Khi đại gia củng cố vị thế trong ngành mía đường

(Laodong) - Cuối tuần qua, tại ĐHĐCĐ thường niên 2014, CTCP đường Biên Hòa (HOSE: BHS) đã chính thức thông qua...

(Laodong) - Cuối tuần qua, tại ĐHĐCĐ thường niên 2014, CTCP đường Biên Hòa (HOSE: BHS) đã chính thức thông qua phương án nhận sáp nhập CTCP đường Ninh Hòa (HOSE: NHS) với tỉ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:1. 

Chia sẻ với các cổ đông về những lợi ích của thương vụ sáp nhập này, lãnh đạo của BHS cho biết, sau sáp nhập với NHS, BHS sẽ có vùng nguyên liệu tăng gấp đôi lên 23.500ha, công suất thiết kế nhà máy của BHS dự kiến sẽ tăng lên đến 11.700 tấn mía/ngày (TMN). Ngoài ra, BHS hiện đứng thứ hai về quy mô vốn và sản xuất trong tổng số 38 DN đường đang hoạt động. Đồng thời, BHS còn là DN duy nhất sở hữu nhà máy đường luyện công nghệ Nhật Bản.

Với lợi thế này, BHS có thể giúp NHS mở rộng đầu tư, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ đường RS sang sản xuất các sản phẩm đường cao cấp cũng như việc tăng thêm vùng nguyên liệu từ NHS. Theo lộ trình đề ra, sau khi ĐHĐCĐ thông qua phương án sáp nhập, BHS sẽ thực hiện xin phép các cơ quan quản lý và hoàn tất dự kiến trong quý III/2014. Nếu lộ trình sáp nhập thành công, dự kiến đến năm 2018, doanh thu sẽ đạt 5.000 tỉ và lợi nhuận 250 tỉ đồng.


Mỗi năm Việt Nam sản xuất 1,4 triệu tấn đường.

Theo đánh giá của một số CTCK, việc M&A giữa BHS và NHS sẽ giúp NHS phát triển mạnh thị phần tại khu vực miền Bắc và miền Trung mà không cần phải đầu tư thêm một nhà máy sản xuất đường mới, giúp Cty tiết kiệm chi phí vận chuyển. Hơn thế nữa, việc M&A giữa NHS vào BHS sẽ tạo ra sự cộng lực nâng quy mô và tầm cỡ của BHS lên cấp quốc gia. Công suất ép mía của BHS và NHS có thể nâng lên 12.000 TMN, trở thành Cty có công suất ép mía lớn nhất cả nước và trong tương lai sẽ đạt xấp xỉ 13.000 TMN.

Và chính vì những lợi thế đó, khi mà thương vụ sáp nhập giữa BHS và NHS vừa còn nóng hổi thì ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch Tập đoàn TTC - đã cho biết TTC không chỉ dừng kế hoạch M&A ở NHS và BHS, mà sắp tới còn có kế hoạch “tác hợp” giữa CTCP mía đường TTC Tây Ninh (SBT) và CTCP mía đường nhiệt điện Gia Lai (SEC). Lý do cho cuộc “hôn phối” này, theo ông Thành, tiền thân của hai Cty SBT và SEC do Tập đoàn Groupe Des Societes De Bourbon (Cộng hòa Pháp) xây dựng, do đó việc sáp nhập hai Cty có chung nguồn gốc lịch sử thành một Cty lớn sẽ thuận lợi và tạo ra lợi thế cạnh tranh và lợi ích cho cổ đông của hai Cty. Và đồng thời là để có thể có sự bổ trợ lớn mạnh thực sự đủ năng lực, đủ điều kiện tồn tại và phát triển.

Theo ông Đặng Văn Thành, mỗi năm Việt Nam sản xuất 1,4 triệu tấn đường, sau khi tiêu thụ và xuất khẩu, lượng tồn kho còn khoảng 200.000 tấn. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất chính là đường nhập lậu từ Thái Lan đang thao túng thị trường, Nhà nước chưa tìm được cách chống đỡ. Đó là chưa kể việc sẽ xóa bỏ thuế quan nhập khẩu đường từ các nước ASEAN vào năm 2015 theo lộ trình Hiệp định Thương mại tự do (AFTA) càng làm áp lực cạnh tranh và chống chọi với đường lậu từ Thái Lan còn kinh khủng hơn.

“Không còn cách nào khác, chính ngành đường phải tự cứu bằng cách làm sao tìm mọi cách để hạ giá thành sản phẩm, để có thể “đè” được đường lậu giá rẻ từ Thái Lan. Nếu không chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà”- ông Thành cảnh báo.

Với việc M&A các Cty mía đường trong hệ thống, mà theo ông Thành, là quy luật, sự trưởng thành, hội nhập của những người làm công tác mía đường, gia đình ông Đặng Văn Thành đã củng cố chỗ đứng của mình trong ngành mía đường, dù vẫn nắm 50% số lượng Cty niêm yết trên các sàn CK (gồm cả sàn Upcom). Chưa rõ vị trí chính xác của gia đình ông Đặng Văn Thành trong ngành mía đường ở mức độ nào, tuy nhiên khi trả lời câu hỏi của báo giới về vấn đề thị phần mà Tập đoàn TTC sau việc thâu tóm ồ ạt các Cty trong ngành đường, ông Thành cũng cho biết kế hoạch của tập đoàn trong thời gian tới là gia tăng thị phần lên nhưng không quá 30% toàn thị trường, nhằm tránh việc phải chịu khống chế bởi Luật Cạnh tranh.

Đường Ninh Hòa vừa được Tạp chí Forbes xếp vào danh sách 200 Cty vừa và nhỏ có doanh thu dưới 1 tỉ USD tốt nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (BUB) năm 2012 - 2013 và là 1 trong 50 DN niêm yết tốt nhất trên sàn CK theo công bố của Forbes Việt Nam. Theo báo cáo HĐQT, Đường Biên Hòa hiện sở hữu 400.920 CP Đường Ninh Hòa, tương ứng 0,66% VĐL. Tuy nhiên, những DN liên quan đến gia đình ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) - đều đang nắm lượng CP lớn tại hai DN này. Tại Đường Ninh Hòa, CTCP đầu tư TTC, CTCP mía đường Thành Thành Công Tây Ninh và Điện Gia Lai - thành viên tập đoàn nắm trên 34% cổ phần. Với Đường Biên Hòa, nhóm cổ đông gồm CTCP mía đường Thành Thành Công Tây Ninh và Cty đầu tư Thành Thành Công nắm trên 36,2% VĐL. Vợ và con gái ông Đặng Văn Thành là bà Huỳnh Bích Ngọc và Đặng Huỳnh Ức My cũng nắm 11,98%, đưa tổng số cổ phần sở hữu lên 48,2%.

Laodong