(NDH) Năm 2014, nhiều thương vụ thâu tóm, sáp nhập của các doanh nghiệp trong cùng một ngành đã được diễn ra. ...
(NDH) Năm 2014, nhiều thương vụ thâu tóm, sáp nhập của các doanh nghiệp trong cùng một ngành đã được diễn ra. Xu hướng hội nhập, liên kết này có thể giúp các DN vượt qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, mở rộng thị phần và trở nên vững mạnh hơn.
Từ câu chuyện ngành đường của Thành Thành Công
4 trong số 7 công ty thành viên của Thành Thành Công hiện đang niêm yết trên Sở GDCK Tp. HCM và lên kế hoạch sáp nhập trong năm 2014 này. Theo kế hoạch, BHS sẽ phát hành cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1 để hoán đổi cổ phiếu của NHS, trong khi đó SBT cũng sẽ sáp nhập SEC theo hình thức hoán đổi cổ phiếu, 1,05 SEC cổ phiếu đổi lấy 1 cổ phiếu SBT. Mặc dù, đến nay cổ phiếu NHS và SEC vẫn chưa tiến hành hủy niêm yết nhưng phương án sáp nhập trên đã được ĐHCĐ thống nhất thông qua.
Sau khi tiến hành M&A, ngành mía đường trong tay Thành Thành Công sẽ được thu về 2 đầu mối chính là BHS: nắm cổ phần của Đường Ninh Hòa, Mía đường Phan Rang và Mía đường 333; BHS nắm cổ phần của SEC Gia Lai và Mía đường La Ngà. Đây đều là những doanh nghiệp có quy mô lớn hàng đầu trong ngành mía đường. Theo ước tính của ông Phạm Hồng Dương,Thành viên HĐQT SBT, công ty này sau sáp nhập sẽ có tổng tài sản đến năm 2015 dự kiến 4,798 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 2,371 tỷ đồng và đặc biệt thị phần sẽ vào khoảng 11.1%.
Đến những thương vụ M&A mở rộng thị phần trong lĩnh vực khác
Không chỉ ở trong ngành đường, xu hướng thâu tóm doanh nghiệp cũng có rải rác ở một số các ngành khác. Trong đó, có không ít các thương vụ xuất hiện sự tham gia của các DNNY trên sàn chứng khoán mà tiêu biểu phải kể đến trường hợp Phượng Hoàng Xanh A&A, một DN sản xuất kinh doanh đá thạch anh đã mua thêm hơn 29 triệu cổ phiếu VCS của công ty cùng ngành. Với việc tăng tỷ lệ sở hữu từ 2,56% lên 58%, Phượng Hoàng Xanh A&A đã thâu tóm thành công và trở thành công ty mẹ của CTCP Vicostone (mã VCS- HNX). Trước đó, Vicostone đã có ý định hủy niêm yết tự nguyện trên Sở. Công ty này cũng từng được biết tới với mối quan hệ bất hòa với cổ đông cũ Red River Holding, nên việc “sang tay” một cổ đông mới có tính chất bước ngoặt với Viscostone. Thương vụ này diễn ra khá chóng vánh và được hoàn tất vào đầu tháng 8/2014.
Cũng bằng phương thức mua lại cổ phần của các cổ đông cũ, Công ty TNHH Thái Sơn cũng đã nắm giữ được hơn 50% cổ phần của CTCP Chiếu xạ An Phú (mã APC- HOSE); Công ty Xăng dầu và Dịch vụ Hàng Hải STS nhận chuyển nhượng cổ phần CTCP Nhiên liệu Sài Gòn (mã SFC- HOSE) từ PNJ và sau đó thông qua chào mua công khai tăng tỷ lệ sở hữu lên 50,99%.
STS cho biết mục đích của việc thâu tóm trên là nhằm phát triển mạng lưới phân phối xăng dầu của STS. Còn với trường hợp của APC, việc đề xuất hợp nhất với STS cũng chỉ mới được hé lộ tại ĐHCĐ bất thường tổ chức vào cuối tháng 11/2014. Tại thời điểm đó, người ta cũng mới biết Công ty TNHH Thái Sơn đã mua gom cổ phiếu của APC. Và đương nhiên, với trên 50% quyền biểu quyết, Thái Sơn hoàn toàn có quyền quyết định phương án hợp nhất trên có được thông qua hay không.
Thái Sơn và An Phú là 2 trong 3 doanh nghiệp được coi là đang chi phối thị trường chiếu xạ của Việt Nam. Việc hợp nhất sẽ giúp công ty mới chiếm lĩnh được thị phần chủ lực.
Mặc dù chưa đạt tới tỷ lệ sở hữu có quyền chi phối, nhưng một số doanh nghiệp đã củng cố và gia tăng thêm đầu tư vào công ty hoạt động trong cùng ngành như CTCP Giống cây trồng TW (mã NSC- HOSE) đang tăng dần số cổ phần SSC của CTCP Giống Cây trồng miền Nam. Gần đây nhất, công ty này đã chào mua thành công xấp xỉ 2,3 triệu cổ phiếu SSC, qua đó phần vốn góp tại Southern Seed đã tăng lên từ 24,7% lên hơn 40% vốn.
CTCP Transimex-Saigon(mã TMS- HOSE) cũng có đợt chào mua công khai cổ phần của CTCP Vinafreight (mã VNF- HNX) với 280.000 cổ phiếu đăng ký mua, tương đương hơn 5% VĐL Vinafreight nhưng lại không thành công nên TMS đến nay vẫn chỉ đang nắm giữ khoảng 30% VĐL. Tuy nhiên,chủ trương gia tăng đầu tư vào Vinafreight đã được HĐQT thông qua nên thời gian tới, TMS nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục mua vào cổ phần tại Vinafeight.
Đặc biệt trong năm 2014, ngành sản xuất bánh kẹo chứng kiến thương vụ " khổng lồ" của Mondelēz International mua 80% cổ phần mảng bánh kẹo của Công ty Kinh Đô có trị giá đầu tư khoảng 7.846 tỉ đồng (khoảng 370 triệu đô la Mỹ).
Hay sự ra nhập thị trường chóng vánh thông qua M&A, chuyển đổi thương hiệu của Vingroup với hệ thống Ocean Mart sau khi mua lại 70% cổ phần Công ty Ocean Retail và đổi tên thành Công ty CP Siêu thị VinMart.
Theo kế hoạch đến năm 2017, VinMart sẽ có khoảng 100 siêu thị và 1.000 cửa hàng tiện ích trên cả nước từ đầu tư xây dựng mới hoặc mua lại thông qua các giao dịch M&A.
Liên kết với các doanh nghiệp cùng ngành là một chiến lược tăng trưởng đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn thực hiện trong năm 2014. Trong bối cảnh xu hướng thanh lọc các doanh nghiệp diễn ra ngày càng mạnh mẽ với số lượng doanh nghiệp giải thể của toàn nền kinh tế đạt mức kỷ lục (67.823 DN), M&A có thể là một chiến lược tốt giúp doanh nghiệp sống sót trong điều kiện nền kinh tế vẫn chưa hết khó khăn, đồng thời mở rộng thị phần.