Lại chuyện mạnh ai nấy làm

(TBKTSG) - Cuối tuần rồi, Thủ tướng Chính phủ đã phải gỡ khó cho ngành du lịch khi tiếp đón khách đến bằng tàu...
(TBKTSG) - Cuối tuần rồi, Thủ tướng Chính phủ đã phải gỡ khó cho ngành du lịch khi tiếp đón khách đến bằng tàu biển, do bị vướng về thủ tục nhập cảnh và chi phí tăng đột biến. Qua sự việc này cho thấy ở Việt Nam, việc phối hợp, liên kết giữa các ngành, cơ quan quản lý là chuyện xa vời, và hệ lụy thì doanh nghiệp và người dân cứ lãnh đủ.
 
Trong khi ngành du lịch cố gắng đưa ra những biện pháp tích cực để đón khách thì những ngành khác
lại có những chính sách đi ngược lại, thành rào cản cho du lịch. Ảnh: ĐÀO LOAN
 
Doanh nghiệp du lịch và những địa phương đón khách đến bằng tàu biển thở phào sau 10 ngày căng thẳng bởi quy định mới khiến du khách phiền lòng và một số hãng tàu “dọa” sẽ không ghé Việt Nam. Từ chuyện này, vấn đề liên kết lỏng lẻo, mạnh ai nấy làm khiến du lịch khó có thể phát triển nhanh lại một lần nữa được đặt ra.
 
Quy định mới được đưa ra trong Luật Nhập cảnh Xuất cảnh, Quá cảnh và Cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1-1- 2015. Theo đó, du khách quốc tế đến bằng tàu biển muốn vào nội địa du lịch theo tour của công ty trong nước phải xin thị thực nhập cảnh, tốn thời gian làm thủ tục và tốn phí 45 đô la Mỹ mỗi người. Trong khi đó, quy định cũ chỉ yêu cầu du khách xin giấy phép tham quan, thủ tục thực hiện rất nhanh, thích hợp cho những khách chỉ ghé Việt Nam trong thời gian ngắn như khách tàu biển.
 
Luật mới có ảnh hưởng rất lớn đến du lịch nhưng hầu như doanh nghiệp không hề biết, đến khi Tổng cục Du lịch có văn bản thì mọi người mới hốt hoảng. Ngay cả cơ quan quản lý du lịch cũng bất ngờ.
 
Một nguồn tin từ Tổng cục Du lịch cho biết, “hình như” cơ quan quản lý cao hơn là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có nhận được văn bản yêu cầu đóng góp ý kiến khi luật nói trên còn là dự thảo, còn Tổng cục Du lịch thì không có thông tin. Đến cuối tháng 12-2014, tức cận ngày thực hiện quy định mới, tổng cục mới nhận được thông báo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an yêu cầu triển khai quy định này và đã làm ngay. Trước đó, Bộ Công an cũng đã đưa toàn bộ dự thảo luật lên trang web, yêu cầu doanh nghiệp, cơ quan liên quan đóng góp ý kiến.
 
Cơ quan nào cũng cho rằng đã thực hiện đúng chức trách nhưng thực tế thì quy định không hợp lý vẫn tồn tại trong luật mới. Lý do, bởi cơ quan nào cũng làm nhưng lại thiếu tính hợp tác. Thêm vào đó, đáng lẽ những người làm chính sách phải đủ “nhạy cảm” để đưa những quy định có thể ảnh hưởng đến nhiều người, tổ chức… ra bàn luận rộng rãi thay vì chỉ “âm thầm” đưa lên trang web mà không tổ chức truyền thông rộng rãi đến các đối tượng có thể bị tác động của luật. Ngược lại, trách nhiệm của ngành quản lý du lịch cũng không được thực hiện đến nơi đến chốn. Lẽ ra, cơ quan quản lý du lịch phải quyết liệt đề xuất sửa đổi những quyết định liên quan đến ngành ngay khi dự thảo luật được đưa ra lấy ý kiến.
 
Việc thiếu liên kết, hợp tác này gây ra việc tréo ngoe, trong khi ngành du lịch cố gắng đưa ra những biện pháp tích cực để đón khách thì những ngành khác lại có những chính sách đi ngược lại, thành rào cản cho du lịch.
 
Vấn đề thị thực nhập cảnh hay việc nhiều địa phương tăng phí tham quan đột ngột cũng là những minh chứng. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình đã tăng phí tham quan nhiều điểm du lịch trong năm nay; tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng sẽ tăng, Hà Nội dự kiến thu phí một số điểm tham quan hiện đang miễn phí... 
 
Theo doanh nghiệp, tuy giá vé mỗi lần chỉ vài chục hoặc vài trăm ngàn nhưng tổng phí tham quan lại chiếm phần khá lớn trong giá thành của một tour. Hiện nay, nhiều công ty du lịch đang hợp tác với nhiều nhà cung cấp dịch vụ giảm giá để bán tour kích cầu cho khách du lịch. Như thế chi phí điều hành tour, khách sạn, hàng không giảm nhưng phí tham quan lại tăng đến hơn 100%. Hiện trong các chương trình kích cầu tour ra miền Trung, miền Bắc, chi phí tham quan chiếm trên dưới 25% trong tổng chi phí.
 
Nhiều địa phương muốn tăng thu ngân sách nên đã tăng phí, nhưng chưa tính đến việc phí tham quan cao thì có thể khách không ghé địa phương, như thế sẽ thất thu lớn hơn.
 
Cuối tuần rồi, nhiều cuộc họp về du lịch đã diễn ra liên tiếp tại Hà Nội. Trong đó, có cuộc họp để gỡ rối chính sách gây cản trở du lịch, có cuộc họp bàn để triển khai một số biện pháp cho du lịch phát triển... Doanh nghiệp trong ngành cho rằng đã thấy những tín hiệu tích cực qua những lần họp bàn này, đã thấy Chính phủ, cơ quan quản lý và một số cơ quan liên quan khác có quyết tâm. Vấn đề là cách thực hiện phải thật cụ thể, hiệu quả và bản thân doanh nghiệp cũng phải tích cực tham gia vào sự liên kết này.