Mía đường Việt Nam: Làm sao thoát kiếp “chiếu manh” ?

(Congluan.vn) - Việt Nam là một nước có nền kinh tế nông nghiệp lâu đời, trong đó có cây mía. Nhưng sau 15 năm...

 (Congluan.vn) - Việt Nam là một nước có nền kinh tế nông nghiệp lâu đời, trong đó có cây mía. Nhưng sau 15 năm hoạch định các chiến lước, giá đường cao nhưng chất lượng lại kém hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới – là câu hỏi mà nhiều nhà quản lý, chuyên gia vẫn đang đi tìm lời giải.

Nền nông nghiệp “chiếu manh” Mới đây, Bộ NN&PTNT, Cục chế biến Nông - Lâm - Thủy sản và nghề muối và Tập đoàn Thành Thành Công đã phối hợp tổ chức Hội thảo Quốc tế lần II ngành mía đường tại TP.HCM với chủ đề “Giải pháp giảm chi phí sản xuất mía để nâng cao thu nhập cho người nông dân” đã thu hút hàng trăm DN ngành mía của Việt Nam, Mỹ, Úc, Philippin, Brazil…

Đại diện Thành Thành Công, ông Nguyễn Văn Lộc chia sẻ: Hội thảo không chỉ đem đến cơ hội để các nhà quản lý, nông dân tìm kiếm, tiếp cận nhanh chóng các ứng dụng KHKT tiến tiến, chia sẻ các giải pháp, các mô hình đầu tư hiệu quả trong việc trồng, khai thác, kinh doanh kinh và làm giàu từ cây mía.


GS Võ Tòng Xuân


Tại hội thảo, GS Võ Tòng Xuân đã không ngần ngại ví vón: “Mía đường Việt Nam là ngành nông nghiệp “chiếu manh”.

Giải thích cho nhận định của mình, GS Võ Tòng Xuân cho biết: Việt Nam có nền cơ cấu nông nghiệp, nhưng các vùng canh tác không có chiều rộng, chiều sâu như các nước trong khu vực (chỉ khoảng 2ha/ruộng). Theo đó là tình trạng quy mô sản xuất nhỏ, với một công nghệ lạc hậu, dẫn tới việc suốt 15 năm qua, ngành mía vẫn phải loay hoay tìm đáp số bài toán về chữ đường, năng suất và giá thành.

Phân tích về sự “ì ạch” của ngành mía, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT nhà máy đường Thanh Hóa cho rằng: Do trước đây, chúng ta có thời kỳ nhà nhà đua nhau làm mía đường, nên hầu hết địa phương nào cũng có nhà máy chế biến, nhưng làm manh mún, tự phát, cộng với vùng nguyên liệu thiếu tập trung, cây giống lỗi thời… Vậy nên năng suất thấp, cạnh tranh kém, đã khiến nhiều nhà máy đóng cửa hoặc phá sản.

Rõ ràng, chúng ta chẳng thể phủ nhận thời gian qua, giá đường bị thả nổi, mặc cho DN nâng, hạ giá tùy thích. Đến ngay cả việc HAGL được phép nhập về 30.000 tấn đường từ Campuchia… là những vấn đề đáng để những người làm công tác hoạch định chinh sách quan tâm.

Trong khi đó, xu hướng của thế giới là sử dụng công nghệ cao vào tất cả các khâu từ xử lý giống, sản xuất đến tiêu thụ. Điều đó sẽ giúp giải bài toán giảm chi phí, nâng năng suất và giá thành có tính cạnh tranh cao.

Đại diện Công ty CP Mía Đường Nước Trong (Tây Ninh), ông Hồ Thái Bình đánh giá: Các DN cần cải tiến quy trình canh tác, nâng cao năng xuất, sử dụng giải pháp tưới nước giúp nâng cao chữ đường… để giúp người nông dân nâng cao thu nhập, gắn bò lâu dài với cây mía, doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu đủ, ổn định.

Cần cơ chế và máy móc “tiếp sức” !?

Trước yêu cầu về phát triển nguồn nguyên liệu mía hiện nay, đòi hỏi phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa 4 nhà, là nhà nước - nhà khoa học - nhà kinh doanh - nhà nông”. Tuy nhiên, việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào canh tác, sản xuất mía đường còn hạn chế.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Ngọc Tỉnh - nông dân điển hình Thành Thành Công cho rằng: Tưới nước cho mía là một công tác cực kỳ quan trọng, giúp giảm sâu bệnh, nâng chữ đường cho mía… Nhưng để đồng loạt tưới cho một diện tích mía rộng là không dễ dàng.


Nông trường mía Long Thành (Tây Ninh) luôn cho năng suất cao và chữ đường lớn nhờ áp dụng KHKT


Ông Tĩnh cho biết công ty ông đang áp dụng quy trình sử dụng cơ giới hóa từ khâu đầu vào, đến khâu đầu ra như: Giữ lá mía không đốt, vùi lá giữa hai hàng mía, cày ngầm kết hợp bón phân, phun vôi đồng loạt trên toàn ruộng mía, phun thuốc kết hợp phân bón qua lá phòng trừ sâu bệnh… giúp nâng cao năng suất, chất lượng. Ông Tỉnh cũng kiến nghị Bộ KH&CN, Bộ, các Sở NN&PTNT cần nghiên cứu, đầu tư các lọai máy phù hợp cho các địa phương trồng mía, tổ chức các hội nghị, hội thảo, giúp nông dân cập nhật thông tin và ứng dụng KHKT chính xác, hiệu quả.

Một thực tế các đại biểu đều thừa nhận: Thực tế thị trường, giá cả cao, chất lượng kém khiến đường Việt Nam cạnh tranh kém. Thực trạng này cũng giống với Thái Lan 30 năm trước, trước khi Luật Mía đường ra đời. Và sau 30 năm, nhờ hoạch định chiến lược khoa học, phù hợp thực tế, Thái Lan đã và đang là quốc gia có khả năng sản xuất đường mạnh trong khu vực và trên thế giới.

Nếu so với Thái Lan, thì đến 2015 khi chúng ta phải đưa thuế suất về 0% cho đường nhập khẩu, việc cạnh tranh với đường ngoại là rất khó khó khăn, không biết khi nào ngành mía đường Việt Nam mới đủ sức cạnh tranh nếu không thay đổi !?

Trước nhiều trăn trở của các đại biểu, ông Nguyễn Trọng Thừa - Cục trưởng Cục chế biến Nông Lâm Thủy sản và nghề Muối cho rằng: Hội thảo đã đem đến nhiều góc nhìn khác nhau và những bài học thực tiễn có giá trị cho ngành mía đường Việt Nam.

Ông Thừa cũng thừa nhận: Hiện nay các ngành nông sản chưa có một nghị định nào, trong khi các nước trong khu vực đã hoàn thành các văn bản. cố gắng phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ trình chính phủ văn bản soạn thảo cho luật mía đường, từ khâu sản xuất mía, đường, đến chế biến và đóng gói để ngăn cản vấn đề nhập lậu.

Trong thời gian tới, Cục và Bộ NN&PTNT sẽ đề xuất trình Chính phủ nhiều giải pháp để hỗ trợ ngành mía đường: Cải cách thủ tục hành chính, hải quan; Tổ chức hội thảo chuyên ngành, thực hiện việc thu phí kiểm dịch các lọai nông sản trong đó có cây mía… góp phần thúc đẩy ngành mía đường phát triển, tăng sức cạnh tranh, giúp người nông dân có thể làm giàu từ cây mía, yên tâm gắn bó lâu dài…

Congluan.vn