đình ông Nguyễn Khắc Hoằng, thôn 3, xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây mía. Theo ông Hoằng, cây mía dễ trồng, rất phù hợp với đất vườn, đất soi bãi, lại ít sâu bệnh, dóng dài, to, ngọt nên được nhiều người ưa chuộng. Theo ông Hoằng, mỗi năm gia đình ông cũng thu về khoảng 15 đến 17 triệu đồng/sào mía.
Ông Nguyễn Khắc Hoằng - thôn 3, xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái cho biết: Tính ra hiệu quả cây lúa và cây mía thì năng xuất gần gấp đôi, cây lúa thì phải đầu tư nhiều, bây giờ cày bừa phải thuê và dân chúng tôi quay ra trồng mía, thời gian nó lâu nhưng hiệu quả hơn và cao hơn.
Cũng giống những hộ trồng mía trong xã, những ngày này, gia đình bà Nguyễn Thị Thuyết thôn 3, xã Phúc Lộc thành phố Yên Bái cũng đang bận rộn với việc chăm sóc gần 2 sào mía chuẩn bị cho thu hoạch vào tháng 4 tới và trồng xen canh mía trên những ruộng trồng cây màu khác.
Bà Thuyết cho biết, chỉ một vài tháng nữa, khi thời tiết ấm lên cũng là lúc các ruộng mía của xã Phúc Lộc tập nập thương lái tìm đến thu mua, gia đình bà lại có thêm nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, một số hộ trồng mía như gia đình bà Thuyết mới chỉ là tự phát, manh mún nên gặp không ít khó khăn về giống, phân bón, kỹ thuật canh tác.
Bà Nguyễn Thị Thuyết - Thôn 3, xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái nói: Nói chúng như dân chung tôi, các sản phẩm bán ra cũng không ăn thua gì nhưng cây mía tôi thấy năng xuât hơn, thu hoạch hơi dài hơn so với các cây ngắn ngày này, mong muốn nhà nước hỗ trợ cho phân và giống cho người dân chúng tôi.
Năm 2015, thành phố Yên Bái triển khai “Dự án cánh đồng mía Phúc Lộc”, mỗi hộ tham gia dự án tại xã Phúc Lộc được vay 20 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư mua giống, phân bó và các loại vật tư khác, đồng thời được tập huấn kỹ thuật trồng mía nên đến nay, toàn xã Phúc Lộc đã có 8 ha đất trồng mía với 70 hộ tham gia. Cây mía vàng đang dần trở thành cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trong xã.
Hiện nay, nhiều diện tích đất kém hiệu quả đã được bà con chuyển sang trồng mía, bình quân thu hoạch từ 15 - 20 triệu đồng/sào đối với mía vàng và 25 - 30 triệu đồng đối với mía tím. Do đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc nên không ít hộ dân trong xã còn tận dụng mọi diện tích đất để trồng mía, vừa có thêm thu nhập, vừa có thêm nguồn thức ăn xanh cho trâu, bò. Nhờ chuyển đổi giống cây trồng nên đời sống nhân dân ngày càng ổn định.
Ông Phùng Thế Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Lộc thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái cho biết: Trong những năm qua để tăng thu nhập cho bà con trên diện tích đất khô cằn trên địa bàn xã Phúc Lộc, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho bà con chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Như chuyển đổi cây mía, chúng tôi hỗ trợ cho bà con phát triển cây mía trên địa bàn xã.
Việc chuyển đổi cây trồng hợp lý, mang lại giá trị kinh tế cao là hướng đi đúng đắn của người dân xã Phúc Lộc. Tuy nhiên, nhu cầu của thị trường hạn chế tiêu thụ chủ yếu tại thành phố Yên Bái, chưa có điểm tiêu thụ lớn nên người dân cần phải tìm hiểu thị trường và cân nhắc khi mở rộng diện tích đất trồng mía.
Theo Công an Nhân dân